Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới xác định: “Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Đ/c Phạm Văn Hậu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty Cổ phần Dệt gia dụng Phong Phú
Hiện nay, toàn tỉnh có 38.715 cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, trong đó có 36.923 đoàn viên đang sinh hoạt tại 715 công đoàn cơ sở khu vực hành chính - sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh. Trong thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn phát huy tinh thần trách nhiệm và thực hiện tốt vai trò của tổ chức Công đoàn trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động; tích cực tham gia xây dựng, thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Thời gian qua, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, ban hành văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ sở; hướng dẫn các cấp công đoàn chủ động tham mưu cấp ủy, phối hợp với lãnh đạo cơ quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền trong cán bộ, đoàn viên và người lao động các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở ở cơ quan, đơn vị đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định. 100% cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã hoàn tất việc tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, viên chức năm 2024. Thông qua Hội nghị, Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã tiếp thu ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Quy chế làm việc, quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế đánh giá, xếp loại, thi đua khen thưởng, nâng bậc lương trước thời hạn…phù hợp với tình hình thực tế góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
Bên cạnh đó, công đoàn cơ sở các cơ quan, đơn vị đã chủ động phối hợp, đề xuất và giám sát việc thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định như công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bầu cử, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức; việc thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Nhiều ý kiến đóng góp tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về xây dựng nội dung chương trình công tác, biện pháp cải tiến tổ chức và lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính… đã góp phần đã thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
Hội nghị người lao động của Công ty Vietsun Ninh Thuận
Tổ chức công đoàn đã phối hợp các doanh nghiệp triển khai Nghị định số 145/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã chủ động đề xuất, thống nhất với người sử dụng lao động công khai cho người lao động biết: Nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế doanh nghiệp, các thỏa ước lao động tập thể mà người sử dụng lao động tham gia; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp; việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; các nội dung để người lao động tham gia ý kiến: Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, nội quy lao động, quy chế nâng lương, quy chế thi đua khen thưởng, thỏa ước lao động tập thể… góp phần tạo sự đồng thuận, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định giữa người sử dụng lao động và người lao động, giữa doanh nghiệp và tổ chức công đoàn.
Nhằm lắng nghe ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người lao động để giải quyết kịp thời. Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp đã chủ động đề xuất, thống nhất với người sử dụng lao động xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại tại nơi làm việc. Ngay sau khi kết thúc hội nghị, đại diện người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở đã tiếp thu ý kiến hoàn thiện các nội dung báo cáo đã trình tại hội nghị; đồng thời triển khai phổ biến Nghị quyết hội nghị và công khai các nội dung theo quy định của pháp luật. Một số doanh nghiệp đã lồng ghép tổ chức thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong Hội nghị để giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề với công nhân, lao động. Hội nghị có 100 cán bộ, đoàn viên và công nhân lao động tham dự, có 19 lượt ý kiến phát biểu đề cập các vấn đề về việc làm, thu nhập, tiền lương, chính sách bảo hiểm xã hội; vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động khi tham gia BHXH, các vấn đề liên quan đến Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)… Những ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp thu, ghi nhận để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền. Tính đến tháng 7/2024, có 94/112 doanh nghiệp ngoài nhà nước đủ điều kiện đã tổ chức Hội nghị người lao động, 98/112 doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, có 01 bản thỏa ước lao động tập thể được ký mới, 27 bản được sửa đổi, bổ sung, ký lại… nâng tổng số 147 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đã xây dựng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.
Nhằm tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy về thực hiện dân chủ ở cơ sở, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, các quy định của pháp luật có tác động trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, trọng tâm là Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, các Nghị định liên quan Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; Nghị quyết số 09b/NQ-BCH, ngày 23/8/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về Công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình mới.
Thứ hai, chỉ đạo, đôn đốc công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp chưa tổ chức Hội nghị người lao động năm 2024 tiếp tục tổ chức Hội nghị người lao động theo quy định; phát huy dân chủ đại diện thông qua tổ chức công đoàn cơ sở, chú trọng yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật như ký kết hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, tổ chức đối thoại. Những vấn đề bức xúc của người lao động, tổ chức công đoàn cần đề nghị người sử dụng lao động tiến hành đối thoại để sớm tháo gỡ, góp phần ổn định sản xuất kinh doanh. Kết quả đối thoại cần được thông báo công khai cho người lao động biết và tổ chức giám sát kết quả đối thoại đã đạt được.
Thứ ba, chủ động đề xuất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các quy chế, quy định: như quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế nâng lương, khen thưởng thưởng, quy chế sử dụng các quỹ trong doanh nghiệp, nội quy lao động và các quy chế, quy định khác có liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiến nghị giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến người lao động, tránh để xảy ra đình công, ngừng việc tập thể.
Thứ tư, tổ chức tập huấn kỹ năng tham gia xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, tổ chức Hội nghị người lao động, Hội nghị cán bộ, công chức… cho cán bộ công đoàn các cấp nhằm đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước; các cấp công đoàn cần lựa chọn những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, bản lĩnh, có trình độ kiến thức chuyên môn sâu, bầu vào Ban Thanh tra nhân dân. Thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho thành viên Ban Thanh tra nhân dân.
Xây dựng và thực hiện tốt dân chủ cơ sở là tiền đề quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp. Thông qua việc triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở đã góp phần đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường vai trò chủ động của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động, đồng thời phát huy dân chủ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Tác giả: Nguyễn Thị Huyền