Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XIV về phát triển Kinh tế-xã hội vùng đồng bao dân tộc thiểu số và miền núi

Ngày 25/01/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về “phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 19-NQ/TU). Đây là là Nghị quyết có ý nghĩa rất quan trọng để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hiệu quả trong tình hình mới.

     Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh ta có 37 xã (15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 01 xã khu vực I). Giai đoạn 2021-2025, có 28 xã (15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I), với 71 thôn đặc biệt khó khăn[1]. Tỉnh có 33 dân tộc anh em; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 75,6% (449.000 người); 32 dân tộc thiểu số chiếm 24,4% dân số toàn tỉnh…[2].

     Nhiệm kỳ 2015-2020, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khóa XIII đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; trong đó, có Nghị Quyết số 03-NQ/TU, ngày 01/7/2016 về “Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi giai đoạn 2016-2020”. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất; phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò của lực lượng cốt cán, người có uy tín phối hợp với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị trong tỉnh để tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Tỉnh đã huy động từ các nguồn lực trong xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi, tập trung xây dựng các công trình điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp và văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch như: Các lễ hội truyền thống, hệ thống Tháp Chăm, Làng nghề Dệt Thổ Cẩm, làng Nghề Gốm của đồng bào dân tộc Chăm...; du lịch sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc miền núi: Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình, Thác Chapơr, Bẫy đá Pi Năng Tắc, tái hiện một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai như lễ Bỏ mả, lễ Đầu lúa mới; đưa nhạc cụ và nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc vào hoạt động để phục vụ loại hình du lịch Homestay...[3].

      Đến nay, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miến núi của tỉnh đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm học tập cộng đồng. Trạm y tế các xã với đội ngũ y, bác sỹ và trang bị dụng cụ, thuốc để khám và điều trị bệnh ban đầu cho bà con. 100% người dân vùng đặc biệt khó khăn và hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng các loại văcxin theo quy định. 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng. Trên 93% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Ngành Giáo dục tập trung nhiều giải pháp để dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc từ cấp mầm non đến cấp tiểu học; dạy tiếng Chăm và tiếng Raglai cho các trường tiểu hoc. Công tác cử tuyển con em các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn vào học các trường đại học, cao đẳng theo chỉ tiêu phân bổ hàng năm với ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương được quan tâm. Nhận thức của người dân trong việc đưa con em đến trường, chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh môi trường có nhiều tiến bộ. Công tác vận động các tổ chức từ thiện khám và chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách và trẻ em tiếp tục phát huy hiệu quả. Tỷ lệ tảo hôn giảm nhiều so với trước đây; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy và phát triển. Vào dịp tết Nguyên đán và lễ hội truyền thống hàng năm; lãnh đạo tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đều đi thăm, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, người có uy tín tiêu biểu; tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao; tạo điều kiện cho đồng bào đón Tết và các lễ hội vui tươi, đầm ấm, đồng bào rất phấn khởi và đánh giá cao. Công tác phát triển đảng viên, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc tại chỗ đảm bảo cơ cấu tỷ lệ cán bộ được chú trọng… [4].

       Nhiệm kỳ 2020-2025, để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; trên cơ sở Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 về “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030” và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020 về “Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030” của Quốc hội khoá XIV và Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030”; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khoá XIV đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25/01/2022 “Về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh uỷ).

      Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh uỷ cùng với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ; các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch để cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu đã đề ra trong Nghị quyết 19-NQ/TU của Tỉnh uỷ thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục phối hợp nghiên cứu, xác định điều kiện và thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với từng vật nuôi, cây trồng cụ thể. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp để đồng bào các dân tộc tự lực phấn đấu vươn lên, chủ động phát triển sản xuất. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhưng không để đồng bào mất đất sản xuất. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào các dân tộc. Nâng cao chất lượng dạy và học, hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Quan tâm giải quyết việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, nhất là các em diện cử tuyển. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động là con em dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giảm thiểu tình trạng tảo hôn. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, hướng các hoạt động về cơ sở; thường xuyên giám sát và phản biện xã hội. Phát động các phong trào thi đua gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để đồng bào các dân tộc tự lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc tại chỗ đảm bảo theo cơ cấu dân số. Thường xuyên hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo...

      Với quyết tâm chính trị cao của hệ thống chính trị trong tỉnh cùng với sự đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đạt mục tiêu theo Nghị quyết 19-NQ/TU đã đề ra: “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; nâng cao thu nhập cho người dân. Tạo sự chuyển biến căn bản về phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, xây dựng nếp sống văn minh, xóa bỏ các tập quán lạc hậu. Củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, từng bước thu hẹp khoảng cách với các vùng khác trên địa bàn tỉnh; phát triển lấy con người làm trung tâm, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Từ đó, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025: “…Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư… Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng 02 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 03%/năm…” [5].

     Thực hiện tốt Nghị quyết 19-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ góp phần hưc hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

     Tác giả: Đổng Văn Dinh, Ban Dân vận Tỉnh uỷ.



[1] Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025.

[2] Dân tộc Raglai 70.366 người, chiếm 48,8%; dân tộc Chăm 67.517 người, chiếm 46,82%, dân tộc Cơ Ho 3.333 người, chiếm 2,31%; dân tộc Hoa 1.237 người, chiếm 0,86%; các dân tộc thiểu số khác 1.747 người, chiếm 1,21% (Tỉnh uỷ Ninh Thuận, Báo cáo số 130-BC/TU, ngày 31/12/2021).

[3] Tháp Pô Klong Girai là Di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật được Thủ tướng Chính phủ Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2016 (Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016); Lễ hội Katê của đồng bào Chăm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố trong Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia (Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/6/2020); Nghệ thuật làm Gốm của làng Chăm Bàu Trúc được Tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hoá Phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022; Lễ Bỏ Mã của đồng bào dân tộc Raglai được Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL, ngày 30/10/2018); Vườn Quốc gia Núi Chúa được Tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2021.

[4] Trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận, có 03 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; 05 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong số đó có 01 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV; 01 đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV; 01 đồng chí là Bí thư Huyện ủy Bác Ái, 01 đồng chí Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; 01 đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; 01 đồng chí Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh. 

[5] Tỉnh ủy Ninh Thuận, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, 11/2020, tr 68.




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 10
  • Trong tuần: 388
  • Tất cả: 211 909
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.