Công tác Dân vận đã góp phần tạo động lực phát triển toàn diện kinh tế - xã hội

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2024) cùng nhớ lời Bác dặn:  “Vấn đề Dân vận đã nói nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”

Nhóm Lá trầu của đồng bào Hồi giáo Bàni, thôn Tuấn Tú, huyện Ninh Phước

nhân dịp lễ Suk Yơng còn gọi là lễ “Thứ sáu xoay vòng”.

     1. Vai trò, ý nghĩa to lớn công tác dân vận của Đảng

     Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm coi trọng hàng đầu đến công tác truyền bá học thuyết lý luận chủ nghĩa Mác - Lê Nin, học thuyết khoa học, tiến bộ và cách mạng nhất của thời đại vào Việt Nam, nhằm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, những người yêu nước chân chính đi theo một con đường mới. Muốn làm cách mạng thành công thì việc đầu tiên phải truyền bá, tuyên truyền, khi đã thấm nhuần, giác ngộ và nhận thức sâu sắc, tạo thành khối đoàn kết thống nhất vững chắc, khi đó hành động mới thắng lợi, thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của công tác vận động, tuyên truyền ngay trong những ngày đầu thành lập Đảng ta.

     Từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta, đất nước ta trải qua biết bao biến cố, khó khăn trong điều kiện vô cùng khắc khe, có lúc “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong quá trình cách mạng ấy, công tác dân vận đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là mặt trận tiên phong đi trước, làm trước, giác ngộ, tuyên truyền, vận động trước, khi đã thống nhất, đồng thuận cao nhất thì mới hành động.

     Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy vai trò của quần chúng Nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Người viết: “Cách mạng trước hết phải làm cho dân giác ngộ” [1] và phải “ làm thức tỉnh sự đồng tình hưởng ứng của quần chúng” [2]. Trong suốt chặng đường sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn xác định vai trò quan trọng của quần chúng trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng ta thường xuyên quan tâm bồi đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân, đây là nguồn sức mạnh và truyền thống vô cùng quý báu của cách mạng Việt Nam. Người dạy: “Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân” [3]. “Thắng lợi của cách mạng là do sự phấn đấu hy sinh và trí thông minh sáng tạo của hàng triệu người dân” [4] . “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” [5]. “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” [6]. Thực tiễn đấu tranh cách mạng và quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thấy rằng những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong lý luận và thực tiễn xây dựng Đảng và xây dựng, phát triển đất nước; mỗi khi Nhân dân ta đoàn kết thống nhất, trên dưới đồng lòng thì dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua và đạt được những thành quả chiến thắng như mong đợi, chiến thắng giặc ngoại xâm, thiên tai, địch hoạ, giữ yên bờ cõi, đất nước được thái bình, thịnh vượng.

     Lịch sử vinh quang rất đáng tự hào của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong đó có vai trò, ý nghĩa rất to lớn của công tác dân vận của Đảng đã góp phần quan trọng to lớn trong quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta.

     Trong công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục thực hiện lời dạy của Bác Hồ, kế thừa những bài học thực tiễn trong công tác dân vận, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục xác định vai trò cực kỳ to lớn của công tác dân vận: “Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với công tác vận động Nhân dân được đổi mới; đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân được quan tâm. Công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân” [7].  Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác dân vận được chú trọng và tiếp tục đổi mới; quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể của công cuộc đổi mới tiếp tục được nhận thức và thực hiện sâu sắc, đầy đủ hơn” hướng đến mục tiêu xuyên suốt và lâu dài “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

     Đảng ta xác định: Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt, hoạt động theo phương châm: "Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân", "Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin", tạo sự đồng thuận, gắn kết, gần gũi giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

     2. Công tác dân vận đã thực sự góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện

     Kết luận số 43- KL/TW, ngày 07/01/2019 của Ban Bí thư tiếp tục kế thừa và thực hiện Nghị quyết số 25- NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành  Trung ương Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã cho thấy tầm quan trọng, vai trò công tác dân vận của Đảng trong điều kiện phát triển đất nước, “Kỷ nguyên vươn mình” thời đại mới. Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã vận dụng và thực thi, đổi mới công tác dân vận đối với cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp; ở Tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 02/11/2022 và tiếp tục chỉ đạo công tác dân vận, công tác “Dân vận khéo”với nội dung, hình thức đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện trách nhiệm, tích cực.

     Nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị, của đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên về công tác dân vận, phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sự chuyển biến tích cực, lan rộng khắp ở các cơ quan, đơn vị và địa bàn dân cư. Nội dung và phương thức công tác dân vận ngày càng được đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Phong trào “Dân vận khéo” đã hình thành, phát triển ngày càng đa dạng với nhiều mô hình phong phú, thiết thực từ thực tiễn cuộc sống, từ nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Nhiều cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến tận cơ sở đã tổ chức vận động, tuyên tuyên truyền các tầng lớp Nhân dân, doanh nghiệp thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và ra sức thi đua yêu nước, phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng ổn định và nâng lên; xây dựng đời sống văn hoá, văn minh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; dân chủ ngày càng được phát huy và mở rộng; cải cách hành chính, chuyển đổi số từng bước đạt nhiều kết quả khả quan, khắc phục rất nhiều tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp ngày càng nâng lên; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt” những năm qua có nhiều tiến bộ, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng nâng cao năng lực, phẩm chất, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chương trình, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Qua phong trào thi đua “Dân vận khéo”, niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức để chăm lo và phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.  

Cán bộ đoàn viên Công đoàn cơ sở Ban Dân vận Tỉnh ủy sinh hoạt cùng Cô - Trò

Trường Mầm Non Phước Đại, huyện Bác Ái, nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2024

     Những năm gần đây, nhất là sau khi triển khai và thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 02/11/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự sáng tạo, đổi mới của cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình tập trung vào việc khéo vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử..., tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lực lượng vũ trang và các tầng lớp Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Các mô hình tập trung vận động quần chúng Nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn, khu dân cư không có tội phạm và tệ nạn xã hội.

     Nhiều mô hình tiêu biểu được nhân rộng như: ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ khoa học công nghệ, nông nghiệp hữu cơ gắn với tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế, nhiều mô hình sinh kế có hiệu quả kinh tế cao; mô hình làm nhà sàn du lịch cộng đồng kiểu mẫu để khai thác phục vụ du lịch cộng đồng; mô hình cộng đồng giúp nhau vượt khó, nhân đạo, xã hội từ thiện, xây dựng nhà đại đoàn kết, tương trợ, tương thân, tương ái giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt; mô hình các tổ chức tôn giáo xây dựng nhà cho người nghèo, mô hình cụm liên kết an toàn về an ninh trật tự gồm 18 thành viên (công an, doanh nghiệp, trường mẫu giáo, tiểu học, trung học đóng trên địa bàn, các ban, ngành, đoàn thể thôn, xã); mô hình địa chỉ tin cậy giải quyết về công tác hòa giải bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em; Camera an ninh; tuyến đường tự quản về an ninh trật tự; tổ an ninh tự quản, mô hình tuyến phố, đường làng văn minh, xanh, sạch, đẹp, ngày thứ bảy xanh, con đường nông dân tự quản “Sáng, xanh, sạch, đẹp”, văn hóa công sở; nâng cao hiệu quả, chất lượng thời gian việc tiếp nhận giải quyết hồ sơ phục vụ Nhân dân.

     Thông qua các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” góp phần khơi dậy, huy động sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân; củng cố mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; làm cơ sở để tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, làm cho công tác dân vận  ngày càng sinh động và thực sự đi vào chiều sâu. Phong trào “Dân vận khéo” đã tập trung giải quyết các vấn đề vừa cơ bản, vừa bức thiết của địa phương, hướng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương, tạo ra hướng phát triển tích cực ở cơ sở. Qua phong trào, đội ngũ cán bộ có trách nhiệm hơn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; phong cách làm việc thật sự chuyển biến theo hướng sâu sát cơ sở, “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”; “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” chứ đừng “Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”[8].

     Với những hoạt động cụ thể và thiết thực như vậy, chắc chắn sẽ tiếp tục tạo nguồn động lực và năng lượng tích cực “Vận động tất cả các lực lượng”, tăng cường tinh thần đoàn kết, phát huy cao nhất sức mạnh của tập thể để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, theo đúng tinh thần của công tác dân vận như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.                                                                                  


      [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.2, tr 267

      [2] Hồ Chí Minh: Sđd, t.1, tr 278

      [3] Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr 409

      [4] Hồ Chí Minh: Sđd, t.11, tr 372

      [5] Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr 698

      [6] Hồ Chí Minh: Sđd, t.5, tr 700

      [7] (Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Trung ương Đảng khoá XI).

      [8] Trích Báo Sự thật, số 120, ngày15/10/1949.

     Tác giả: Nguyễn Anh Đào




Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 40
  • Trong tuần: 418
  • Tất cả: 211 939
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.