Công đoàn Việt Nam tiền thân là tổ chức Tổng Công Hội
đỏ Bắc kỳ được thành lập ngày 28/7/1929.
Cuối năm 1924, đầu năm 1925, tại Quảng Châu, đồng chí
Nguyễn Ái Quốc, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam,
Người đặt cơ sở lý luận cho công đoàn Việt Nam đã đề ra tôn chỉ mục đích hoạt
động của Công Hội, đào tạo hàng loạt cán bộ ưu tú trong tổ chức Thanh niên Cách
mạng đồng chí hội mà nòng cốt là Cộng Sản Đoàn. Người cũng đề ra việc “vô sản
hoá” – đi vào các xí nghiệp hầm mỏ, đồn điền để vận động giáo dục công nhân vào
tổ chức Công Hội.
Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” viết năm 1927, Nguyễn
Ái Quốc đã nhấn mạnh tính chất và nhiệm vụ của Công hội là: “Tổ chức Công hội
trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình, hai là để nghiên cứu
với nhau, ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ,
bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân, năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho
thế giới”.
Như một tất yếu của lịch sử, các tổ chức Công hội sơ
khai ra đời; đặc biệt là tổ chức Công hội Đỏ do người công nhân ưu tú Tôn Đức
Thắng (sau này là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) sáng lập đã đáp ứng
yêu cầu cấp thiết của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam những
thập niên đầu thế kỷ 20; tạo một bước ngoặt to lớn trong phong lịch sử trào đấu
tranh của công nhân, đó là chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác,
đã có những đóng góp quan trọng vào phong trào đấu tranh của công nhân thế
giới.
Bằng con đường “Vô sản hoá”, cuối năm 1928, đầu năm
1929, nhiều tổ chức Công hội đỏ được thành lập ở các xí nghiệp vá phát triển,
dần dần được thống nhất thành tổng Công Hội đỏ cấp tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải
Phòng, Nam Định, Hòn Gai).
Lúc bấy giờ, lực lượng công nhân lao động khoảng
221.052 người, chiếm 1,3% dân số cả nước, là thời điểm phong trào công nhân và
hoạt động công hội phát triển sôi nổi, đặc biệt là ở miền Bắc. Sự phát triển
mạnh mẽ của phong trào công nhân và tổ chức công hội đòi hỏi phải có một tổ chức
lãnh đạo.

Ngày 28/7/1929, tại số nhà 15 phố Hàng Nón, Hà Nội,
được sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, các công hội Đỏ địa phương đã
liên kết thành một tổ chức công hội thống nhất là Tổng Công hội Đỏ. Đại hội đã
bầu đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu Ban Chấp hành lâm thời Tổng Công
hội Đỏ Bắc Kỳ và thông qua chương trình, điều lệ của Công hội Đỏ và quyết định
xuất bản tờ báo Lao Động ngày 14/8/1929, đây cũng là một trong những tờ báo có
thời gian tồn tại lâu nhất trong nền báo chí Việt Nam.
Việc thành lập Công hội Đỏ Bắc kỳ có ý nghĩa hết sức
to lớn đối với phong trào công nhân nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối
công vận của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời cũng
đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam. Là cột
mốc quan trọng đối với lực lượng công nhân lao động vì lần đầu tiên có một đoàn
thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí,
nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động, đồng thời góp phần vào sự lớn mạnh
của phong trào công nhân thế giới.
Tiếp đó, các tổng Công Hội đỏ ở miển Trung, miền Nam,
được thành lập. Đến năm 1930, Tổng Công Hội đỏ đã được hoạt động khắp cả nước.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công Đoàn Việt Nam có
nhiều tên gọi khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn: Công Hội đỏ
(1929 – 1935), Nghiệp đoàn Ái Hữu (1936 – 1939), Công nhân Phản Đế (1939 –
1941), Công nhân cứu quốc (1941 – 1945), Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (1946
– 1961), Tổng Công Đoàn Việt Nam (1961 – 1988), Tổng liên đoàn lao động Việt
Nam (1961 đến nay).
Bộ Chính trị ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng Sản
Việt Nam đã quyết định lấy ngày 28/7/1929, ngày họp đại hội thành lập tổng Công
Hội đỏ đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam, làm ngày thành lập Công Đoàn Việt Nam. Đại
hội đại biểu Công Đoàn toàn quốc lần V (tháng 11/1983) họp tại thủ đô Hà Nội đã
nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 làm ngày thành lập tổng liên
đoàn lao động Việt Nam.

Từ năm 1936 – 1939, tổ chức Công hội Đỏ đổi tên thành Nghiệp đoàn Ái hữu và
chuyển sang thời kỳ hoạt động bán công khai. Nhờ sự tổ chức linh hoạt, thích
hợp với tình hình, phong trào công nhân giai đoạn này vẫn phát triển mạnh mẽ.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp đầu hàng
và thỏa hiệp với phát xít Nhật thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến
tranh của nhân dân ta, thủ tiêu các quyền tự do nghiệp đoàn. Trước tình hình
đó, tổ chức Nghiệp đoàn Ái hữu phải rút vào hoạt động bí mật và lấy tên là “Hội
Công nhân phản đế”, năm 1941 đổi thành “Hội Công nhân cứu quốc” làm nòng cốt
cho hoạt động của tổ chức Việt Minh.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
tháng 3/1946, Hội nghị đại biểu Công nhân cứu quốc Bắc Bộ, Trung Bộ và Tổng Công
đoàn Nam Bộ đã quyết định thống nhất về mặt tổ chức trên phạm vi cả nước thành
“Hội Công nhân cứu quốc”. Tháng 6/1946, tại Hội nghị cán bộ Công đoàn cứu quốc
đã đổi tên “Hội Công nhân cứu quốc” thành “Công đoàn”. Ngày 20/7/1946, tại Nhà
hát lớn Hà Nội, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” đã chính thức được thành lập
và được công nhận là thành viên chính thức của Liên hiệp Công đoàn thế giới vào
năm 1949.
Trong những năm đầu đất nước giành độc lập, tổ chức Công đoàn và giai cấp
công nhân Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ và phát
huy thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám, tham gia tích cực vào cuộc Tổng
tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội lần thứ I Công đoàn Việt Nam đã diễn ra từ
ngày 01 – 15/01/1950, đề ra mục tiêu: “Động viên công nhân viên chức cả nước,
nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ kháng
chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi”. Đại hội lần thứ II Công đoàn Việt Nam
được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 – 27/02/1961 đã quyết định đổi tên “Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam” thành “Tổng Công đoàn Việt Nam”. Tiếp đó, đến Đại
hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 16 – 18/11/1983 tại Thủ đô Hà Nội
đã nhất trí lấy ngày 28/7/1929, ngày thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ làm Ngày
thành lập Công đoàn Việt Nam. Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày
17 – 20/10/1988 tại Thủ đô Hà Nội quyết định đổi tên “Tổng Công đoàn Việt Nam”
thành “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”. Trong những năm đầu của thời kỳ đổi
mới, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào
kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm (1986 – 1990), đưa đất nước ta dần thoát khỏi
khó khăn, ổn định đời sống nhân dân và công nhân, viên chức, lao động. Gần đây
nhất chính là Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, họp từ ngày 01 – 03/12/2023 tại
Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra mục tiêu: “Đổi mới tổ chức và hoạt động công
đoàn… Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn
Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở
chính trị – xã hội vững chắc của Đảng và Nhà nước ta”.
Chặng đường 95 năm xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công
đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số
lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần
kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước.

Những bài học kinh nghiệm và nhiệm vụ của tổ chức công
đoàn trong giai đoạn hiện nay
Một là, chủ động tham mưu, nắm chắc và cụ thể hóa kịp
thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù
hợp với nhiệm vụ từng cấp công đoàn và thực tiễn của ngành, địa phương, đơn vị.
Phát huy tốt sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong xây dựng cơ chế
chính sách liên quan đến người lao động, huy động các nguồn lực chăm lo cho
đoàn viên, người lao động và xử lý các tình huống phức tạp, nhạy cảm.
Hai là, coi trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt
động; chủ động, kịp thời thích ứng những thay đổi lớn, vấn đề mới phát sinh từ
thực tiễn; đầu tư cho công tác dự báo, nắm và phân tích tình hình, quan tâm thí
điểm các mô hình mới.
Ba là, tập trung thực hiện tốt chức năng cơ bản,
nhiệm vụ trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp,
chính đáng của đoàn viên, người lao động; phải đầu tư nguồn lực, đổi mới cách
làm, quản trị rủi ro, coi đây là động lực thu hút, tập hợp người lao động gia
nhập và tham gia hoạt động công đoàn.
Bốn là, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là
đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách, chủ tịch công đoàn cơ sở có vai trò
quyết định đối với việc triển khai các chương trình, kế hoạch hoạt động, đặc
biệt là những nội dung mới, khó, phức tạp.
Năm là, xác định đúng, trúng những nội dung trọng
tâm, trọng điểm để tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện, tránh dàn trải, phân
tán nguồn lực. Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời sơ kết, tổng kết
để rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả.
08 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn những năm
tới: (i) Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi
ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của
đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; (ii) Nâng cao hiệu quả công tác
tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; (iii)
Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động
gia nhập Công đoàn Việt Nam; (iv) Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện
đại, lớn mạnh; xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững
mạnh; (v) Nâng cao chất lượng công tác nữ công, thúc đẩy bình đẳng giới, chăm
lo, bảo vệ quyền lợi của lao động nữ; (vi) Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tiếp
tục khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam; (vii) Xây dựng nguồn tài chính
công đoàn đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam;
(viii) Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp để cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai
cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực
hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.