Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế
Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc - “Người là một
biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời
mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc
đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến
bộ xã hội” [1].
Đối với cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là
con người của những quyết định lịch sử ở những bước ngoặt lịch sử. Khi cuộc đấu
tranh của dân tộc đang trong thời kỳ bế tắc về đường lối, Nguyễn Ái Quốc đã tìm
ra con đường cho cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam -
cơ quan đầu não của cách mạng, sáng lập Mặt trận Việt Minh và Quân đội nhân dân
Việt Nam - lực lượng tiến hành cách mạng. Người đã lãnh đạo nhân dân tiến hành
tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, lập ra một nhà nước mới -
nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người là linh hồn của cuộc kháng chiến 9
năm trường kỳ của nhân dân Việt Nam cũng như trong cuộc đấu tranh giải phóng
miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa
yêu nước chân chính kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Ngay từ
khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, ánh sáng chân lý của thời đại, Người luôn
hướng về nhân dân các dân tộc bị áp bức, chiến đấu không mệt mỏi vì hòa bình,
độc lập, tự do, hạnh phúc. Người đã hết lòng, hết sức xây dựng sự đoàn kết,
nhất trí giữa các Đảng Cộng sản anh em trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ
nghĩa quốc tế vô sản trong sáng; không ngừng vun đắp quan hệ gắn bó, hữu nghị
giữa các dân tộc Đông Dương, các nước láng giềng; có những cống hiến xuất sắc
cả về lý luận và thực tiễn cho phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân
tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại là chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, kiên cường và vô
cùng trong sáng, suốt đời chiến đấu cho công bằng, hòa bình và tiến bộ của các
dân tộc bị áp bức trên thế giới. Việt Nam - Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng
của các dân tộc bị áp bức trong hành trình đòi lại độc lập, tự do. “Hồ Chí Minh
sẽ còn ở lại mãi mãi trong lòng những chiến sĩ đấu tranh cho công lý, tự do và
độc lập của dân tộc mình như là một trong những người kế tục vĩ đại và kiên
cường nhất con đường của Các Mác và Lênin” [2].
Nhà văn hóa kiệt xuất
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn
là nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; không chỉ là một chính trị gia vĩ đại, mà
còn là một nhà văn hóa kiệt xuất.
Những năm tháng hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Hồ Chí
Minh nghiên cứu và tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây; viết sách, báo bằng
tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga... đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin,
đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại. Người kế thừa truyền thống văn hóa
phương Đông, tiếp thu tinh hoa của Nho giáo, Phật giáo… Hồ Chí Minh đã vận
dụng, phát triển và làm phong phú chủ nghĩa Mác - Lênin để phù hợp với thực
tiễn cách mạng Việt Nam. Các tác phẩm của Người đều có sự giao thoa giữa văn
hóa phương Đông và phương Tây, giữa những sáng tạo văn hóa, gắn bó chặt chẽ với
cuộc sống của Nhân dân, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống. Đi cùng với đó
là lối sống chuẩn mực, phong cách ứng xử đạt đến tầm nghệ thuật của Người đã
trở thành tư tưởng, một quan niệm nhân sinh, chủ nghĩa nhân văn cao cả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc ngâm thơ mừng Xuân của các phụ lão và văn
nghệ sĩ tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 5/2/1962 (Mồng 1 Tết Nguyên
đán Nhâm Dần). Ảnh tư liệu
Nhận rõ ý nghĩa lớn lao và vị trí đặc biệt quan trọng của
văn hóa, Người chỉ rõ: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Chủ tịch Hồ
Chí Minh là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách
mạng, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công
bằng, lẽ phải trên trái đất. Dưới sự lãnh đạo tài tình của Người, cuộc Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta đã thành công, giành lại độc lập cho
dân tộc; đồng thời cũng đã trả lại vị trí xứng đáng cho văn hóa Việt Nam, mở ra
một thời đại mới cho nền văn hóa dân tộc. Sự đóng góp của Hồ Chí Minh về văn
hóa không chỉ ở phương diện lý luận mà còn thấm đượm trong toàn bộ cuộc đời và
sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người, tỏa sáng trong mỗi việc làm, từng cử chỉ,
từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế.
Trong thế giới có nhiều thay đổi và biến động nhanh chóng
như hiện nay nhưng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị không hề thay đổi; trong
những giá trị trường tồn đó có di sản tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là:
Nhân đạo và hòa bình; Tổ quốc và nhân loại; dân chủ và nhân văn; tự do và hạnh
phúc; tinh thần yêu nước và chủ nghĩa dân tộc chân chính; đạo đức cách mạng
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư...
[1] - Nghị quyết của UNESCO năm 1987
[2] - Vào ngày 09/01/2008, Bí thư Đảng Cộng sản Liên bang Nga D.T.
Novikov đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm
tại Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Nguyên Hải/Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng