Hiệu quả công tác Dân vận gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Miền núi trên địa bàn tỉnh

Công tác dân vận gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi thời gian qua có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và có tính chiến lược trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giữ vững quốc phòng an ninh; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; công tác dân vận gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần củng cố lòng tin của đồng bào, Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

     Tỉnh ta có diện tích tự nhiên 3.358 km², có 06 huyện và 01 thành phố; trong đó, huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2016-2020, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có 37 xã (15 xã khu vực III, 21 xã khu vực II, 01 xã khu vực I); giai đoạn 2021-2025, có 28 xã (15 xã khu vực III, 01 xã khu vực II, 12 xã khu vực I), với 71 thôn đặc biệt khó khăn (Theo Quyết định 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ). Hiện nay, còn 14 xã khu vực III và 14 xã khu vực I (Xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nên không còn thuộc xã Khu vực III; xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nên không còn thuộc xã khu vực II).

     Hiện nay, toàn tỉnh có 32 dân tộc thiểu số (DTTS) với 39.478 hộ, chiếm tỷ lệ 24,03% so với dân số toàn tỉnh; trong đó, vùng miền núi tập trung phần lớn là đồng bào dân tộc Raglai và Cơ Ho sinh sống. Trước đây, đồng bào sống “du canh, du cư”, đời sống kinh tế chủ yếu từ trồng trọt, chăn nuôi. Cây trồng chính là cây lúa, cây ngô và cây đậu, điều kiện canh tác phụ thuộc vào thiên nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Nhiều năm qua, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, cuộc sống của đồng bào ngày càng khởi sắc. Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã thay đổi tập quán sản xuất, từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa nước, trồng cây ăn trái; phát triển du lịch... để cải thiện đời sống kinh tế. Trong suốt quá trình lao động sản xuất và phát triển kinh tế, đời sống, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đã để lại cho đời sau một kho tàng di sản văn hóa hết sức đặc sắc, góp phần làm đa dạng, phong phú nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn hóa các tộc người trong tỉnh Ninh Thuận nói riêng, với phong tục “Lễ Bỏ mả”, “Lễ Đầu lúa mới” của đồng bào dân tộc Raglai được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như nghệ thuật trình diễn Đàn đá, Hát kể Sử thi, Lễ Ăn đầu lúa mới… Trải qua các giai đoạn lịch sử, cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi luôn gắn bó, phát huy tinh thần đoàn kết, yêu nước, một lòng theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng, trở thành căn cứ cách mạng vững chắc của tỉnh và cả nước trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước và tham gia xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Hiện nay, đồng bào luôn đoàn kết, an tâm, tin tưởng và thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

     Xác định công tác dân vận gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc miền núi; giữ vững quốc phòng an ninh, là nhiệm vụ hàng đầu, có tính chiến lược của Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh; thời gian qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIV) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TU, ngày 31/12/2024 của về tiếp tục thực Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII) về nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Kết luận 14-KL/TU); Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 25/01/2022 về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 19-NQ/TU). Đây là cơ sở quan trọng để Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, các hội quần chúng và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thời gian qua tăng cường công tác dân vận gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi trong tình hình mới đạt hiệu quả tích cực. Đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi có nhiều khởi sắc; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; tranh thủ và phát huy vai trò của đội ngũ cốt cán, người có uy tín, già làng, trưởng tộc họ để tăng cường tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; phát huy nội lực để phát triển kinh tế, cải thiện và nâng cao cuộc sống, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước được tăng cường; chính quyền các cấp triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với đồng bào dân tộc miền núi.

    Từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã phân bổ 981.460,48 triệu đồng nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi; thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề; công tác tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng… được triển khai xuống tận thôn, xã phù hợp với nguyện vọng và phong tục tập quán của người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, người lao động là đồng bào dân tộc miền núi có điều kiện tham gia, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. …. Tính tự ti, ỷ lại của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giảm; ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng đang trở thành phong trào thi đua trong Nhân dân; đời sống của đồng bào được cải thiện; đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hoá được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, kiện toàn. Tính đến ngày 30/6/2024, thu nhập bình quân của người đồng bào dân tộc thiểu số đạt 32,4 triệu đồng/người, tăng 3,19 triệu đồng so với năm 2020, đạt 55,5% so với mục tiêu đến 2025; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số là 13,04%; giảm 4,69% so với năm 2022. Những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực ở vùng đồng bào dân tộc miền núi thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, tâm huyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ và lãnh đạo của các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, hội quần chúng, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cùng với sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của đồng bào dân tộc miền núi trong tỉnh.

Ban Dân vận Tỉnh uỷ Thăm, chúc tết

người có uy tín vùng đồng bào dân tộc miền núi

     Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và cả hệ thống chính trị tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận gắn với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi; trọng tâm Kết luận số 14-KL/TU, Nghị quyết số 19-NQ/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV; tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:

     1. Tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân về công tác dân vận gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030.

    2. Tiếp tục phối hợp nghiên cứu xác định điều kiện và thế mạnh của từng địa phương, phù hợp với từng vật nuôi, cây trồng cụ thể; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp để bà con tự lực phấn đấu vươn lên, chủ động phát triển sản xuất hàng hóa và quan tâm đến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhưng không để đồng bào mất đất sản xuất. Nâng cao nhận thức của đồng bào trong việc đào tạo đưa lao động đi nước ngoài để nâng trình độ lao động và thu nhập. Đẩy mạnh phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đảm bảo quyền làm chủ thực sự của đồng bào.

    3. Nâng cao chất lượng dạy và học; hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Có chính sách đặc thù để giải quyết việc làm cho sinh viên người dân tộc thiểu số và miền núi tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, nhất là các em diện cử tuyển. Quan tâm đội ngũ trí thức trẻ đang công tác ở các xã miền núi để các em an tâm công tác. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề cho thanh niên; khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn ưu tiên tuyển dụng lao động là con em dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kế hoạch hoá gia đình, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

    4. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể; nâng cao chất lượng công tác vận động, tập hợp quần chúng, hướng các hoạt động về cơ sở; thường xuyên giám sát và phản biện xã hội. Phát động các phong trào thi đua gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng kế hoạch cụ thể để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhằm làm thay đổi cách nghĩ của đồng bào các dân tộc tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, có ý thức tự lực vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo, nâng cao dân trí; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng trong tỉnh. Thường xuyên nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lợi dụng những khó khăn trong đời sống của đồng bào để lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng”.

     5. Thường xuyên phối hợp tham mưu củng cố tổ chức, bộ máy cán bộ làm công tác dân vận, dân tộc. Tiếp tục thực hiện chủ trương đưa cán bộ lãnh đạo các phòng thuộc các sở, ngành cấp tỉnh về công tác tại xã vùng đồng bào dân tộc miền núi, gắn với cơ chế, chính sách phù hợp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số tại chỗ theo cơ cấu dân số. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc; tranh thủ và phát huy vai trò người có uy tín để tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững.

     6. Phối hợp công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc; kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý vi phạm, chống thất thoát để nâng cao hiệu quả đầu tư; định kỳ báo cáo, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc để cấp có thầm quyền chỉ đạo giải quyết kịp thời, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, bức xúc chính đáng của đồng bào các dân tộc miền núi.

    7. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Mỗi cán bộ, đảng viên thường xuyên nâng cao kỹ năng về công tác dân vận, phải gương mẫu thực hành phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và trách nhiệm với dân”; “việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh” và quan tâm giải quyết kịp thời những bức xúc chính đáng của Nhân dân.

    Tác giả: Thái Thị Bích Vân.




Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 399
  • Tất cả: 211 920
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.