Một số kết quả nổi bật trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở năm 2022

Trong năm 2022, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đạt được nhiều kết quả.  

Đồng chí Chamaléa Thị Thủy-UVTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy

phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác dân vận năm 2022

     Các cấp ủy tiếp tục quán triệt, triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản của Đảng và Nhà nước về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trên các loại hình.  

     Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp tập trung đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; tổ chức kiểm tra, giám sát quy chế dân chủ ở cơ sở, từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.  

     Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, phối hợp để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Quy chế dân chủ ở cơ sở; thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, đảng viên, Nhân dân để kịp thời phản ánh với cấp ủy, chính quyền. Công tác giám sát và phản biện xã hội được đổi mới theo hướng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực hơn. Trong năm 2022, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã tổ chức 11 cuộc giám sát các địa phương trong tỉnh; tổ chức 12 Hội nghị phản biện đối với dự thảo, đề án, chỉ thị, Nghị quyết; cử cán bộ phối hợp tham gia 15 Đoàn giám sát; tiếp xúc cử tri cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh và các ngành chức năng giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề bức xúc của cử tri; tranh thủ và phát huy vai trò của Nhân dân tham gia đóng góp tích cực trong xây dựng dự thảo Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở.

     Ban Chỉ đạo thực Quy chế dân chủ ở cơ sở các cấp kịp thời tham mưu cho cấp ủy củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo; sửa đổi, bổ sung, ban hành quy chế hoạt động; tổ chức kiểm tra, giám sát Quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2022; phân công các thành viên phụ trách, theo dõi đơn vị, địa bàn cơ sở; chủ động nắm bắt tình hình địa phương, cơ quan, doanh nghiệp nhằm phát hiện những vụ việc nổi cộm, bức xúc của Nhân dân để phối hợp phản ánh đến các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.

     Cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về công tác dân vận, Quy chế dân chủ ở cơ sở. Chỉ đạo việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước nhất là, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp trên phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương để tổ thực hiện. Thực hiện tốt việc công khai các nội dung cho nhân dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng được cấp ủy, chính quyền các cấp theo quy định tại Pháp lệnh 34/2007/UBTVQH11 bằng nhiều hình thức phù hợp.

     Các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung quy định của Nghị định số 04/2015/NĐ-CP. Tăng cường công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định pháp luật. Trong năm 2022, cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 4.324 lượt/2.678 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, có 09 lượt đoàn đông người/142 lượt người. Tiếp nhận, xử lý 3.783 đơn, có 272 đơn (230 khiếu nại, 42 tố cáo) thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp. Số còn lại 3.511 đơn là đơn phản ánh, kiến nghị, đơn trùng, đơn nặc danh, ...đã hướng dẫn, trả lời, chuyển đơn hoặc lưu đơn theo quy định.

     Công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu các cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân được thực hiện thường xuyên. Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các nội dung về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính. Có 1.802 thủ tục hành chính trong đó có 10 thủ tục mức độ 3, 1.792 thủ tục mức độ 4 (cấp xã 148 thủ tục, huyện 269 thủ tục, tỉnh 1.375 thủ tục).

     Các doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn tổ chức triển khai Nghị định số 145/NĐ- CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động về tổ chức đối thoại, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; thực hiện trách nhiệm của người sử dụng lao động, công khai cho người lao động biết: Kế hoạch sản xuất, kinh doanh; các nội quy, quy chế, quy định của các doanh nghiệp; tình hình thực hiện các chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế; công khai mức trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi do người lao động đóng góp... Trong năm 2022, có 110/122 doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Người lao động, đạt 90.2%. Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định pháp luật; kết quả có 110 doanh nghiệp tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, đạt 90.2%; có 116 doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Một số doanh nghiệp đã lồng ghép tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong Hội nghị để giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người lao động góp phần nâng cao sự đồng thuận, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa doanh nghiệp và tổ chức Công đoàn.  

     Các đơn vị lực lượng vũ trang: Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nội dung thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị theo quy định của Bộ quốc phòng và Bộ Công an.

     Để thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở năm 2023, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt một số nội dung sau:

     1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trọng tâm: Kết luận số 120-KL/TW, ngày 07/01/2016 “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1/7/2023) gắn với triển khai thực hiện có Kết luận 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gắn thực hiện QCDC cơ sở với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

     Tăng cường tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan nhà nước các cấp với nhân dân, người sử dụng lao động với người lao động theo quy định. Tập trung giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, các vụ việc bức xúc, nổi cộm phát sinh từ cơ sở.

     2. Đổi mới hoạt động của cơ quan nhà nước, tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch; tăng cường công tác tự kiểm tra đánh giá trong nội bộ, cơ quan, đơn vị; giải quyết kịp thời các đơn, thư khiếu nại của Nhân dân không để tồn đọng, kéo dài; thường xuyên tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân, tổ chức, doanh nghiệp định kỳ và đột xuất; chú trọng công tác dân vận tham gia trong quy hoạch, xây dựng và thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội…  

     3. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030; Chỉ thị số 18-CT/TU, ngày 11/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp; triển khai các giải pháp nâng cao các chỉ số đánh giá cấp tỉnh, ưu tiên nguồn lực, thực hiện hiệu quả chuyển đổi số; cắt giảm thực chất hơn thủ tục hành chính; chấn chỉnh lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ công vụ của người đứng đầu; thực hiện tốt văn hóa công sở, đổi mới tác phong làm việc theo hướng dân chủ và tôn trọng Nhân dân.  

     4. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

     5. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang các cấp trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, giữ gìn trật tự xã hội, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo quy định; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở các cấp; thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo. Quan tâm công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về Quy chế dân chủ ở cơ sở.

     Nguyễn Thị Huyền - Phòng Nghiệp vụ.



Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 86
  • Trong tuần: 292
  • Tất cả: 211 795
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.