Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 tại xã Cổ Loa,
huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà nho yêu nước. Sinh ra
và lớn lên ở một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và
cách mạng, Đồng chí đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách
mạng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, Đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào
Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Đồng chí tham
gia lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng
chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện. Tháng
9/1945, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945 khi
Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, Đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã.
Đồng
chí trải qua nhiều vị trí như: Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên; Phó trưởng Ban huy
động dân công Khu ủy Việt Bắc; Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Phó trưởng Ban
Tuyên giáo Trung ương; Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản)
kiêm Thường trực Ban Nghiên cứu Lý luận Trung ương; Viện trưởng Viện Nghiên cứu
Chủ nghĩa Mác - Lênin; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thường trực Bộ Chính
trị - Ban Bí thư…
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù ở vị trí công tác
nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là người cộng sản hết mực trung thành,
tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm nhìn trí tuệ cao,
có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư
Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí đã dành trọn tâm
sức, trí lực của mình cho việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động tổng kết thực
tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành
Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng.
Đồng chí Đào Duy Tùng là
nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, luôn tìm tòi, sáng tạo những vấn đề mới để
vượt lên. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980,
cùng với các lần "khoán thử" ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, "khoán
100" rồi "khoán 10" đến Cương lĩnh đổi mới đất nước. Trong những
bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của
đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các đồng
chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành
nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa,
lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp
sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói,
"ba quan điểm kinh tế", "bốn nguy cơ" và "hai điều
đánh giá tổng quát" về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta
nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.
Đồng
chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác tư tưởng, lý luận của
Đảng. Trong lĩnh vực công tác này, Đồng chí đã có những cống hiến to lớn trên
nhiều mặt, từ hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn góp phần hình
thành các quyết định quan trọng của Đảng đến tuyên truyền, phổ biến các chỉ
thị, nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác giáo dục lý luận chính trị đến
công tác báo chí của Đảng.
Trong 17 năm (1965 - 1982) làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp
chí Cộng sản), đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa Tạp chí - cơ
quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những bước phát triển
vượt bậc và toàn diện. Trước hết, trong công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán
bộ, Đồng chí yêu cầu: cán bộ biên tập tạp chí lý luận và chính trị của Đảng
không chỉ nắm vững những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phải
biết vận dụng các nguyên lý đó; không những phải nắm vững đường lối, chính
sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của
đường lối, chính sách, quan điểm; từ đó, khi viết bài hoặc biên tập bài mới có
sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán; đồng thời
kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, vận động không ngừng. Đồng chí luôn thể
hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng toàn
diện về nội dung và hình thức, thực hiện nhiều bài viết sâu sắc về lý luận và
thực tiễn, góp phần trực tiếp giải quyết những vấn đề bức thiết cho thực tiễn
công cuộc đổi mới đang đặt ra, như những bài viết về lợi ích kinh tế, về khoán
sản phẩm trong nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phú, Hải Hưng, về năng suất lúa ở Thái
Bình, về đánh giá mô hình kém hiệu quả ở Quỳnh Lưu, về những sai lầm hữu khuynh
ở Lạng Sơn,....
Từ năm 1992 - 1995, với
cương vị Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn
khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đồng chí đã cùng tập thể Hội đồng
Trung ương chỉ đạo và tổ chức hoàn thành biên soạn các bộ giáo trình triết học
Mác - Lênin, kinh tế - chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư
tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của
Đồng chí, công tác giáo dục lý luận chính trị được tiến hành bài bản, chặt chẽ,
bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức; chương trình giảng dạy, sách giáo
khoa được biên soạn có hệ thống; đội ngũ giáo viên, báo cáo viên được đào tạo
với chất lượng chuyên môn cao; phương pháp học tập đổi mới; cách thức tổ chức
được thay đổi tích cực. Với kiến thức uyên bác, sự tận tâm đối với công tác
giáo dục lý luận chính trị, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết nhiều tác phẩm lý
luận và trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp nghiên cứu chính trị, bồi
dưỡng cán bộ.
Cả cuộc đời và sự nghiệp
cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng gắn liền với chặng đường đấu tranh giải
phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian
khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, Nhân dân ta. Cuộc đời
hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của Đồng chí từ khi là cán bộ cơ sở đến
khi giữ cương vị cao trong Đảng, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào,
cương vị nào, Đồng chí luôn tỏ rõ là một con người trung thực, khiêm nhường,
làm hết mình, sống giản dị, nghĩa tình và gần gũi mọi người.
Ở đồng
chí Đào Duy Tùng luôn tỏ rõ phẩm chất cao quý của người chiến sỹ cộng sản đó là
sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng có bản lĩnh chính trị và năng
lực chỉ đạo thực tiễn, đổi mới, trung thực, liêm khiết và ý thức tổ chức kỷ
luật cao. Với cương vị là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, xử lý các văn
bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí đã trung thực chắt lọc, ghi nhận
những ý kiến thống nhất hình thành quan điểm của Đảng, không lồng ý kiến cá
nhân của mình vào nghị quyết của Đảng, làm ảnh hưởng đến tính tập thể và chân
thực của nghị quyết. Vì thế, Đồng chí luôn được các đồng chí lãnh đạo cấp cao
của Đảng tin tưởng, đánh giá cao.
Với quá
trình hoạt động cách mạng, công tác trải dài qua các thời kỳ, giai đoạn đã giúp
hình thành nên ở đồng chí Đào Duy Tùng phong cách làm việc dân chủ, tư duy khoa
học, biện chứng, độc lập, sáng tạo và sâu sát thực tiễn; lấy lý luận soi sáng
thực tiễn, đồng thời lấy thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận. Trong những
tổng kết lý luận của Đảng đặc biệt là giai đoạn đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng
đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong phương pháp, cách làm: tập hợp,
so sánh, đối chiếu giữa cái cũ và cái mới, giữa những quan điểm, ý kiến khác
nhau; khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn, sau đó thảo luận, tranh luận để
góp phần đề ra những nguyên tắc đổi mới hay đổi mới có nguyên tắc. Đồng chí luôn
tìm tòi cái mới, lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến, đặc biệt là những ý kiến độc
đáo, những ý kiến phản biện và khuyến khích cán bộ mạnh dạn phát biểu ý kiến,
tranh luận. Theo Đồng chí, "Trong quá trình hình thành các quan điểm mới
phải phát hiện được các vấn đề quan trọng có những nhận thức không thống nhất,
thẳng thắn vạch ra các quan điểm khác nhau, nêu một cách khách quan lập luận
của mỗi quan điểm để thảo luận. Trong sinh hoạt của một cấp ủy, một tập thể cán
bộ lý luận,... phải phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ, nói thẳng, nói
thật, không định kiến. Phải lắng nghe những ý kiến khác mình. Ngay những ý kiến
cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ, hoặc ngay những ý kiến mình cho
là không đúng cũng cần bình tĩnh xem có nhân tố gì hợp lý. Đó là sinh hoạt bình
thường trong Đảng". Chính vì vậy, Đồng chí đã tập hợp được đội ngũ cán bộ
có năng lực, phát huy trí tuệ của tập thể góp sức cho sự nghiệp chung.
Đồng
chí Đào Duy Tùng là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn luyện. Với
nhận thức sâu sắc rằng, làm cán bộ tư tưởng, lý luận phải có trình độ văn hóa
tổng hợp nên ngay từ năm 1955, sau khi được đào tạo lý luận cơ bản ở nước
ngoài, vừa công tác đồng chí Đào Duy Tùng vừa theo học lớp đại học tại chức của
Trường Đại học Bách khoa. Đồng chí đã tự đặt cho mình mục tiêu phải đọc hết
những tác phẩm kinh điển của Mác - Lênin. Đồng chí tự học tiếng Pháp để đọc các
tác phẩm kinh điển của Mác chưa dịch ra tiếng Việt. Tài năng công tác tư tưởng,
lý luận của Đồng chí chủ yếu là thành quả của một ý chí tự học: "Học nữa,
học mãi; học trong nhà trường, học trong sách, học trong thực tiễn".
Trong
quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng luôn tỏ rõ đức tính khiêm
nhường, trung thực, giàu lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với
Nhân dân, sống giản dị, nghĩa tình, gần gũi với mọi người và tinh thần hăng hái
làm việc tới hơi thở cuối cùng. Trong công việc, Đồng chí luôn phát huy dân
chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người, đặt niềm tin vào đồng chí, đồng
nghiệp, đã giao việc cho ai thì tin tưởng, động viên, tạo điều kiện và sâu sát
đôn đốc, kiểm tra kết quả công việc.
Cuộc đời hoạt động cách
mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào,
đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy
sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Bảy mươi tư năm tuổi đời,
hơn năm mươi năm hoạt động cách mạng liên tục; bằng tầm nhìn chiến lược, bản
lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, dạn dày, đồng chí
Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân
tộc ta. Đồng chí đã nêu gương sáng về người chiến sỹ cộng sản kiên trung, một
nhà lãnh đạo cao cấp tài năng, đổi mới, của Đảng, có nhiều cống hiến xuất sắc
trên mặt trận tư tưởng, lý luận; một tấm gương về đạo đức cách mạng cao đẹp. Ở
đồng chí Đào Duy Tùng, niềm tin lý tưởng cách mạng luôn dựa trên nền gốc đạo
đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho mục
tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm
100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, là dịp để chúng ta tôn vinh những cống
hiến, đóng góp của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua
đó giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân
tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các
tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu,
nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.