Kết quả 05 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ về công tác dân tộc; cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. 

     Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 3.358 km²; có 06 huyện và 01 thành phố, trong đó, huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 28 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 14 xã khu vực III và 14 xã khu vực I, với 71 thôn đặc biệt khó khăn. Tỉnh có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 40.645 hộ/184.496 khẩu, chiếm 24,31% dân số toàn tỉnh[1].

Tiết mục múa truyền thống của đồng bào dân tộc Raglai xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thuận Nam lần thứ IV năm 2024.

     Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24- NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới (Kết luận số 65-KL/TW); Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Văn bản Số 4755-CV/TU, ngày 13/02/2020, để cụ thể hoá Kết luận số 65-KL/TW; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể trong tỉnh tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW và các chủ trương, chính sách của Trung ương về công tác dân tộc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận khoá XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Kết luận số 14-KL/TU, ngày 31/12/2021 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 12-NQ-TU, ngày 16/11/2016 về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi; Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/01/2022 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến 2025, định hướng đến 2030.

     Để đánh giá kết quả thực hiện Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, ngày 18/9/2024, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Công văn số 5857-CV/TU, chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiến hành sơ kết 05 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW theo Kế hoạch số 180-KH/BDVTW, ngày 09/9/2024 của Ban Dân vận Trung ương. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ kịp thời đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác dân vận, dân tộc trong tình hình mới; chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đảm bảo an ninh, quốc phòng; nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các địa phương trong tỉnh.

     Trong 05 năm qua, các chính sách hỗ trợ học nghề, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Các địa phương đã tạo cơ chế thuận lợi để thú hút đầu tư của các công ty, doanh nghiệp vào vùng đồng bào DTTS. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đưa giáo viên, học viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động tại một số doanh nghiệp; nhân rộng công tác đào tạo nghề ngắn hạn, dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp phù hợp với thực tế của địa phương như chế biến thuỷ sản, dệt may và một số nghề tiểu thủ công nghiệp; tỷ lệ người có việc làm đạt trên 80%...

     Các cấp, các ngành trong tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ đồng bào các dân tộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững gắn với thích ứng biến đổi khí hậu; phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Nhiều địa phương hình thành các mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa với cơ sở giết mổ. Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với Chương trình OCOP giúp người dân tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn, giá trị thu được cao hơn so với sản xuất truyền thống, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá… Tỉnh đã xây dựng được 31 “cánh đồng lớn” trồng lúa, nho, măng tây, hành tím, ngô giống… với tổng diện tích khoảng 4.242ha; thực hiện 57 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất lúa, bắp giống, nho, măng tây xanh, nha đam, tỏi, ớt, hành tím, chanh không hạt, đậu xanh, điều, mía đường, mỳ với tổng diện tích 14.267ha. Nhiều địa phương chú trọng chất lượng sản phẩm, sản phẩm đặc thù được cấp chỉ dẫn địa lý vùng trồng, giấy chứng nhận VietGap tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

     Các ngành, địa phương trong tỉnh đã  hỗ trợ xây dựng 326 căn nhà ở cho các hộ nghèo chưa có nhà ở, hoặc nhà ở tạm bợ, dột nát; hỗ trợ chuyển đổi nghề, giống vật nuôi, mua sắm máy móc nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp cho 1.930 hộ; hỗ trợ học nghề, nước sinh hoạt phân tán, xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, lắp đặt đồng hồ nước … cho các hộ với kinh phí 432.56 triệu đồng, nâng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh là 99,73%. Công tác quản lý, phát triển rừng; thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng, bảo vệ, trồng rừng, giao rừng khoán quản được tăng cường[2]. Nhiều địa phương xây dựng các điểm tập kết, xử lý rác thải sinh hoạt; lồng ghép công tác vệ sinh môi trường vào hương ước, quy ước của thôn, khu phố. Khu vực công cộng, các trục đường liên xã, liên thôn được trồng cây xanh; các nghĩa trang được quy hoạch, cải tạo và việc mai táng phù hợp với phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc.

     Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp uỷ, chính quyền đã tập trung huy động nguồn lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng từng tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Đến nay, toàn tỉnh có 2/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 32/47 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Các huyện đã công nhận 82 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 7 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện các chương trình tín dụng; tập trung ưu tiên đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 36.460 lượt hộ được vay vốn để đầu tư sản xuất, với số tiền 1.440 tỷ đồng; giúp cho đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

     Sau 05 năm thực hiện Kết luận 65-TW, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được thảm nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hoá; 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng; trên 93% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Trên 96% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 100% xã có trường lớp Mầm non, Tiểu học, THCS, các huyện có Trường  THPT; tỉnh có 05 trường Phổ thông Dân tộc nội trú; các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc được thực hiện nghiêm túc; công tác xét chọn học sinh đi học hệ dự bị đại học, cử tuyển được tiến hành đúng quy chế, bảo đảm công khai, đúng đối tượng[3]. 28/28 xã có trạm y tế với đội ngũ y, bác sỹ và trang bị dụng cụ, thuốc để khám và điều trị bệnh ban đầu cho bà con; 100% người dân vùng đặc biệt khó khăn và hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; trên 95% trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm chủng các loại văcxin theo quy định; công tác y tế dự phòng được thực hiện tốt, một số bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm giảm rõ rệt; công tác phòng, chống sốt rét được thực hiện tích cực; cơ sở vật chất của các trung tâm y tế huyện và trạm y tế được đầu tư xây dựng, sửa chữa khang trang. Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được quan tâm; một số di sản văn hóa phi vật thể được giới thiệu đến nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, lễ hội Katê của đồng bào Chăm được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017; Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp tháng 11/2022. Các ngành, địa phương đã giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp và văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch như: Các lễ hội truyền thống, hệ thống Tháp Chăm, Làng nghề Dệt Thổ Cẩm, làng Nghề Gốm của đồng bào dân tộc Chăm...; du lịch sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc miền núi như: Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình, Thác Chapơr, Bẫy đá Pi Năng Tắc; tái hiện một số lễ hội của đồng bào dân tộc như lễ hội Kate, lễ Bỏ mả, lễ Đầu lúa mới; đưa nhạc cụ và nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc vào hoạt động để phục vụ loại hình du lịch Homestay. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia hoạt động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực. Có 100% thôn, khu phố, 94% hộ gia đình, được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Hầu hết các huyện đều có Trung tâm văn hoá - thể thao; 28 xã miền núi có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng… Công tác tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn được đẩy mạnh; không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đời sống của đồng bào không ngừng được cải thiện; thu nhập bình quân đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,69% so năm 2022. Công tác nắm tình hình và giải quyết những bức xúc, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số được kịp thời, thấu tình, đạt lý.

     Công tác phát triển đảng viên, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện thường xuyên. Trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao [4]. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng, củng cố các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự; nhân rộng mô hình tộc họ tự quản, phòng chống tệ nạn xã hội ngày càng hiệu quả; nhiều địa phương phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với các già làng, tổ hòa giải, tộc họ tự quản… để phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội; hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu ở cơ sở (vụ việc hòa giải thành đạt trên 80%); thường xuyên nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh.

     Những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị, đồng bào các dân tộc trong tỉnh rất phấn khởi; an tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch của địa phương; tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: “…Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư… Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng 02 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 03%/năm…”[5]; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về công tác dân tộc: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”[6] ./.

 

Ghi chú:

 (1). UBND tỉnh, Báo cáo số 273/BC-UBND, ngày 15/10/2024.

 (2). Tổ chức khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư tại các xã khu vực III với tổng diện tích là 113.728,21 ha, đạt 79,55% so với kế hoạch.

 (3). Từ năm 2019 đến năm 2024, kết quả trúng tuyển vào Trường Dự bị Đại học Dân tộc ở TP. HCM: 238, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Nha Trang: 222. Cử 25 học sinh đi học 03 trường: Y dược, Luật, Nông Lâm.

(4). Nhiệm kỳ 2020-2025, trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, có 03 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; 05 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong số đó, có 01 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV; 01 đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV; 01 đồng chí Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, 01 đồng chí Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; 01 đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh; 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương; 01 đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; 02 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện; 02 đồng chí  Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch Mặt trận huyện; nhiều Bí thư, Chủ tịch UBND các xã vùng đồng bào DTTS.

(5). Tỉnh ủy Ninh Thuận, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025, 11/2020, tr 68.

(6). Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tập 2, trang 141.

     Tác giả: Đổng Văn Dinh

 

 

 

 

 

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 97
  • Trong tuần: 303
  • Tất cả: 211 806
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.