Đồng chí Nguyễn Anh Đào - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đến thăm
và tặng quà người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc, nhân dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Tỉnh ta có 32 dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc chiếm trên 24% dân số toàn tỉnh, sinh sống ở 124 thôn của 06 huyện, thành phố [1]. Thời gian qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến tiến bộ. Giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được tăng cường. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào không ngừng được cải thiện. Tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng bền vững. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg, ngày 18/3/2011 về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 (thay thế Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg) về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Ủy ban nhân dân tỉnh có Kế hoạch số 2144/KH-UBND, ngày 28/5/2018; đồng thời, ban hành Quyết định phê duyệt danh sách 124 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, UBND tỉnh đều có Quyết định thay thế, bổ sung danh sách người có uy tín để phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Trong số 124 người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta; dân tộc Raglai có 83 người, dân tộc Chăm 35 người, dân tộc Cơ Ho 03 người, dân tộc Nùng 02 người. Họ là những cán bộ hưu trí, cựu chiến binh, già làng, trưởng dòng họ, chức sắc tôn giáo, nhân sỹ, trí thức…, có uy tín đối với cộng đồng, được bà con ở các thôn bầu chọn. Bản thân và gia đình người có uy tín luôn gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; đóng góp tích cực trong các phong trào thi đua yêu nước, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp và đoàn kết các dân tộc; hiểu biết cơ bản về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc mình. Hàng năm, người có uy tín được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quốc phòng, an ninh, chính sách dân tộc và kỹ năng hòa giải, tuyên truyền, vận động quần chúng; được tham quan, học tập trong và ngoài tỉnh …
Vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội truyền thống hàng năm của các dân tộc; Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đều đi thăm và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, cơ sở thờ tự, chức sắc, tín đồ tôn giáo tiêu biểu và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua những lần đến thăm; lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phổ biến, cung cấp thông tin cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; an ninh trật tự ở địa phương; đồng thời, thông qua người có uy tín để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Thời gian qua, xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị, với nội dung cốt lõi của công tác dân tộc là vận động quần chúng; thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy; các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thông qua vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với các già làng, đảng viên được phân công phụ trách hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, các tổ hòa giải, tộc họ tự quản… để phổ biến, tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, nhất là tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có hiệu quả; xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tích cực đưa con em đến trường; phòng chống các dịch bệnh; khắc phục nạn tảo hôn; giữ vệ sinh môi trường; bảo vệ rừng... Các địa phương còn tranh thủ vai trò của người có uy tín để tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu ở cơ sở (vụ việc hòa giải thành đạt trên 80%); đồng thời, vận động bà con thường xuyên nâng cao cảnh giác, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình tuyên truyền, vận động; để tạo niềm tin, an tâm, phấn khởi trong đồng bào các dân tộc; nhiều địa phương đã phối hợp với người có uy tín để hướng dẫn trực tiếp bà con sản xuất; đồng thời, kết nối với một số doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho bà con, đây là việc làm có trách nhiệm, bà con rất phấn khởi. Trong thực hiện các chương trình, dự án, nhất là khi có quy hoạch, giải tỏa, đền bù, tái định cư như các dự án thuỷ lợi, xây dựng Đường Cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, các dự án năng lượng sạch (Điện gió, Điện mặt trời)…; công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc nằm trong vùng dự án đồng thuận di dời được các cấp, các ngành chỉ đạo thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tế, phong tục, tập quán của đồng bào. Theo đó, để tạo sự đồng thuận cao trong đồng bào, các địa phương đã tranh thủ vai trò của người có uy tín đến từng hộ gia đình trong diện quy hoạch triển khai dự án để giải thích, tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Công việc này không hề dể dàng vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của các hộ gia đình. Một số người có uy tín đã tâm sự thật lòng khi tham gia công việc này. Nhiều hộ gia đình lúc đầu do chưa hiểu và chưa đồng thuận, đã có những lời lẽ gay gắt khi thấy người có uy tín xuất hiện. Nhưng với vai trò và uy tín của mình cùng với kinh nghiệm hòa giải bình tĩnh, giải thích có lý, có tình; người có uy tín đã thuyết phục những hộ trước đó chưa đồng tình, đi đến sự đồng thuận cao; góp phần đưa nhiều dự án trên địa bàn tỉnh triển khai đúng tiến độ.
Tuy vậy, thời gian qua, việc tranh thủ vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên. Một số đơn vị, địa phương chỉ đến thăm, gặp gỡ, trao đổi với người có uy tín vào các dịp lễ, tết và khi xảy ra các vụ việc; kinh phí để hỗ trợ cho người có uy tín còn khó khăn nên công tác tranh thủ và phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thời gian tới, để tiếp tục tranh thủ và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia phát triển kinh tế - xã hội; các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ:
1. Tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của hệ thống chính trị trong tỉnh và người người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ về công tác dân tộc; trọng tâm là Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới...
2. Tập trung phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, bảo đảm an ninh xã hội vùng đồng bào các dân tộc. Quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ người dân tộc, đảm bảo cơ cấu theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và có chính sách đặc thù trong việc tuyển dụng sinh viên là con em đồng bào các dân tộc tốt nghiệp ở các trường đại học. Tuyên truyền, vận động và định hướng dư luận trong đồng bào các dân tộc để đồng bào thấy rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và kết quả đạt được trên các lĩnh vực; qua đó, củng cố lòng tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước.
3. Thường xuyên tổ chức Hội nghị gặp mặt các vị chức sắc, cốt cán tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để lôi kéo, kích động gây chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
4. Thông qua người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với đảng viên, cán bộ hưu trí, trí thức, già làng, trưởng tộc họ, để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, tranh thủ vai trò của người có uy tín tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ Nhân dân ngay từ đầu, thấu tình, đạt lý trên cơ sở pháp luật có sự kết hợp với luật tục không trái với pháp luật; đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của bà con và phù hợp với tình hình thực tế trong tỉnh. Thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi, có chính sách hợp lý cho người có uy tín vào những dịp lễ, tết và quan tâm giúp đỡ kịp thời gia đình người có uy tín khi họ gặp ốm đau, hoạn nạn để động viên, tạo mối quan hệ thân tình; khi tranh thủ vai trò của họ thì hiệu quả mang lại sẽ cao hơn.
5. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về dân tộc, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác dân tộc, tôn giáo nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; luôn có niềm tin, thương yêu và gần gũi với đồng bào, lời nói đi đôi với việc làm, nắm cơ bản về phong tục, tập quán của từng dân tộc, đặc điểm của của từng tôn giáo cụ thể. Thường xuyên cung cấp thông tin, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của địa phương để người có uy tín hiểu rõ và đồng tình, ủng hộ, sau đó, phổ biến, tuyên truyền, vận động trong đồng bào dân tộc của mình. Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc. Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người, tăng cường sự đồng thuận xã hội, nhất trí, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong tỉnh và các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc; góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới ngày càng vững chắc.
(Tác giả: Đổng Văn Dinh).
--------------------------------------
[1] Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh ta có 37 xã (15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 01 xã khu vực I); giai đoạn 2021-2025, có 28 xã (15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I) (Tỉnh ủy Ninh Thuận, Báo cáo số 130-BC/TU, ngày 31/12/2021).