Kết quả nổi bật trong đổi mới
nội dung, phương thức tuyên truyền việc học tập và làm theo Bác
Việc tổ chức học tập, quán triệt và
tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05, Kết luận số 01, chuyên đề toàn khóa và hằng
năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các
cấp ủy, tổ chức Đảng xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và triển khai
một cách bài bản, đồng bộ từ huyện đến cơ sở. Hình thức tổ chức được chú trọng
đổi mới, không gò bó trong khuôn khổ hội nghị mà mở rộng bằng nhiều hình thức
phù hợp với tình hình thực tế. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt
trên 95%. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
dần đi vào chiều sâu, trở thành nền nếp trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn
vị, góp phần làm chuyển biến về nhận thức, hành vi, thái độ phục vụ nhân dân
của đội ngũ cán bộ, đảng viên đúng như tinh thần cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí
Minh.
Không dừng lại ở việc học tập trong
nội bộ, công tác tuyên truyền được
các cấp uỷ, tổ chức Đảng,
chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực
hiện với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với điều kiện cụ thể và từng đối
tượng, như: Thực hiện lồng ghép với tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn
của đất nước, địa phương, các phong trào thi đua yêu nước, các hội thi, hội
diễn văn nghệ, hành trình về nguồn của đoàn viên thanh niên; tuyên truyền trên
hệ thống đài truyền thanh từ huyện đến cơ sở; đăng tải nhiều tin, bài lên Trang
thông tin điện tử huyện; lồng ghép vào các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị,
chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, quần chúng ưu tú tại Trung tâm
chính trị huyện và trong chương trình bồi dưỡng chính trị hè cho ngành Giáo dục
- Đào tạo huyện; tuyên truyền thông qua gương “người tốt”, “việc tốt”, mô hình
hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác. Gắn tuyên truyền Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận
số 01-KL/TW của Bộ chính trị với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII và Kết luận
số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn
Đảng... Đặc
biệt, năm 2017, Huyện đã tổ chức thành
công Hội thi Tìm hiểu về Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam và Học tập, làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hội thi được đông đảo cán bộ, đảng viên
và quần chúng hưởng ứng, tích cực tham gia, đã trở thành đợt sinh hoạt chính
trị lớn trong toàn Đảng bộ, được các Cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên
đánh giá cao.
Không dừng lại ở tuyên truyền nội bộ, nhiều
địa phương, đơn vị còn tích cực tuyên truyền trên các trang thông tin điện tử
huyện, trên hệ thống truyền thanh và mạng xã hội… qua đó tiếp cận được nhiều
đối tượng hơn, nhất là giới trẻ.
Kết quả đạt được trong việc
nhân rộng các mô hình hay, gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến có sức
lan tỏa trong cộng đồng
Trong quá trình triển khai thực hiện
Chỉ thị 05-CT/TW, Kết luận số 01 của Bộ chính trị, công tác phát hiện, bồi
dưỡng và nhân rộng mô hình hay, gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được
huyện xác định là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đưa việc học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu và
lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Từ thực tiễn phong trào, nhiều mô hình
sáng tạo, thiết thực đã được hình thành, duy trì, phản ánh sự gắn kết chặt chẽ
giữa việc học Bác với nhiệm vụ chính trị, với nhu cầu, đặc điểm của từng ngành,
từng địa phương, như: Mô hình: “Tổ tư vấn học đường”, “Trường học an toàn”; “Tổ
nhân dân tự quản” tại các xã, thị trấn. Trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”
đã hình thành nhiều mô hình kinh tế - xã hội tiêu biểu, như mô hình “1 phải 5
giảm” trong sản xuất lúa, mô hình cánh đồng lớn, mô hình tưới nước tiết kiệm,
hay phong trào hiến đất làm đường, làm kênh mương trong xây dựng nông thôn
mới... Đây là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của quần chúng khi việc học Bác
được cụ thể hóa bằng những việc làm thiết thực, gần gũi.
Nhà giáo Trịnh Thị
Liên luôn đồng hành cùng các em học sinh dân tộc Chăm trong các hoạt động tại
trường tiểu học Vĩnh Thuận
Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị -
xã hội cũng phát huy tốt vai trò của mình trong việc xây dựng các mô hình có
hiệu quả, như: Hội Phụ nữ với các mô hình “5 không, 3 sạch”, “Góp vốn xoay
vòng”, “Quỹ khởi nghiệp”, “Hủ gạo tình thương”, câu lạc bộ “Phụ nữ giữ gìn và
phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm”. Đoàn thanh niên với mô hình “Thắp sáng
đường quê”, “Tuổi trẻ Ninh Phước chung tay xây dựng nông thôn mới” ...
Bên cạnh các mô hình tập thể tiêu
biểu, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trên các lĩnh
vực, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Tiêu biểu như đồng chí Trần Thanh
Sơn - Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Phước Dân, Cô Nguyễn Thị Lệ Thu - Hiệu
trưởng Trường Tiểu học Bình Quý, Đại úy Nguyễn Hải Lý - Cán bộ Công an huyện
Ninh Phước...
Nói chuyện truyền
thống cách mạng tại các trường học
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị
05-CT/TW, đã có nhiều tập thể và cá
nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo Bác được các cấp,
các ngành khen thưởng, trong đó Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho 01
tập thể, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 01 cá nhân. Trong số những tấm
gương điển hình, có đồng chí được lựa chọn giới thiệu cho VTV1- Đài truyền hình
Việt Nam xây dựng thành tư liệu triển lãm và phim ngắn tuyên truyền trong năm
2024, góp phần làm phong phú thêm hình thức lan tỏa các giá trị đạo đức Hồ Chí
Minh một cách sinh động, thuyết phục và gần gũi với nhân dân.

Các tập thể và cá
nhân tiêu biểu được khen thưởng qua 03 năm thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ
Chính trị
Nhìn chung, các mô hình, điển hình
tiên tiến trên đã và đang tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tác động
tích cực đến nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự thành
công của các mô hình này không chỉ ở kết quả cụ thể mà còn ở tinh thần đổi mới,
tính bền vững, sự đồng thuận và hưởng ứng rộng rãi từ cơ sở. Đây chính là minh
chứng cho giá trị thực tiễn sâu sắc của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo
đức, phong cách Hồ Chí Minh - học để làm, làm để lan tỏa, và lan tỏa để chuyển hóa
nhận thức thành hành động thiết thực vì cộng đồng, vì sự phát triển của địa
phương.
Tồn tại, hạn chế và định hướng
khắc phục
Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan
trọng, nhưng quá trình thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn
chế cần được nhìn nhận nghiêm túc để có hướng khắc phục, đó là: Công tác tuyên truyền có lúc, có
thời điểm chưa thường xuyên, liên tục; một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị xây
dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề hàng năm chưa xác định được nội dung trọng
tâm, đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; một số cán bộ, đảng viên xây dựng
kế hoạch cá nhân còn chung chung, chưa đề ra được nhiệm vụ sát với lĩnh vực
công tác phụ trách…
Từ thực tiễn 10 năm qua, Huyện ủy
rút ra những bài học sâu sắc, như: Việc học và làm theo Bác cần được xác định
là nhiệm vụ chính trị thường xuyên; nêu gương người đứng đầu là yếu tố then
chốt tạo nên sức sống cho phong trào; phát hiện, khen thưởng, hỗ trợ mô hình
hay kịp thời để khích lệ phong trào; kết hợp tuyên truyền truyền thống và công
nghệ số để tăng hiệu quả tiếp cận, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Đảng bộ
và cộng đồng dân cư.
Tiếp tục đưa việc học Bác trở
thành động lực phát triển bền vững
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế; trong
thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Tiếp tục xác định việc học tập và
làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên
suốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trọng tâm là chuyển
mạnh từ “học tập” sang “làm theo”, từ nhận thức sang hành động, từ kế hoạch
sang kết quả cụ thể, thiết thực. Nội dung học Bác phải gắn với nhiệm vụ chính
trị, chức trách được giao của từng cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò nêu
gương của người đứng đầu là yếu tố cốt lõi, tạo sự lan tỏa trong toàn hệ thống.
- Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tuyên truyền; lan tỏa sâu rộng
giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong bối
cảnh chuyển đổi số, học tập và làm theo Bác cũng cần ứng dụng công nghệ số vào
tuyên truyền, giám sát việc thực hiện. Điều này không chỉ giúp việc triển khai
linh hoạt, hiệu quả hơn mà còn phù hợp với xu thế tiếp cận thông tin của cán bộ
trẻ, lực lượng đoàn viên, hội viên trong thời đại mới.
- Phát huy tính chủ động, sáng tạo,
dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính
quyền trong đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện phù hợp với thực
tiễn; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng,
nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt - việc tốt để tạo
thành phong trào thi đua thiết thực.
Với quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm và khát vọng vươn lên
mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển mới
- kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc học và làm theo Bác không chỉ là nhiệm vụ chính trị quan trọng của
Đảng bộ mà còn là động lực nội sinh mạnh mẽ trong xây dựng Đảng, phát
triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, góp phần thực hiện thắng
lợi Nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết lần thứ
XIII của Đảng, tiến tới đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội
XIV của Đảng./.