Chiều
19/5, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo
Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam năm 2013.
Tham
dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công chức Hội LHPN tỉnh; đại diện
lãnh đạo Hội LHPN các huyện, thành phố; đại diện Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh. Đồng chí Phan Thị Ngân Hạnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chủ
trì Hội nghị.
Phát biểu quán triệt tại Hội nghị, đồng
chí Phan Thị Ngân Hạnh nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của dự thảo sửa đổi, bổ
sung Hiến pháp 2013. Đồng chí khẳng định đây là bước đi quan trọng nhằm thể chế
hóa các chủ trương lớn của Đảng về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa Việt Nam, hướng tới tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí đặc biệt lưu ý rằng nhiều nội dung sửa đổi có liên quan trực tiếp đến
tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã
hội và Hội LHPN Việt Nam, đòi hỏi sự tham gia ý kiến sâu sắc và trách nhiệm.

Đ/c
Phan Thị Ngân Hạnh - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chủ trì hội nghị
Tại
Hội nghị, đa số đại biểu bày tỏ sự nhất trí cao với tinh thần và nội dung cơ bản
của dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến thảo luận tập trung vào việc phân tích, góp
ý cụ thể đối với các điều khoản có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến hoạt động
của tổ chức Hội và các tổ chức chính trị - xã hội.
Một
trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm là Điều 9 của dự thảo. Nhiều đại biểu
đã thẳng thắn bày tỏ sự không đồng tình với việc sử dụng cụm từ “các tổ chức
chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”. Các đại biểu lập luận
rằng, bản chất của Mặt trận là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, hiệp
thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động. Do đó, việc đặt các tổ chức
chính trị - xã hội “trực thuộc” Mặt trận là không phù hợp, tạo ra sự mâu thuẫn
về mặt logic và nguyên tắc tổ chức. Các đại biểu đề xuất thay cụm từ “trực thuộc”
bằng “là thành viên nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, đồng thời nhấn mạnh
nguyên tắc hoạt động trên cơ sở tự nguyện, hiệp thương dân chủ. Các đại biểu
cũng đề nghị làm rõ hơn mối quan hệ phối hợp giữa Mặt trận và các tổ chức thành
viên, theo hướng hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động do Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, thay vì dùng cụm từ “dưới sự chủ trì” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về
khoản 2, Điều 115, các đại biểu đã có những thảo luận sôi nổi và sâu sắc về quyền
chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND). Nhiều ý kiến kiến nghị giữ
nguyên quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân như quy định hiện hành trong Hiến pháp năm 2013.
Các đại biểu cho rằng việc thu hẹp quyền chất vấn là không phù hợp, bởi chất vấn
là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, có tính chất đối thoại và giải
trình, thể hiện trách nhiệm và quyền làm chủ của Nhân dân thông qua đại biểu
dân cử.
Bên
cạnh đó, các đại biểu cũng nhấn mạnh yêu cầu cần thiết phải giữ vững tính kế thừa,
ổn định của Hiến pháp 2013, coi đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền
vững của đất nước. Đồng thời, các đại biểu cho rằng cần làm rõ hơn sự cần thiết
và mục tiêu của việc sửa đổi một số nội dung liên quan đến quyền con người, quyền
công dân và tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ cao trong
toàn xã hội.
Việc
tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là hoạt động chính
trị có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và vai trò của các cấp
Hội LHPN trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng thời, khẳng định
quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ trước những vấn đề trọng đại của đất nước.
Ban Tuyên giáo, Chính sách - Luật pháp