Hướng dẫn một số nội dung đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng

Ngày 30/9/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Hướng dẫn số 08-HD/TU về một số nội dung Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 320-KH/TU, ngày 10/7/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Một số nội dung trọng tâm của Hướng dẫn:

I- VỀ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI, QUÁN TRIỆT; THÀNH LẬP TIỀU BAN NHÂN SỰ VÀ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN NHÂN SỰ

Ban thường vụ cấp uỷ các cấp tổ chức hội nghị quán triệt (trực tiếp hoặc trực tuyến) nhằm quán triệt đầy đủ, sâu sắc Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy chế bầu cử trong Đảng, Kế hoạch tổ chức đại hội của cấp mình, Hướng dẫn 08 và các văn bản, hướng dẫn liên quan bảo đảm về hình thức, nội dung, thời gian theo quy định; quyết định thành lập tiểu ban nhân sự, phân công nhiệm vụ và xây dựng đề án nhân sự phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.

II- MỘT SỐ NỘI DUNG, YÊU CẦU CỤ THỂ VỀ CÔNG TÁC NHÂN SỰ

1- Tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên

Căn cứ vào yêu cầu, tiêu chuẩn chung nêu tại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy, ban thường vụ, các chức danh lãnh đạo cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo; trong đó, đối với một số chức danh cần xem xét cụ thể theo hướng:

(1)- Nhân sự dự kiến giới thiệu làm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND hoặc chủ tịch UBND; lãnh đạo chủ chốt HĐND, UBND nhiệm kỳ 2026 - 2031 ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định; cần có kiến thức, năng lực, am hiểu lĩnh vực dự kiến phân công phụ trách và có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(2)- Nhân sự dự kiến giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 phải đáp ứng tiêu chuẩn nêu tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, phải có điều kiện thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

(3)- Nhân sự dự kiến giới thiệu giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp huyện (Bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND) ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn chức danh theo quy định, cần phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp (trừ trường hợp là cán bộ điều động, luân chuyển). Trường hợp nhân sự chưa kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp mà ở đó không có nguồn nhân sự bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để giới thiệu, thì cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ phải tiến hành: (i) Đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực, uy tín, sản phẩm, kết quả cụ thể trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của nhân sự; (ii) Báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

(4)- Về trình độ lý luận chính trị: Nhân sự được giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp phải có bằng hoặc giấy xác nhận trình độ lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền. Đối với cấp ủy cơ sở xã, phường, thị trấn, nhân sự tham gia cấp ủy để giới thiệu bầu giữ các chức danh bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND phải có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đối với cấp ủy cơ sở các loại hình cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nhiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân…, về trình độ lý luận chính trị của nhân sự tham gia cấp ủy do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn.

(5)- Cán bộ trong thời gian thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách không thuộc diện phải xem xét miễn nhiệm, cho từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị; Quy định số 27-QĐ/TU ngày 27/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thì cấp ủy có thẩm quyền, người đứng đầu căn cứ vào tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, thảo luận dân chủ, phân tích, đánh giá khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt đối với từng trường hợp cụ thể về phẩm chất, năng lực, uy tín, kết quả công tác của nhân sự; nguyên nhân, động cơ vi phạm, khuyết điểm (khách quan, chủ quan) và tính chất, mức độ, tác động ảnh hưởng, kết quả đã khắc phục (nếu có),… để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định việc giới thiệu tái cử cấp ủy, các chức danh lãnh đạo, quản lý.

(6)- Nhân sự được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm (liền kề) hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng). Trường hợp đặc biệt, nếu nhân sự có thời gian giữ chức vụ từ 1 năm (12 tháng) đến dưới 2 năm, thì cấp ủy trực tiếp quản lý cán bộ phải tiến hành: (i) Đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực, uy tín, sản phẩm, kết quả cụ thể trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với nhân sự; (ii) Quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình hoặc báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

*Lưu ý: Trường hợp nhân sự đang giữ chức vụ, chức danh có cơ cấu tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, thì không áp dụng thời gian giữ chức vụ ít nhất 2 năm theo quy định để giới thiệu tham gia cấp ủy các cấp[1].

2- Độ tuổi cấp ủy viên

(1)- Nhân sự tái cử cấp ủy, thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức[2].

(2)- Về việc xác định độ tuổi của cán bộ, đảng viên khi không có sự thống nhất:

- Nếu tuổi của cán bộ, đảng viên không thống nhất trong hồ sơ nhân sự, thì xác định theo Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.

- Trường hợp trong hồ sơ của cán bộ, đảng viên chỉ ghi năm sinh và không xác định ngày sinh, tháng sinh, thì thời điểm xác định tuổi để tham gia cấp ủy và thực hiện chính sách đối với cán bộ là ngày 01 và tháng 01 của năm sinh ghi trong hồ sơ theo quy định.

(3)- Độ tuổi cấp ủy viên của đảng bộ cơ sở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trở xuống; các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh: Giao ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, Đảng ủy khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan hướng dẫn cho phù hợp với tình hình, đặc điểm và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

3- Cơ cấu, số lượng cấp uỷ viên, ủy viên ban thường vụ và phó bí thư cấp ủy

(1)- Về cơ cấu

Cơ cấu cấp uỷ viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp thực hiện theo quy định nêu tại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Thực hiện cơ cấu 3 độ tuổi: Đối với cấp ủy cấp huyện, phấn đấu dưới 42 tuổi từ 10% trở lên, từ 42 đến 52 tuổi khoảng 40% - 50%, còn lại trên 52 tuổi. Đối với cấp ủy cấp xã, phấn đấu dưới 40 tuổi từ 10% trở lên, từ 40 đến 50 tuổi khoảng 40% - 50%, còn lại trên 50 tuổi.

Đối với những địa phương có bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn, ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện phối hợp với Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh định hướng cơ cấu bộ đội biên phòng tham gia cấp ủy các cấp (cấp xã, cấp huyện) theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia và Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam và phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương. Việc tham gia cấp ủy cấp xã, cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030 đối với các đồng chí đồn trưởng hoặc chính trị viên đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn thực hiện theo Hướng dẫn số 31- HD/BTCTW ngày 01/7/2020 của Ban Tổ chức Trung ương.

Đối với những nơi thí điểm thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, thì ngoài cơ cấu 01 đồng chí cấp trưởng tham gia ban thường vụ thì cơ cấu 01 đồng chí cấp phó tham gia cấp ủy cùng cấp.

(2)- Về số lượng cấp ủy

Đối với cấp huyện (tương đương) và cấp xã; ban thường vụ cấp ủy căn cứ Khung số lượng cấp ủy nêu tại Phụ lục 1, Hướng dẫn 08 để xác định, cụ thể hóa và thực hiện số lượng cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 bảo đảm đúng số lượng cấp ủy cấp huyện (tương đương) và cấp xã đã thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020 theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị khóa XIII, Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

* Lưu ý: Số lượng cán bộ được Tỉnh điều động, luân chuyển nằm trong số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Đối với cấp ủy thực hiện chủ trương tăng thêm cấp ủy viên là cán bộ đồn biên phòng vào cấp ủy địa phương thì không tính vào số lượng cấp ủy viên theo tinh thần Kết luận số 68-KL/TW ngày 05/02/2020 của Ban Bí thư.

(3)- Về số lượng phó bí thư cấp ủy

Số lượng phó bí thư cấp huyện (tương đương) và cấp xã, thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; số lượng phó bí thư cấp ủy trong Công an nhân dân thực hiện theo Quy định số 192-QĐ/TW ngày 18/5/2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Công an nhân dân.

4- Về quy trình nhân sự và số dư; việc thực hiện bầu cử trong đại hội; công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự cấp ủy các cấp và hồ sơ nhân sự cấp ủy

Đề nghị các đồng chí nghiên cứu Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quy chế bầu cử trong Đảng, Hướng dẫn 08 và các văn bản, hướng dẫn liên quan để triển khai thực hiện bảo đảm theo quy định và phù hợp với tình hình, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn.

5- Về tổ chức thực hiện

(1)- Căn cứ Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 320 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hướng dẫn này, ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình; quy định, hướng dẫn, kiểm tra công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy, thời gian tiến hành đại hội và phân công ủy viên ban thường vụ, cấp ủy viên theo dõi, chỉ đạo đại hội các đảng bộ cấp dưới.

(2)- Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) về công tác chuẩn bị nhân sự. Nội dung báo cáo phải làm rõ, phân tích kỹ: Cơ cấu, địa bàn, lĩnh vực công tác; cơ cấu 3 độ tuổi, tỉ lệ đổi mới cấp ủy; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; nhân sự dự kiến giới thiệu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030; dự kiến nhân sự lãnh đạo HĐND, UBND nhiệm kỳ 2026 - 2031. Nếu các chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy được giới thiệu có số dư, thì báo cáo cả danh sách có số dư để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.

(3)- Ban thường vụ cấp ủy trực thuộc Tỉnh ủy hướng dẫn cụ thể đối với cấp dưới và đăng ký thời gian tổ chức đại hội đảng bộ cấp mình trong quý II năm 2025 (qua Văn phòng Tỉnh ủy) để Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến lịch tổ chức đại hội của từng đảng bộ.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cấp ủy kịp thời phản ánh về Ban Thường vụ Tỉnh ủy (qua Ban Tổ chức Tỉnh ủy) để xem xét, hướng dẫn.



[1] Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn D, Trưởng phòng X có cơ cấu cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030 (theo đề án nhân sự đại hội đã được cấp ủy thông qua), nếu đồng chí đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên theo quy định, thì vẫn được giới thiệu tham gia cấp ủy cấp huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030 mà không nhất thiết phải có thời gian giữ chức vụ Trưởng phòng X ít nhất 2 năm theo quy định.

[2] Ví dụ: Đồng chí Nguyễn Văn A, sinh tháng 01/1966, Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch UBND xã B nhiệm kỳ 2021 - 2026, đủ độ tuổi tái cử cấp ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 nhưng không đủ độ tuổi để giới thiệu tái cử chức danh Phó Chủ tịch UBND xã nhiệm kỳ 2026 - 2031 do đến tháng 5/2026 chỉ còn 17 tháng công tác.

Toàn văn Hướng dẫn xem tại đây

Tác giả: Huy Hoàng

  • Hôm nay: 20
  • Trong tháng: 695
  • Quý 3: 304
  • Tất cả: 112 300
Đăng nhập