Hướng đến Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV năm 2024 - Những kết quả quan trọng về công tác Dân tộc trong tỉnh thời gian qua

Thời gian qua, xác định công tác dân tộc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của toàn bộ hệ thống chính trị, với nội dung cốt lõi là công tác vận động quần chúng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Long Biên - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV năm 2024, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thuận Nam lần thứ IV năm 2024

     Tỉnh ta có dân số trên 600.000 người, với 34 dân tộc anh em; trong đó, dân tộc Kinh chiếm khoảng 75,42% (trên 452.520 người); dân tộc Raglai chiếm khoảng 11,9% (trên 71.400 người); dân tộc Chăm chiếm khoảng 11,5% (trên 69.000 người); còn lại, các dân tộc thiểu số khác như Hoa, Tày, Nùng, Cơ Ho… khoảng 1,8% (trên 7.000 người)[1]. Đồng bào các dân tộc sinh sống ở 124 thôn của 06 huyện và 01 thành phố. Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 37 xã (15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 01 xã khu vực I); giai đoạn 2021-2025, có 28 xã (15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I)...

      Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trọng tâm là chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới”; Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030”; Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV về “phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”… Đồng thời, thông qua người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, kết hợp với cán bộ, đảng viên, nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc; qua đó, tuyên truyền, vận động bà con tích cực tham gia cùng với các cấp, các ngành trong Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp; chủ động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; tích cực đưa con em đến trường; phòng chống các dịch bệnh; khắc phục nạn tảo hôn; giữ vệ sinh môi trường; bảo vệ rừng; tham gia hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân ngay từ đầu ở cơ sở; thường xuyên nâng cao cảnh giác, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

     Đồng bào các dân tộc thiểu số đồng thuận, an tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái thi đua sản xuất, hưởng ứng và tham gia tích cực các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục phát triển tiến bộ. Giáo dục, y tế, văn hóa được tăng cường. Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện rõ rệt. Tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh ngày càng bền vững. Niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc.

     Hiện nay, ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, có trên 99% hộ dân được sử dụng lưới điện quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; trên 99% hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 75% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; trên 96% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 14/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 50% so với số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cuối năm 2023, số hộ nghèo toàn tỉnh là 7.874 hộ, chiếm tỷ lệ 4,21% (giảm 1,72% so với năm 2022); tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 13,04% (giảm 4,69% so với cuối năm 2022); huyện Bác Ái giảm 6,36% so với năm 2022…[2].

     Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trung tâm học tập cộng đồng; 28/28 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn phổ cập mầm non trẻ năm tuổi và được công nhận đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non trẻ năm tuổi. Ngành giáo dục tập trung nhiều giải pháp để dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc từ cấp mầm non đến cấp tiểu học; dạy tiếng Chăm và tiếng Raglai cho các trường tiểu hoc. Công tác cử tuyển con em các dân tộc vùng đặc biệt khó khăn vào học các trường đại học, cao đẳng theo chỉ tiêu phân bổ hàng năm với ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương được quan tâm. Nhận thực của đồng bào các dân tộc trong việc đưa con em đến trường có nhiều tiến bộ.

     Trạm y tế các xã với đội ngũ y, bác sỹ và trang bị dụng cụ, thuốc để khám và điều trị bệnh ban đầu cho bà con. 100% người dân vùng đặc biệt khó khăn và hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng các loại văcxin theo quy định. Công tác vận động các tổ chức từ thiện khám và chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách và trẻ em tiếp tục phát huy hiệu quả. Việc chăm sóc sức khỏe, giữ vệ sinh môi trường có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ tảo hôn giảm nhiều so với trước đây, không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

     Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy. Các đơn vị, địa phương đã giới thiệu, quảng bá cảnh đẹp và văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch như: Các lễ hội truyền thống, hệ thống Tháp Chăm, Làng nghề Dệt Thổ Cẩm, làng Nghề Gốm của đồng bào dân tộc Chăm...; du lịch sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc miền núi như: Vườn Quốc gia Núi Chúa, Vườn Quốc gia Phước Bình, Thác Chapơr, Bẫy đá Pi Năng Tắc, tái hiện một số lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc; đưa nhạc cụ và nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc vào hoạt động để phục vụ loại hình du lịch Homestay... .

     Vào dịp tết Nguyên đán và các lễ hội truyền thống hàng năm của các dân tộc; Thường trực Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, người già neo đơn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho đồng bào đón Tết, vui Xuân đầm ấm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”; đồng bào các dân tộc rất phấn khởi và đánh giá cao.

     Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được chú trọng. Nhiệm kỳ 2020-2025, trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh, có 03 đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV; 05 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Trong số đó, có 01 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, đại biểu Quốc hội khóa XV; 01 đồng chí Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV; 01 đồng chí Bí thư Huyện ủy Bác Ái; 01 đồng chí Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh; 01 đồng chí Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; 01 đồng chí Phó Chủ tịch Mặt trận tỉnh; 01 đồng chí Phó Giám đốc Sở Công thương; 01 đồng chí Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ (Ninh Hải); 02 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện (Bác Ái và Ninh Phước); nhiều bí thư, phó bí thư đảng uỷ, chủ tịch, phó chủ tịch UBND các xã…

     Những kết quả đạt được trên đây ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra: “…Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp, bố trí ổn định dân cư… Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% xã, thôn đặc biệt khó khăn, thu nhập bình quân đầu người tăng 02 lần so với năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 03%/năm…” [3]; thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021-2025 ở vùng đồng bào các dân tộc theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc trên các lĩnh vực, nhất là các chính sách đặc thù giải quyết những khó khăn của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tạo sinh kế, việc làm, định canh, định cư vững chắc cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tập trung triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030” [4]; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cả nước: “Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước” [5].

 Lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện Thuận Nam, chụp hình lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Thuận Nam lần thứ IV năm 2024. 

     Từ đó, góp phần quan trọng trong việc củng cố và phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng của đồng bào các dân tộc trong quá trình xây dựng quê hương Ninh Thuận ngày phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ IV năm 2024.

---------------------------------

     Tài liệu tham khảo:

     1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1 và 2, Hà Nội.

     2. Tỉnh ủy Ninh Thuận, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tháng 11/2020.

     3. Tỉnh ủy Ninh Thuận, Báo cáo số  474-BC/TU, ngày 28/6/2024 về tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

     4. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Báo cáo số 735-BC/BCSĐ, ngày 23/7/2024, về sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 14-KL/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV.

     Ghi chú:

     (1). Tỉnh ủy Ninh Thuận, Báo cáo số  474-BC/TU, ngày 28/6/2024 về tổng kết công tác dân vận nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

    (2). Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Báo cáo số 735-BC/BCSĐ, ngày 23/7/2024, về sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 14-KL/TU, ngày 31/12/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV.

     (3). Tỉnh ủy Ninh Thuận, Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tháng 11/2020, tr 68.

     (4). Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 2, Hà Nội, trang 141.

     (5). Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia Sự Thật, tập 1, Hà Nội, trang 50, 51.

Tác giả: Đổng Văn Dinh


 

 

 

 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 389
  • Tất cả: 211 910
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.