Một số kết quả quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc có đạo, phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

     Tỉnh ta, hiện có 08 tôn giáo đang hoạt động đó là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Baha’I, Bàlamôn, Hồi giáo Bàni và Islam (Hồi giáo). Đồng bào có đạo chiếm gần 44% dân số toàn tỉnh…[1]. Trong các tôn giáo nói trên, đạo Bàlamôn, Hồi giáo Bàni và Islam (Hồi giáo) chỉ có trong cộng đồng người Chăm. Thời gian qua, đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo, nhất là vùng đồng bào các dân tộc có đạo luôn phát huy truyền thống đoàn kết, làm tốt việc đạo, việc đời, đồng hành cùng dân tộc, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống; góp phần quan trọng trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chụp hình nưu niệm

cùng với lãnh đạo UBND tỉnh và đại diện chức sắc, chức việc trong tôn giáo

đồng bào Chăm, nhân dịp Đoàn thăm Thủ đô Hà Nội

     Thời gian qua, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; trọng tâm là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác tôn giáo và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện, sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân tộc, tôn giáo và đạt nhiều kết quả quan trọng…

    Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thông qua gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và thăm hỏi vào dịp tết Nguyên đán và các lễ trọng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo; các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tranh thủ và phát huy vai trò của chức sắc, tín đồ, cốt cán phong trào trong các tôn giáo; người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phổ biến, cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo, nhất vùng đồng bào dân tộc theo tôn giáo trong tỉnh; phổ biến, tuyên truyền, vận động bà con tin tưởng, ủng hộ, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vận động đồng bào cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tôn giáo; tích cực đưa con em đến trường; phòng chống các dịch bệnh; khắc phục nạn tảo hôn; hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tham gia bảo vệ rừng; thường xuyên nâng cao cảnh giác, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. … Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, nhất là các tổ chức tôn giáo trong đồng bào Chăm tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ; quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo, trong đó, có tôn giáo đồng bào Chăm thăm Thủ đô Hà Nội, viếng Lăng Bác, được lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp đón niềm nở, chu đáo, thân tình; tạo không khí vui tươi, cởi mở, đầm ấm; chức sắc, chức việc rất phấn khởi và đánh giá cao…

     Việc thực hiện lồng ghép nội dung, nhiệm vụ công tác dân tộc, tôn giáo với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả ở vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào các dân tộc tiểu số...; giúp đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, tín đồ các tôn giáo phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tham gia các hoạt động từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa vào các dịp lễ, tết hàng năm được các cấp, các ngành triển khai tích cực. Nhiều cơ sở tôn giáo tham gia hoạt động từ thiện, xã hội, giáo dục, y tế, nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc người nghèo, người tàn tật và bệnh xã hội, xây dựng công trình giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận và theo quy định của pháp luật; bảo tồn và phát huy văn hoá vật thể và phi vật thể được công nhận là di sản quốc gia và di sản thế giới; góp phần phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh…[2]; tích cực tham gia ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra; trong đó, Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni ủng hộ với số tiền trên 20 triệu đồng…

Lãnh đạo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chụp hình lưu niệm với Thường trực

Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bàni khi Đoàn đến ủng hộ đồng bào đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.

     Hiện nay, kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp tục phát triển. Đời sống của các tầng lớp Nhân dân, đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo; nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào các dân tộc có đạo được cải thiện rõ rệt. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản tuân thủ pháp luật, đúng hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận. Chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia và hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, tích cực phát triển kinh tế - xã hội, cùng chung tay bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp; xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư; tích cực lao động sản xuất, kinh doanh, tham gia các hoạt động, công tác từ thiện xã hội; phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương Ninh Thuận ngày càng phát triển…; làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

      Những kết quả trên đây làm cho đồng đồng bào các dân tộc, tôn giáo; nhất là vùng đồng bào các dân tộc có đạo càng thêm phấn khởi; từ đó, đồng thuận, an tâm, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần củng cố niềm tin của đồng bào đối với Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc; thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025: “Vận động các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”; tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ và quy định của pháp luật. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng các dân tộc, tôn giáo. Kiên quyết đấu tranh với âm mưu, hành vi chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc” [3].

     Ghi chú:

     (1) Tỉnh ủy Ninh Thuận, Báo cáo số 252-BC/TU, ngày 05/12/2022.

     (2) Lễ Mừng đầu lúa mới của đồng bào dân tộc Raglai (Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Quyết định số 149/QĐ-BVHTTDL, ngày 2/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lễ Bỏ mả của người Raglai (Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL, ngày 30/10/2018 của Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Lễ hội Katê của đồng bào Chăm (Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Quyết định 2459/QĐ-BVHTTDL, ngày 20/6/2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Tháp Pô Klong Garai (Di tích quốc gia đặc biệt, Quyết định số 2499/QĐ-TTg, ngày 22/12/2016 Thủ tướng Chính phủ); Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm được Tổ chức UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể thế giới cần bảo vệ khẩn cấp vào ngày 29/11/2022. Nhiều cơ sở tôn giáo được quan tâm, tạo điều kiện mở rộng, xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp khang trang, sạch đẹp, xếp hạng di tích cấp tỉnh và cấp quốc gia….

     (3) Tỉnh ủy Ninh Thuận, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tháng 11/2020, trang 80.

     Tác giả: Đổng Văn Dinh. 




Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 109
  • Trong tuần: 315
  • Tất cả: 211 818
Đăng nhập
 
2019 © CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BAN TUYÊN GIÁO VÀ DÂN VẬN TỈNH ỦY NINH THUẬN

Địa chỉ: số 7 đường Lê Hồng Phong, Phường Kinh Dinh, Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Điện thoại: 0259.3835227.

Email: Bandv@ninhthuan.gov.vn.