Sửa đổi, bổ sung các quy định hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Tiếp tục Chương trình làm việc đợt 2, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng ngày 27/11/2024, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về Dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Đồng chí Chamaléa Thị Thủy - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận tham gia phát biểu tại Hội trường

     Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Đồng chí Chamaléa Thị Thủy - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nhất trí với việc cần phải xem xét sửa đổi Luật Việc làm để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về chính sách việc làm, đồng thời định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với nhu cầu, xu hướng phát triển kinh tế trong nước, ở khu vực và thế giới.

Đại biểu Chamaléa Thị Thủy - UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy,

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại Hội trường

     Để hoàn thiện Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Chamaléa Thị Thủy kiến nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung, sửa đổi đối với một số vấn đề như sau:

     Thứ nhất, cần phải rà soát, nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các quy định để đảm bảo trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm.

     Tại Chương VIII quy định Quản lý nhà nước về việc làm, gồm 3 Điều: từ điều 90 đến Điều 92, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, vì quy định như dự thảo Luật là chưa rõ trách nhiệm. Chẳng hạn tại Khoản 4 Điều 90 quy định nội dung quản lý nhà nước về việc làm là “Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về việc làm”. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo Luật, chỉ có chính sách về bảo hiểm thất nghiệp là có quy định về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm (tại Mục 10, Chương VII), còn các chính sách khác nếu vi phạm thì sẽ được giải quyết như thế nào. Đại biểu ví dụ như: khi người lao động bị lừa “việc nhẹ lương cao” (mà trong thời gian qua đa số nạn nhân là người trẻ tuổi, nhận thức xã hội còn chưa đầy đủ, người lao động ở nông thôn, vùng khó khăn rất cần việc làm nên dễ rơi vào bẫy), thì trong trường hợp này nạn nhân và gia đình họ sẽ cầu cứu đến cơ quan cụ thể nào để được hỗ trợ, giải quyết hoặc ví dụ như: hành vi truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về người lao động trái pháp luật và các hành vi bị cấm khác nếu vi phạm thì xử lý ra sao, cơ quan chức năng cụ thể nào có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết…đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu rà soát, bổ sung cho phù hợp.

     Thứ hai, cần nghiên cứu bổ sung các biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm các chính sách, pháp luật về việc làm.

     Dự thảo Luật đã quy định nhiều chính sách liên quan đến việc làm, nhưng như đã nêu trên, việc xác định trách nhiệm quản lý nhà nước về việc làm theo dự thảo Luật là rất chung chung và cũng chưa có quy định hình thức xử lý như thế nào đối với các hành vi vi phạm pháp luật về việc làm, đại biểu kiến nghị phải nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật các hình thức xử lý vi phạm pháp luật để hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm.

     Thứ ba, vấn đề về Bảo hiểm thất nghiệp

    Tại điểm đ, khoản 3, Điều 60 dự thảo Luật quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo là: “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng”. Tại khoản 2, Điều 65 dự thảo Luật quy định: “Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng”.

     Đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu lại các quy định này vì quy định như dự thảo Luật sẽ gây thiệt thòi cho người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dài hơn (trên 144 tháng). Theo đại biểu, nên điều chỉnh theo hướng người lao động được hưởng Bảo hiểm thất nghiệp tương đương với thời gian đã đóng (cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp); hoặc nếu vẫn giữ quy định “cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng” thì cần phải quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng sẽ được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo như thế quy định sẽ phù hợp hơn, đảm bảo tối đa quyền lợi chính đáng của người đóng bảo hiểm thất nghiệp là “có đóng, có hưởng” một cách tương xứng. Đại biểu cho rằng đây là một trong những vấn đề mà người lao động thật sự rất quan tâm, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, nhất là người lao động đang bị thất nghiệp, đang lúc khó khăn.

     Tác giả: Nguyễn Thị Huyền



Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 33
  • Trong tuần: 411
  • Tất cả: 211 932
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.