Tuyên truyền Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị (khóa XIII)

Thực hiện Hướng dẫn số 10-HD/BTGDVTW, ngày 23/5/2025 của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương về tuyên truyền Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 và Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị (khóa XIII); ngày 11/6/2025, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn số 10-HD/BTGDVTU hướng dẫn công tác tuyên truyền.

(Ảnh internet)

Nhằm tuyên truyền, quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong Nhân dân để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; đề cao vai trò, trách nhiệm, quyết tâm chính trị mạnh mẽ, hành động quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, trước hết là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, về những vấn đề chung

(1) Làm rõ cơ sở khoa học - thực tiễn, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước để thấy rõ tính cấp thiết phải ban hành 02 nghị quyết của Bộ Chính trị. Khẳng định việc ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW, cùng với Nghị quyết số 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy phát triển quốc gia, hình thành “bộ tứ trụ cột” sẽ khơi thông các nguồn lực xã hội, tạo không gian phát triển mới cho Việt Nam trong bối cảnh chuyển động nhanh, rộng, sâu sắc và đầy thách thức của thời đại.

(2) Nêu bật những kết quả đạt được trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua; những tồn tại, hạn chế, yếu kém, khó khăn, bất cập, nguyên nhân và phương hướng khắc phục; những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

(3) Tuyên truyền nội dung cốt lõi của 02 nghị quyết, trong đó chú trọng phân tích những điểm mới, những tư tưởng, định hướng lớn trong quan điểm chỉ đạo của Đảng; lan tỏa các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên quan đến nội dung trên.

(4) Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc các chương trình, kế hoạch hành động của Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương, cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện 02 nghị quyết.

(5) Phản ánh sinh động việc triển khai 02 nghị quyết trong thực tiễn; nêu bật không khí khẩn trương, tích cực, quyết tâm thực hiện đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân. Phát hiện, biểu dương những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả; phê phán những biểu hiện trì trệ, né tránh trách nhiệm, thiếu đổi mới, gây nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, cản trợ sự phát triển bền vững của đất nước.

(6) Làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cổ vũ tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên mạnh mẽ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng, trách nhiệm xã hội của đội ngũ doanh nhân.

(7) Tuyên truyền, lan tỏa những đánh giá tích cực của các nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà nghiên cứu và báo chí, truyền thông quốc tế đối với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc và đồng bộ của Việt Nam về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.

(8) Nắm bắt, dự báo sát tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời phát hiện và tham gia giải quyết, ổn định tình hình khi có những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện 02 nghị quyết của Bộ Chính trị.

(9) Đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc, bóp méo chủ trương, chính sách, nhận thức lệch lạc về phát triển kinh tế tư nhân, cổ súy tư nhân hóa cực đoan, phủ nhận vai trò của kinh tế nhà nước… gây kích động, chia rẽ, chệch hướng nhận thức, suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

          Thứ hai, về Nghị quyết số 66-NQ/TW

         (1) Làm rõ vai trò của pháp luật đối với sự phát triển bền vững của đất nước, nhấn mạnh pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ điều chỉnh hành vi xã hội, mà phải được xem là cơ sở tổ chức, vận hành quyền lực nhà nước, là nền tảng vững chắc để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, và là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

          (2) Phân tích, làm rõ tính cấp thiết của việc ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW, khẳng định đây là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

          (3) Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc 05 quan điểm chỉ đạo; mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và 07 nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 66-NQ/TW, trong đó: (i) Khẳng định quan điểm công tác xây dựng và thực thi pháp luật là “đột phá của đột phá” để hoàn thiện thể chế phát triển đất nước vững bước trong kỷ nguyên mới; là nhiệm vụ trọng tâm của tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. (ii) Chú trọng tuyên truyền các mục tiêu cần tập trung thực hiện trước mắt: Năm 2025, cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật; năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật, bảo đảm cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. (iii) Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm về hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực then chốt, như: Tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả; phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền con người; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh; về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chủ động, kiến tạo, bảo đảm pháp luật thống nhất, đồng bộ, cụ thể, dễ hiểu, dễ thực thi; về nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực thi, gắn quyền lực với trách nhiệm giải trình.

          (4) Làm rõ tinh thần cải cách trong các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là về đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”, từ bị động sang chủ động, kiến tạo sự phát triển dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; quan điểm xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, bảo đảm tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của sự phát triển nhanh chóng; thi hành pháp luật phải nghiêm minh, công bằng, thực chất, chuyển đổi số phải gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện hóa tối đa cho người dân và doanh nghiệp; phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm giải trình, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và đặc quyền nhóm.

          (5) Phản ánh quá trình triển khai và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, trong đó làm rõ vai trò kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trách nhiệm của các cấp, các ngành trong xây dựng môi trường pháp lý công khai, minh bạch, kỷ cương, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, nhất là của các cơ quan Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương; vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong giám sát thi hành pháp luật.

          (6) Tuyên truyền Kế hoạch số 28-KH/ĐUQH ngày 16/5/2025 của Đảng ủy Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW; các chương trình, kế hoạch hành động của các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghị quyết; chỉ rõ những điểm mới trong tổ chức thực hiện.

          (7) Tuyên truyền, lan tỏa xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội.

          Thứ ba, về Nghị quyết số 68-NQ/TW

          (1) Khẳng định Nghị quyết ra đời đặt nền móng cho sự chuyển biến toàn diện về chính sách phát triển kinh tế tư nhân: từ việc “thừa nhận” sang “bảo vệ, khuyến khích, thúc đẩy”, từ “bổ trợ” sang “dẫn dắt phát triển”; là bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một cuộc “cách mạng về tư duy và thể chế” cho kinh tế tư nhân, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy kinh tế tư nhân vươn lên, bứt phá; là sự lựa chọn chiến lược đúng đắn, cấp thiết, mang tầm nhìn dài hạn, nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường vào giữa thế kỷ XXI.

          (2) Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc 05 quan điểm chỉ đạo; mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 68-NQ/TW, trong đó: (i) Khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững; cùng với kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng; phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài; xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế;… (ii) Nêu bật các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt 10 - 12%/năm, đóng góp 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm. Đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP. (iii) Phân tích, lý giải, làm sáng tỏ yêu cầu cải cách mạnh mẽ mà Nghị quyết đặt ra, bao gồm: Hoàn thiện thể chế; bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, tạo dựng môi trường đầu tư - kinh doanh công bằng, minh bạch, ổn định; khơi thông nguồn lực; mở rộng tiếp cận đất đai, tín dụng, thị trường, công nghệ cho khu vực tư nhân; tháo gỡ tận gốc các điểm nghẽn thể chế và chính sách; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tham gia sâu vào mạng lưới sáng tạo và chuỗi giá trị toàn cầu; xây dựng đội ngũ doanh nhân hiện đại, không chỉ giỏi kinh doanh mà còn có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp, tinh thần dân tộc và khát vọng cống hiến cho đất nước và vươn tầm thế giới.

          (3) Tuyên truyền việc cụ thể hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW trong thực tiễn, như: Phân tích những nội dung Nghị quyết số 198/2025/QH15, ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 139/NQ-CP, ngày 17/5/2025 của Chính phủ về ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội; Chương trình hành động số 05-CTr/ĐUQH ngày 15/5/2025 của Đảng ủy Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW; các chương trình, kế hoạch hành động của các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện nghị quyết; chỉ rõ những điểm mới trong tổ chức thực hiện.

          (4) Nêu bật, lan tỏa mạnh mẽ các cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tăng cường năng lực cạnh tranh, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao của khu vực kinh tế tư nhân.

          (5) Phát hiện, biểu dương, nhân rộng những mô hình kinh doanh, khởi nghiệp hiệu quả; tạo động lực và khát vọng cống hiến làm giàu hợp pháp trong Nhân dân. Tôn vinh, bảo vệ doanh nhân có đạo đức, văn hóa kinh doanh, làm ăn chân chính, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội; phê phán quyết liệt những hành vi trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thông qua công tác tuyên truyền, cổ vũ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chung sức đồng lòng, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tận dụng mọi thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.

Một số khẩu hiệu tuyên truyền 

Khẩu hiệu tuyên truyền Nghị quyết 66-NQ/TW

(1) Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật !

(2) Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước !

(3) Công tác xây dựng pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng !

(4) Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước !

(5) Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội !

(6) Cán bộ, đảng viên gương mẫu, đi đầu chấp hành và tuân thủ pháp luật!

Khẩu hiệu tuyên truyền Nghị quyết 68-NQ/TW

(1) Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia !

(2) Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng !

(3) Phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao !

(4) Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường !

(5) Phát triển kinh tế tư nhân là phát triển đất nước !

(6) Toàn dân làm giàu - Cống hiến cho Tổ quốc phồn vinh !

(7) Doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế !

(8) Phát huy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số và làm giàu hợp pháp, chính đáng !

(9) Doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh, bản lĩnh, trí tuệ, năng động, sáng tạo, nỗ lực vươn lên !

Khẩu hiệu tuyên truyền Nghị quyết 57-NQ/TW

(1) Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ !

(2) Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu !

(3) Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam !

(4) Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí” !

(5) Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nền tảng để phát triển bền vững !

(6) Phát huy trí tuệ Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia !

(7) Thúc đẩy hệ sinh thái kinh tế số trên các lĩnh vực !

(8) Xây dựng, phát huy sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận lòng dân trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc !

Khẩu hiệu tuyên truyền Nghị quyết 59-NQ/TW

(1) Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân tộc !

(2) Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả !

(3) Giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần thiết thực xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước !

(4) Tranh thủ tối đa các nguồn lực xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, phát triển nhanh, bền vững !

(5) Phát huy vai trò chủ động của địa phương trong hội nhập quốc tế !


Tác giả: Thương Thương



Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 33
  • Trong tuần: 200
  • Tất cả: 211 684
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.