Chiều
29/11, tại Nhà sinh hoạt cộng đồng làng Gốm Bàu Trúc thị trấn Phước Dân, UBND
huyện Ninh Phước tổ chức Hội thi tay nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm
2024. Tham gia Hội thi có 30 thí sinh là những nghệ nhân dân tộc Chăm ở làng gốm
Bàu Trúc. Về tham dự Hội thi có lãnh đạo phòng Văn hóa và Thông tin huyện,
Trung tâm Văn hoá Thể thao và Truyền thanh huyện; lãnh đạo các Hội, đoàn thể của
huyện, lãnh đạo UBND thị trấn Phước Dân và 30 thí sinh là các nghệ nhân của
làng gốm Bàu Trúc.

Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc tham gia Hội thi tay
nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm 2024.
Hội
thi lần này có 3 độ tuổi 25 đến 40, 41 đến 60 và từ 61 tuổi trở lên, mỗi độ tuổi
có 10 thí sinh tham gia. Trong thời gian 30 phút, mỗi thí sinh phải hoàn thành
bài thi sản phẩm theo mẫu của Ban tổ chức đưa ra.
Trước
khi Hội thi khai mạc, hòa trong điệu múa. lời ca của đội văn nghệ làng gốm Bàu
Trúc, các nghệ nhân là những người đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ
nhân ưu tú, đã trình diễn nặn các gốm. Đã có rất đông người dân làng gốm Bàu
Trúc và các du khách tới xem và cổ vũ cho Hội thi.

Đội văn nghệ và các nghệ nhân tham gia sáng tác bình gốm
mẫu phục vụ Hội thi, được Ban tổ chức khen thưởng biểu dương.
Có
thể nói Hội thi còn là sự trình diễn của sắc màu khi các thí sinh tham gia thi,
các thành viên Ban tổ chức, Ban giám khảo và cả dân làng tới cổ vũ đều sử dụng
trang phục truyền thống. Thật là thú vị khi được chứng kiến từ hòn đất vô tri
vô giác, trong một thời gian ngắn qua bàn tay của những người nghệ nhân đã biến
thành những sản phẩm độc bản độc đáo. Trong thời gian tiến hành phần thi, khoảng
sân rộng lớn đã trở nên chật hẹp khi các nghệ nhân khẩn trương tiến hành nặn gốm.
Hầu hết các thí sinh đều không sử dụng hết thời gian Ban tổ chức đưa ra để hoàn
thành bài thi. Ban giám khảo đã khá vất vả khi chấm điểm các sản phẩm dự thi,
vì các sản phẩm gốm làm ra rất tương đồng nhau về độ tinh xảo, cùng với những
hoa văn độc đáo.

Hội thi còn là sự trình diễn của sắc màu khi các thí
sinh tham gia thi đều sử dụng trang phục truyền thống dân tộc Chăm.
Gần
như toàn bộ quy trình làm gốm của đồng bào Chăm đều được các nghệ nhân thể hiện
trong Hội thi. Tri thức và kỹ năng làm gốm được trao truyền cho các thế hệ
trong gia đình thông qua thực hành. Việc làm nghề tạo cơ hội cho người phụ nữ
Chăm giao lưu, tương tác trong lao động sản xuất, sinh hoạt xã hội, cũng như
trong việc giáo dục nghề nghiệp cho con cái, nâng cao hơn nữa vai trò của họ
trong xã hội.
Đồng
chí Đàng Sinh Ái Chi – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân cho biết “Đây không
chỉ là hội thi tay nghề, mà có thể coi là một cuộc trình diễn nghệ thuật làm gốm
của người Chăm, bởi tham gia cuộc thi có rất nhiều các thế hệ trong cùng gia
đình, dòng tộc. Có gia đình mẹ con, cô cháu cùng thi tạo nên cuộc đua tranh hết
sức thú vị. Tới đây mọi người được chứng kiến những bước đi xoay quanh sản phẩm,
ngắm nhìn những sản phẩm từ từ hiện ra từ đôi bàn tay tài hoa của những người
thợ, những nghệ nhân lành nghề nhất của làng…”

Ban tổ chức trao giải cho các nghệ nhân độ tuổi 25-40 đạt
thành tích xuất sắc Hội thi tay nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm
2024.
Trước
khi trao giải cho Hội thi, đồng chí Võ Đức Khang – Phó Giám đốc Trung tâm Văn
hoá Thể thao và Truyền thanh huyện, Phó Ban Tổ chức Hội thi đã tuyên dương và
trao tặng 7 giải thưởng xuất sắc cho các nghệ nhân đã có thành tích tham gia
sáng tác bình gốm mẫu, góp phần cho sự thành công của Hội thi. Ban Tổ chức đã trao
tặng cho các độ tuổi tham gia thi 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 4 giải Ba (riêng độ
tuổi 41 – 60 có 2 giải ba) và 20 giải Khuyến khích. Giải Nhất độ tuổi 25- 40
thuộc về nghệ nhân Đổng Thị Mỹ Trinh; độ tuổi 41-60 thuộc về nghệ nhân Đàng Thị
Lúa và độ tuổi 61 trở lên thuộc về nghệ nhân Đàng Thị Đầm.

Ban tổ chức trao giải cho các nghệ nhân độ tuổi 41-60 đạt
thành tích xuất sắc Hội thi tay nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm
2024.
Đồng chí Nguyễn Thị
Yến Thu, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ninh Phước, Phó Ban tổ chức Hội
thi cho biết: Hội thi tay nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm 2024 nhằm
thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn
hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” đã được UNESCO ghi danh vào
Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Hội thi cũng góp phần
bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật làm gốm của
người Chăm; đồng thời tôn vinh các nghệ nhân và những người đang thực hành di sản
văn hóa phi vật thể, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương; đồng
thời cũng khuyến khích thế hệ trẻ tham gia làm gốm nhằm khơi dậy niềm đam mê và
ý thức trách nhiệm trong việc tiếp nối nghề truyền thống, làm cơ sở để xem xét,
đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận nghệ nhân ưu tú, góp phần gìn giữ và phát
huy giá trị nghề làm gốm. Hội thi cũng góp phần tạo ra các sản phẩm có chất lượng,
phát triển thêm nhiều mẫu mã, phù hợp và đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Ban tổ chức trao giải cho các nghệ nhân độ tuổi trên
60 đạt thành tích xuất sắc Hội thi tay nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm
năm 2024.
Ngắm
nhìn những sản phẩm được các nghệ nhân tạo ra trong Hội thi, đã toát lên những giá
trị nghệ thuật mang tính đặc trưng. Chính nhờ vậy, dù trải qua bao thăng trầm
trong tiến trình phát triển, nghề gốm truyền thống của người Chăm vẫn tồn tại với
thời gian, vẫn giữ được hồn cốt tinh túy và vẻ đẹp hoang sơ như gốm cổ cách đây
hàng trăm năm, tạo nên giá trị độc đáo và trường tồn của gốm Chăm. Hội thi tay
nghề nghệ thuật làm gốm của người Chăm năm 2024, hay có thể nói là cuộc trình
diễn một nét di sản UNESCO của các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc, đã tạo ra không
khí vui tươi, phấn khởi cho người dân và du khách, đồng thời tạo sức lan tỏa mạnh
mẽ để quảng bá du lịch của thị trấn nói riêng và của cả huyện nói chung.
Một số hình ảnh tại
Hội thi.


Ban tổ chức và Ban giám khảo Hội thi





Các nghệ nhân đạt giải nhất của 3 độ tuổi.



2 cặp mẹ con cùng tham gia Hội thi.