Tháng 7, tháng tri ân,
tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào
cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn
quân ta tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương
binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Theo suốt chiều dài lịch
sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã
được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất
mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Bác Ái là huyện miền núi, vùng
cao của tỉnh Ninh Thuận, được tái lập theo Nghị định số 65/2000/NĐ-CP, ngày
06/11/2000 của Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2001 trên
cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Ninh Sơn và là 01 trong 62 huyện
nghèo của cả nước. Diện tích tự nhiên 102.729,48 ha, chiếm 30,59% diện tích
toàn tỉnh. Toàn huyện có 09 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số toàn huyện là hơn
33.000 người, trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số (chiếm hơn 95%).
Trong hai
cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Bác Ái là “căn cứ
thép” nằm ở cực Nam Trung bộ, là chiến trường vô cùng khắc nghiệt - nơi đụng
đầu giữa một bên là lực lượng quân đội chính qui, nhà nghề với phương tiện
chiến tranh hiện đại của địch và một bên là những người lính áo vải được trang
bị vũ khí thô sơ bằng “súng Trường”, “hầm chông”, “bẫy đá”, “mang cung”,… cùng
với lòng quá cảm, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, sáng tạo tuyệt
vời, …Trong những cuộc đụng đầu đó, quân dân Bác Ái đã viết lên bản trường ca
bất diệt về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí “tự lực tự cường”, đoàn kết một
lòng cùng quân dân trong tỉnh và toàn miền vùng dậy đạp đổ ách thống trị của
bọn cướp nước và bè lũ tay sai, bán nước, góp phần giải phóng đất nước, thống
nhất nước nhà.
Trong các cuộc
kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân dân huyện Bác Ái đã được Đảng, Nhà nước phong tặng
10 tập thể và 04 cá nhân danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, có 345
đồng chí đã anh dũng hy sinh, 51 thương binh, 827 bệnh binh, 1814 đối tượng
hoạt động kháng chiến…Đó là những trang sử được
viết lên bằng xương máu, bằng mồ hôi và cũng đẹp như khúc tráng ca của bao thế
hệ người con Bác Ái hiến dâng trọn đời mình cho Tổ quốc.
Để ghi nhớ và biết ơn các liệt sỹ đã hy sinh cho Tổ quốc,
ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nhân
dân trong huyện đã tiến hành xây dựng các Đài liệt sỹ, quy tập hài cốt liệt sỹ
vào nghĩa trang. Các Đài liệt sỹ được xây dựng rất khang trang và tôn nghiêm.
Trong các dịp lễ tết, nhất là kỷ niệm ngày Thương Binh - Liệt Sỹ, các tổ chức
Đảng, Chính quyền, đoàn thể và mọi tầng lớp nhân dân đều tập trung về đài tưởng
niệm để tưởng niệm các liệt sỹ.

Dâng hương tưởng
niệm các anh hung liệt sĩ tại Đài tượng niệm liệt sĩ huyện
77 năm đã trôi qua, ngày 27/7 hằng năm
trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc. “Đền ơn đáp
nghĩa” tri ân liệt sĩ, thương binh trở thành một phong trào thường xuyên và sâu
rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Đến nay, hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế,
chính sách tôn vinh, ưu đãi, chăm sóc người có công ngày càng được hoàn thiện.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền,
đài liệt sỹ được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn chăm lo. Hệ thống cơ sở vật
chất cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ và người có công ngày càng
được tăng cường. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, diện người
có công được mở rộng, chế độ chăm sóc, ưu đãi được nâng lên dần, chính sách hậu
phương quân đội được thực hiện kịp thời. Cùng với cả nước, những năm qua, cán
bộ và nhân dân trên địa bàn huyện đã và đang tiếp tục quyên góp, ủng hộ xây
dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa"
chăm sóc người có công đã trở thành phong trào rộng khắp trong các tầng lớp
nhân dân. Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi
người về truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người
trồng cây" của dân tộc Việt Nam.
Trong những
năm qua, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan vận động
cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn huyện đóng góp quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ năm 2017 - 2024,
toàn huyện đã vận động xây dựng quỹ "Đền
ơn đáp nghĩa" được trên 2.018 triệu đồng, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa
được 24 căn nhà cho người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 1.516
triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 02 mộ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân 40 triệu
đồng; hoàn thành kế hoạch xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công theo Quyết
định 22/2013 của chính phủ. Ngoài ra Quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh và từ các
nguồn hỗ trợ khác đã hỗ trợ được 35 nhà cho người có công trên địa bàn huyện với
tổng kinh phí 2.050 triệu đồng.
Chiến tranh đã lùi
xa, bom đạn đã nằm yên trong quá khứ, nhưng những di chứng của nó vẫn còn hiện
hữu, những vết thương trên da thịt anh thương binh còn đó, những đứa trẻ dị tật
được sinh ra… Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những bi ai chưa bao
giờ dứt. Nỗi đau đó vẫn còn hiện hữu trong mỗi gia đình thương binh, liệt sĩ.

Tháng 7 về, cũng là
dịp để người dân cả nước hướng về những anh hùng liệt sĩ đã khuất. Mỗi chúng ta
đều trân trọng biết ơn những người đã anh dũng hy sinh trong công cuộc kháng
chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Tháng 7 về cũng là dịp để toàn Đảng,
toàn quân và toàn dân huyện Bác Ái thể hiện lòng tri ân đối với các gia đình
thương binh, liệt sĩ, gia đình có công cách mạng bằng những việc làm cụ thể
thiết thực để xứng đáng sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh. Thông qua
đó, hy vọng sẽ bù đắp phần nào những mất
mát và xoa dịu những nỗi đau mà chiến tranh để lại đối với các gia đình thương
binh, liệt sỹ.
Tháng 7 linh thiêng
tiếng đồng vọng, những nén nhang thành kính, những vòng hoa tri ân dành
cho những người đã ngã xuống hôm qua bằng cả tấm lòng và trái tim nóng ấm
của những người ở lại hôm nay đã nhắc nhớ mỗi người về quá khứ hào hùng đầy hy
sinh của các bậc cha anh đi trước. Đó là phải xây dựng lý tưởng cao đẹp, sống
có văn hóa, có tình có nghĩa, không ngừng học tập, ra sức rèn đức luyện tài, nỗ
lực phấn đấu góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh để đền đáp lại sự
hy sinh to lớn đó.