Trường Chính trị Ninh Thuận tổ chức Nghiên cứu thực tế năm 2022

         Thực hiện Kế hoạch số 03-KH/TCT ngày 13/01/2022 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Ninh Thuận về Hoạt động khoa học năm 2022 và Quyết định số 68-/TCT ngày 27/5/2022 của Hiệu trưởng Trường Chính trị Ninh Thuận về việc thành lập đoàn cán bộ, viên chức đi nghiên cứu thực tế. Trong tháng 6/2022, Trường đã tổ chức 3 Đoàn đi nghiên cứu thực tế trong tỉnh tại các huyện Thuận Nam (ngày 06/6/2022), Bác Ái (ngày 08/6/2022), Thuận Bắc (ngày 17/6/2022). Đoàn nghiên cứu do Nhà giáo ưu tú – Tiến sĩ Trương Tiến Hưng – Hiệu trưởng Trường Chính trị làm Trưởng đoàn, tham gia Đoàn đi còn có các giảng viên, cán bộ nghiên cứu của Trường. Nội dung nghiên cứu tập trung các vấn đề: Tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; công tác xây dựng hệ thống chính trị địa phương; công tác dân vận của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội; kết quả thực hiện các phong trào ở địa phương như  “Xây dựng nông thôn mới”, kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 25-10-2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”…. Bên cạnh đó, Trường còn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp và đề xuất của địa phương liên quan đến công tác đào tạo bồi dưỡng của Trường Chính trị tỉnh.

         Đón tiếp và làm việc với đoàn nghiên cứu thực tế, lãnh đạo các huyện đã báo cáo cơ bản tình hình của địa phương, thành viên Đoàn nghiên cứu đã có những trao đổi, chia sẻ cùng địa phương về những những thuận lợi và khó khăn và giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới… Đồng thời, lãnh đạo địa phương đã đưa Đoàn đến thăm các dự án nổi bật, các mô hình phát triển kinh tế - xã hội đặc thù, hiệu quả cần được nhân rộng tại địa phương.


Nguyễn Thị Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2021

         Huyện Thuận Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tổng hợp: Công nghiệp, xây dựng - Dịch vụ, du lịch - Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Là cửa ngõ giao lưu của tỉnh với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện trên địa bàn đang triển khai Dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná có quy mô gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng, bao gồm tất cả các hạng mục quy hoạch gồm bến, bè, bãi, kho, các công trình phụ trợ, dịch vụ, đầu mối hạ tầng kỹ thuật, giao thông và cây xanh … Cảng biển tổng hợp Cà Ná được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội giao thương, trung chuyển hàng hóa của vùng Nam Trung Bộ với toàn bộ khu vực ASEAN, góp phần tối ưu hóa tiềm năng, lợi thế để huyện Thuận Nam nói riêng và Tỉnh ta nói chung bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong những năm tới.

Giảng viên trong Đoàn nghiên cứu thực tế tham quan tại Cảng biển Cà Ná

         Huyện Bái Ái là địa phương có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Raglay sinh sống. Với sự quan tâm, đầu tư về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, đến nay, Huyện đã huy động nhiều nguồn lực để phát triển, Bác Ái đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng cao, kết quả xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đoàn nghiên cứu trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề và các kiến nghị với Lãnh đạo huyện Bác Ái

Đoàn tham quan các công trình thủy lợi tiêu biểu trên địa bàn huyện Bác Ái

         Đến nghiên cứu thực tế tại huyện Thuận Bắc, Đoàn đã nghe và trao đổi nhiều nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. Trong đó, Đoàn đã tìm hiểu và tham quan thực tiễn các dự án điện năng lượng tái tạo trên địa bàn Huyện; nghiên cứu, trao đổi với địa phương, doanh nghiệp các vấn đề liên quan đến các quy định, cơ chế, chính sách đặc thù và  định hướng phát triển năng lượng tái tạo tại tỉnh Ninh Thuận nói chung và huyện Thuận Bắc nói riêng.

Đoàn nghiên cứu tại huyện Thuận Bắc

          Tại các buổi làm việc, Tiến sĩ Trương Tiến Hưng đã thay mặt Đoàn nghiên cứu trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề, các kiến nghị của địa phương trong việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và công tác hướng dẫn về chuyên môn đối với các Trung tâm chính trị huyện. Đồng thời, gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo các Huyện trong công tác tiếp nhận, phối hợp tổ chức, đón tiếp để Đoàn nghiên cứu thực tế của Trường Chính trị Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.

          Qua chuyến đi nghiên cứu thực tế đã giúp cho giảng viên, cán bộ nghiên cứu của Trường nhận thức sâu sắc nhiều vấn đề ở mỗi địa phương, cập nhật những kiến thức thực tiễn bổ ích vào từng nội dung bài giảng phù hợp, sinh động. Đồng thời, hoạt động nghiên cứu thực tế tại các huyện cũng giúp đội ngũ giảng viên và cán bộ nghiên cứu của Trường tổng kết thực tiễn, góp phần có những kiến nghị, hoàn thiện về lý luận trong giai đoạn hiện nay. Thông qua chuyến nghiên cứu đã rèn luyện cho giảng viên các kỹ năng công tác như: lắng nghe, quan sát, trao đổi và đánh giá thực tế nhằm góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn của cán bộ, giảng viên Trường./.

Người viết: Võ Thị Kim Loan

                                                            Khoa: Nhà nước - Pháp luật





Thống kê truy cập
  • Đang online: 23
  • Hôm nay: 155
  • Trong tuần: 365
  • Tất cả: 140 394
Đăng nhập