Trải qua 92 năm đồng hành cùng lịch sử cách mạng dân tộc, công tác dân vận (DV) luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Phát huy truyền thống 92 năm công tác DV của Đảng, nhất là sau ngày tái lập tỉnh (tháng 4/1992), công tác DV trên địa bàn tỉnh ta có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, ngành DV tỉnh nhà đã làm tốt chức năng tham mưu, phối hợp với các ban, ngành Mặt trận, đoàn thể, địa phương trong việc triển khai thực hiện các chương trình, đề án, nghị quyết của tỉnh; tuyên truyền, vận động Nhân dân, chú trọng gắn lợi ích của người dân, phù hợp lòng dân, tạo động lực cho sự phát triển; tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về công tác DV từ tỉnh đến cơ sở. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều kết quả thiết thực. Chỉ tính trong 5 năm (2016-2021), toàn tỉnh có gần 1.300 mô hình “Dân vận khéo” được triển khai thực hiện, có tác dụng cổ vũ, thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; mở rộng, phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận, tin tưởng, tập hợp, vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Ngày 02/11/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Hình ảnh về một Ninh Thuận ngày càng đổi thay, giàu mạnh
Theo đó, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung:
Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác dân vận của Đảng; tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; mục đích, yêu cầu của phong trào thi đua “Dân vận khéo” là tập trung giải quyết những việc khó, những việc mới nảy sinh trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến quyền lợi và tâm tư nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; phát huy sức mạnh và vai trò làm chủ của Nhân dân, vận động Nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào thi đua yêu nước.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác dân vận của hệ thống chính trị, trọng tâm là Kết luận số 43-KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Tập trung thực hiện có hiệu quả các nội dung của phong trào thi đua “Dân vận khéo”, hướng mạnh về cơ sở, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dụng hệ thống chính trị; công tác dân vận chính quyền; vận động Nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội; tạo việc làm, giảm nghèo, phấn đấu có nhiều điển hình, mô hình làm kinh tế giỏi, nhiều gương người tốt, việc tốt...; đẩy mạnh giới thiệu, nhân rộng những điển hình tiêu biểu “Dân vận khéo” phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định và đánh giá công nhận các điển hình “Dân vận khéo” theo từng cấp. Kịp thời tham mưu cấp ủy sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trong đó coi trọng giới thiệu những điển hình tập thể, cá nhân tích cực, sáng tạo đạt hiệu quả trong “Dân vận khéo”; đúc kết kinh nghiệm chỉ đạo và xây dựng của từng ngành, địa phương.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, giao Ban Dân vận uỷ chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; hướng dẫn tiêu chí xây dựng, đánh giá mô hình, điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung Chỉ thị; định kỳ báo cáo, tham mưu đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để chỉ đạo kịp thời.
Huyền Trinh, Phòng Tổng hợp