Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ
là cái gốc của mọi công việc”(1), trong suốt quá trình lãnh đạo cách
mạng Việt Nam, Đảng ta luôn coi trọng công tác cán bộ và cán bộ; coi đây là
khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ trọng tâm là: “Tập trung xây
dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất,
năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(2). Từ thực tiễn lịch sử lãnh đạo
và tổ chức của Đảng ta, có thể thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, một mặt khẳng định sức mạnh chính trị to lớn của Đảng trong cải tạo cái
cũ, xây dựng cái mới đối với các lĩnh vực đời sống xã hội; mặt khác, đấu tranh
ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng
viên, đi ngược lại lợi ích, nguyện vọng của nhân dân. Đảng muốn giữ được vai
trò lãnh đạo, được dân tin, dân phục, dân yêu thì Đảng phải vừa là người lãnh đạo,
người đầy tớ trung thành và luôn đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.
Kiểm tra là một khâu trong công tác xây dựng Đảng, có
vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng,
tăng cường sự đoàn kết thống nhất và thực hiện dân chủ trong Đảng. Để đảm
bảo được điều đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra vừa “hồng” vừa
“chuyên” luôn là công việc quan trọng cả trước mắt và lâu dài của công tác cán
bộ nói chung và công tác cán bộ của Ngành Kiểm tra Đảng nói riêng. Trong
thời gian qua, việc bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, chuyên môn nghiệp vụ của cán
bộ kiểm tra luôn là vấn đề được cấp ủy, UBKT các cấp quan tâm, xây dựng. Từ đầu
nhiệm kỳ XI và XII của Đảng đến nay, trình độ, năng lực nhiều mặt của đội ngũ
cán bộ kiểm tra được nâng lên rõ nét. Nhiều việc khó, lĩnh vực khó đã được kiểm
tra, giám sát, vi phạm bị xử lý nghiêm minh, đạt nhiều kết quả tốt, góp phần
quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết
luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm
tra, giám sát của Đảng đến năm 2030 đánh giá: “Chất lượng, hiệu quả công
tác kiểm tra, giám sát được nâng lên, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng,
chỉnh đốn Đảng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng,
củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ”. Thời
gian qua, cùng với việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, giám
sát, cấp ủy, UBKT các cấp đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận
chính trị, kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra, nhất
là cán bộ kiểm tra ở cấp cơ sở.
Về tiêu chuẩn, điều kiện, chuyên môn nghiệp vụ của cán
bộ kiểm tra cần bảo đảm các mặt sau:
Một là, đội ngũ cán bộ kiểm tra luôn gương mẫu, giữ gìn
đạo đức cách mạng và đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, luôn tuyệt đối trung thành
với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh
chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệt tình cách mạng, có tinh thần trách
nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật cao; luôn liêm khiết, trung thực, khách quan,
công tâm, trong sạch, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh. Cán bộ kiểm
tra khi xem xét sự việc, kết luận và đề xuất xử lý vụ việc luôn xem xét
toàn diện đến hoàn cảnh và điều kiện công tác, mặt mạnh, mặt yếu của từng tổ chức
đảng, đảng viên; tôn trọng sinh mệnh của cán bộ, đảng viên và uy tín của tổ chức
đảng; luôn trung thực, khách quan, công tâm, chính xác, thận trọng, chặt chẽ,
thực sự “thấu tình, đạt lý”, không gò ép, không khiên cưỡng, để đối tượng kiểm
tra và tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm phải “tâm phục,
khẩu phục”. Khi tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, xử lý kỷ
luật luôn đảm bảo công minh, chính xác, kịp thời, có lý, có tình; sẵn sàng làm
và chịu trách nhiệm đầy đủ đối với các nội dung tham mưu, về những nội dung
công việc, nội dung thẩm tra, xác minh được giao; thành viên UBKT chịu trách
nhiệm đầy đủ với các kết luận, quyết định mà bản thân tham gia thảo luận, biểu
quyết. Khi xem xét, đánh giá người và việc, cán bộ kiểm tra luôn phải vì
lợi ích của Đảng, của sự nghiệp cách mạng mà nói đúng sự thật, không thiên vị,
không thành kiến, không chen động cơ cá nhân hoặc chạy theo tình cảm riêng tư;
không bị chi phối trước bất kỳ sức ép nào.
Cán bộ kiểm tra luôn mạnh dạn đấu tranh và có phương
pháp phù hợp trong đấu tranh, phê bình; giúp đỡ đồng chí, đối tượng được kiểm
tra nhận thức rõ được đúng sai. Kịp thời cổ vũ mặt tốt, nhân tố mới, bảo vệ những
tổ chức và cá nhân làm đúng và có phương pháp khắc phục mặt xấu, tiêu cực, góp
phần chủ động phòng ngừa vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên. Biết yêu thương,
quý trọng đồng chí nhưng không vì thế mà xuê xoa, bỏ qua một cách tùy tiện đối
với khuyết điểm, sai lầm của đồng chí. Biết nghiêm khắc với khuyết điểm của bản
thân, nhưng biết độ lượng với khuyết điểm của đồng chí; không xa lánh mà luôn gần
gũi giúp đỡ đồng chí khi có khuyết điểm, sai lầm. Tinh thần đoàn kết và tình cảm
cách mạng giúp cán bộ kiểm tra xem xét, kết luận, xử lý vụ việc có lý có tình.
Đồng thời, đây cũng là điều kiện để thực hiện tốt việc phối hợp công tác trong
nội bộ với các ngành, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức
đảng có liên quan, góp phần giúp các cấp ủy, tổ chức đảng có giải pháp đúng đắn
trong việc giải quyết các hiện tượng mất đoàn kết, cục bộ, bảo đảm sự đoàn kết,
thống nhất trong Đảng.
Lòng trung thành và tính gương mẫu của cán bộ kiểm tra
còn được thể hiện ở lập trường kiên định, bản lĩnh chính trị vững vàng, có dũng
khí đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, có tính chiến đấu
cao khi thực hiện nhiệm vụ được giao. Tính chiến đấu được thể hiện ở tinh thần
đấu tranh làm rõ đúng, sai, thấy đúng phải luôn bảo vệ, thấy sai phải đấu
tranh, làm rõ ưu điểm, khuyết điểm, không nể nang, né tránh, không ngại va chạm;
dám hy sinh quyền lợi của bản thân để bảo vệ Đảng, dám bảo vệ chân lý, lẽ
phải. Trong quá trình tiến hành kiểm tra, nếu có vi phạm thì đấu tranh làm rõ nội
dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân của vi phạm và các tình tiết tăng
nặng hoặc giảm nhẹ. Đây là cuộc đấu tranh thẳng thắn, nhiều khi rất quyết liệt
giữa cái đúng, mặt tích cực với cái sai, mặt tiêu cực trong bản thân đối tượng
được kiểm tra, giữa chủ thể kiểm tra với đối tượng được kiểm tra, giữa đảng
viên với đảng viên, giữa đảng viên với tổ chức đảng, giữa tổ chức đảng có thẩm
quyền thi hành kỷ luật với đối tượng bị thi hành kỷ luật và ngay cả đối với
chính bản thân cán bộ và tổ chức tiến hành kiểm tra. Không có tính chiến đấu
cao, không có dũng khí đấu tranh chống tiêu cực, không có quan điểm, lập trường,
bản lĩnh vững vàng, phương pháp thích hợp hoặc bị khuất phục bởi quyền uy, vật
chất, bởi chủ nghĩa cá nhân thì không nhận xét, đánh giá hoặc kết luận được
đúng, sai, ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm.
Trong điều kiện cơ chế thị trường, hội nhập với bên
ngoài, nhiều nhân tố tiêu cực tác động vào đội ngũ cán bộ của Đảng, kể cả đội
ngũ cán bộ kiểm tra. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ
luật của Đảng, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm,
cán bộ kiểm tra thường đối mặt với nhiều tác động tiêu cực (như áp lực từ các mối
quan hệ của đối tượng được kiểm tra - là những cán bộ có chức vụ, quyền hạn, có
nhiều mối quan hệ, thậm chí có nhiều tiền - luôn tìm cách tiếp cận, tác động,
gây sức ép, mua chuộc, tặng quà có giá trị, mời giao lưu, ăn uống...). Yêu cầu
đặt ra là cán bộ kiểm tra phải giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, chấp hành
nghiêm nội quy của Đoàn kiểm tra, giám sát, không ngả nghiêng, dao động trước
tiêu cực, cám dỗ, không bị mua chuộc mới giúp cho các kết luận kiểm tra khách
quan, chính xác. Chấp hành đúng quy định là yêu cầu nghề nghiệp và góp phần tạo
nên uy tín của người cán bộ kiểm tra. Việc bảo đảm đạo đức nghề nghiệp
chính là vấn đề quan trọng trong xây dựng văn hóa của người cán bộ kiểm tra Đảng
nói riêng và văn hóa kiểm tra nói chung.
Hai là, đội ngũ cán bộ kiểm tra có trình độ học vấn, có
năng lực trí tuệ, khả năng và kinh nghiệm thực tiễn ngày càng nâng cao, nắm vững
nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát, có khả năng giải quyết nhiều vụ việc khó
trong thực tế, có chuyên môn toàn diện ở nhiều lĩnh vực, cụ thể như: Công tác
cán bộ; quản lý quy hoạch; bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; quản
lý, sử dụng đất đai; quản lý dự án đầu tư xây dựng; quản lý, khai thác công
trình giao thông; quản lý tài nguyên, môi trường; quản lý tài chính, ngân sách;
quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước; quản lý tài sản công; cổ phần hóa,
thoái vốn nhà nước; giao rừng, cho thuê rừng, quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động
điều tra, xử lý các vụ án; thực hiện quy định những điều đảng viên không được
làm, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển
hóa”...
Cán bộ kiểm tra thực hiện nhiệm vụ theo dõi địa bàn
nhìn chung đã thực hiện nhiệm vụ theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tuân
thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết công việc theo quy định; chấp hành
nghiêm chỉnh chế độ bảo mật, kỷ luật phát ngôn và quy tắc ứng xử trong thực thi
nhiệm vụ; không ngừng củng cố uy tín tại địa bàn; luôn rèn luyện bản lĩnh chính
trị vững vàng, phương pháp công tác tốt, thường xuyên trau dồi kiến thức ở các
lĩnh vực để nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác; nhạy bén, thận trọng,
trung thực, khách quan, công tâm, có chính kiến, dám làm, dám chịu trách nhiệm
trong tham mưu, đề xuất, trong nhận xét, đánh giá về tình hình địa bàn, luôn nỗ
lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ theo dõi địa bàn đã không ngừng
củng cố uy tín tại địa bàn, rèn luyện cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng,
phương pháp công tác tốt, thường xuyên trau dồi kiến thức ở các lĩnh vực để
nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác; nhạy bén, thận trọng, trung thực,
khách quan, công tâm, có chính kiến, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
trong tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá về tình hình địa bàn.
Ba là, đội ngũ cán bộ kiểm tra có tầm hiểu biết kiến thức
ở nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và có vốn sống thực tiễn phong phú. Đội
ngũ cán bộ luôn tìm tòi học hỏi, cập nhật thường xuyên tình hình đời sống chính
trị của thế giới, của đất nước, của lĩnh vực, địa bàn mình được phân công theo
dõi. Cùng với trải qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đội ngũ
cán bộ kiểm tra có kiến thức, hiểu biết nhất định về chính trị, kinh tế - xã hội,
nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến lĩnh vực phụ trách. Cụ thể như đội
ngũ cán bộ Cơ quan UBKT Trung ương hiện nay được UBKT Trung ương phân công theo
dõi hơn 150 địa bàn, từ các địa bàn thuộc quân đội, công an, các bộ ngành, địa
phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các ngân hàng, các đơn vị
sự nghiệp, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, với đa dạng các loại hình, cùng
với việc tham gia nhiều đoàn kiểm tra, giám sát với nhiều nội dung kiểm tra
khác nhau, đội ngũ cán bộ kiểm tra đã không ngừng trưởng thành, có chuyên môn
sâu, có trình độ hiểu biết và kiến thức tổng hợp ở rất nhiều lĩnh vực.
Trong điều kiện thực hiện đổi mới toàn diện đất nước,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ cán bộ kiểm tra nhìn chung luôn đi sâu, đi
sát thực tiễn, tích cực tìm tòi, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm trong công tác
và trong cuộc sống. Nhờ vậy, họ luôn nắm vững đường lối, chính sách, nghị quyết,
chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng và chính sách, pháp
luật của Nhà nước, nhất là những nội dung, quy định có liên quan đến lĩnh vực,
ngành, địa phương, đơn vị được phân công phụ trách để có điều kiện giúp UBKT nắm
chắc các địa bàn, thực hiện tốt công tác giám sát thường xuyên đối với các địa
bàn và giúp UBKT xem xét, kết luận chính xác khi tiến hành kiểm tra, giám sát.
Tầm hiểu biết và vốn sống thực tiễn đã giúp cán bộ kiểm tra tham gia công tác kiểm
tra, giám sát một cách chân thực, khách quan, xem xét các sự việc đúng đắn, phù
hợp, công tâm, chính xác, góp phần giúp cho tổ chức đảng và đảng viên được kiểm
tra, giám sát nhìn nhận đúng thực tế, phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục
khuyết điểm, vi phạm. Đặc điểm của công tác kiểm tra, giám sát là cán bộ kiểm
tra thường tiếp xúc và giải quyết công việc với nhiều tổ chức đảng, cơ quan,
đơn vị, nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần, địa vị xã hội, ở nhiều lĩnh vực,
địa phương, ngành nghề khác nhau. Đội ngũ cán bộ kiểm tra từng trải, có kinh
nghiệm sống, hiểu việc, hiểu người thì sẽ có cách giải quyết, ứng xử đúng đắn,
phù hợp, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, lịch sử trong xem xét con người và
sự việc.
Bốn là, đội ngũ cán bộ kiểm tra có phương pháp làm việc
khoa học, sáng tạo, góp phần quan trọng đảm bảo chất lượng thực hiện nhiệm vụ
kiểm tra, giám sát. Phương pháp làm việc khoa học thể hiện cán bộ kiểm tra
có khả năng tư duy, xem xét, phân tích, đánh giá sự việc, xử lý tình huống…
Đội ngũ cán bộ kiểm tra có kỹ năng nghiệp vụ tốt, cùng
với trình độ nghiệp vụ là yếu tố quyết định chất lược các cuộc kiểm tra, giám
sát, giải quyết các vụ việc. Trình độ nghiệp vụ thể hiện đội ngũ cán bộ kiểm
tra nắm vững và sử dụng thành thạo hệ thống các kỹ năng nghiệp vụ. Với một số
nhiệm vụ cụ thể: (1) Đối với Thư ký của đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm,
ngoài, kiến thức chuyên môn, bao gồm sự hiểu biết về công tác xây dựng Đảng, về
hệ thống chính trị; nắm vững nguyên tắc, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy trình nghiệp vụ, phương pháp tiến hành
cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và có kiến thức chuyên môn về một chuyên
ngành, lĩnh vực cụ thể, thư ký Đoàn có các kỹ năng: Kỹ năng thu thập, tiếp nhận,
quản lý hồ sơ, tài liệu; kỹ năng nghiên cứu, xử lý hồ sơ, tài liệu và tham mưu,
đề xuất; kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý các tình huống; kỹ năng phối hợp và
làm việc nhóm; kỹ năng tổng hợp, phân tích; kỹ năng sử dụng các trang thiết bị
và phần mềm tin học văn phòng; kỹ năng viết và soạn thảo văn bản; lập và nộp
lưu trữ hồ sơ, tài liệu...(2) Đối với thực hiện nhiệm vụ kiểm tra tài chính Đảng,
cán bộ kiểm tra có các kỹ năng như: Kỹ năng khảo sát, nắm tình hình; kỹ năng
tham mưu, đề xuất ý kiến về kế hoạch và biện pháp thực hiện; kỹ năng thu thập,
nghiên cứu, phân tích, xử lý thông tin, bằng chứng; kỹ năng nhận diện, nhạy cảm
với những lĩnh vực dễ xảy ra khuyết điểm, vi phạm, nhạy bén với các vấn đề phát
sinh ở cơ sở, xác định trọng tâm, trọng điểm cần tập trung trong quá trình kiểm
tra tài chính; kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý các tình huống và ra quyết định;
kỹ năng thẩm tra, xác minh; kỹ năng phối hợp tham gia thực hiện công việc, làm
việc theo tổ, nhóm; kỹ năng tổng hợp, phân tích; kỹ năng viết, soạn thảo văn bản,
báo cáo; lập và nộp lưu trữ hồ sơ các cuộc kiểm tra…(3) Đối với cán bộ được
phân công làm Thư ký các kỳ họp của UBKT: Ngoài các kiến thức chuyên môn về
công tác xây dựng Đảng, công tác kiểm tra, giám sát thì các kỹ năng mềm như: Kỹ
năng tiếp nhận và quản lý hồ sơ, tài liệu; kỹ năng xử lý thông tin và tham mưu,
đề xuất; kỹ năng phối hợp thực hiện công việc, làm việc theo nhóm; kỹ năng sử dụng
các trang thiết bị và phần mềm tin học văn phòng; kỹ năng tổng hợp, viết và soạn
thảo văn bản; lập và nộp lưu trữ hồ sơ, tài liệu…
Đội ngũ cán bộ kiểm tra qua thực tiễn công việc và quá
trình đào tạo, bồi dưỡng, có hiểu biết nhất định về tâm lý con người; có khả
năng vận động, thuyết phục, cảm hóa con người. Công tác kiểm tra, giám sát
là công việc nội bộ của Đảng, được tiến hành theo nguyên tắc và phương pháp
công tác Đảng. Đối tượng của công tác kiểm tra, giám sát là con người và tập thể
con người đã qua phấn đấu, trưởng thành để trở thành đảng viên, được Đảng phân
công nhiệm vụ, có vai trò, vị trí nhất định trong xã hội. Cán bộ kiểm tra cần nắm
được tâm lý, tư tưởng, tình cảm của đảng viên được kiểm tra. Đảng viên phạm sai
lầm, khuyết điểm, số đông có tâm lý băn khoăn, hối hận, muốn được tổ chức hiểu
và mong được sự giúp đỡ để sửa chữa tiến bộ, nhưng cũng có những người viện dẫn
nhiều lý do để bào chữa, che giấu sai lầm, khuyết điểm, thậm chí oán trách tổ
chức, có trường hợp định kiến, mặc cảm với cán bộ kiểm tra, cho là “bới lông
tìm vết”, cố tìm cách để xử lý kỷ luật mình… Nếu có khả năng vận động, thuyết
phục và cảm hóa con người sẽ giúp cán bộ kiểm tra phát huy tính tự giác của đối
tượng kiểm tra.
Ngoài những ưu điểm nổi bật của cán bộ kiểm tra, vẫn
còn một số hạn chế, tồn tại trong thực trạng về đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện,
chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ kiểm tra. Đó là: Một số cán bộ còn hạn chế về
tiêu chuẩn, điều kiện, về trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, chưa thực sự
trách nhiệm cao trong công việc, chưa đáp ứng được yêu cầu khó khăn, phức tạp của
công tác kiểm tra, giám sát trong giai đoạn hiện nay. UBKT các địa phương còn một
số hạn chế và khó khăn nhất định trong tiến hành kiểm tra các lĩnh vực kinh tế,
đầu tư công, dự án đầu tư xây dựng, tư pháp, thuế… ở các địa phương.
Cán bộ theo dõi địa bàn còn chưa chủ động, chưa nhận
thức rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình, trách nhiệm chưa cao, phương pháp công
tác chưa tốt, thiếu thông tin toàn diện về tình hình địa phương, đơn vị; chưa
nâng cao vai trò, trách nhiệm, trình độ, năng lực, bám sát địa bàn, chưa chủ động
nắm chắc tình hình và đánh giá đúng hoạt động của tổ chức đảng, đảng viên tại địa
bàn. Cán bộ địa bàn tham dự các cuộc họp ban thường vụ cấp ủy trực thuộc nhưng
không kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong
thực hiện Quy chế làm việc, các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, trong việc
cho chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác để kịp thời cảnh báo, chấn chỉnh,
ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên khi còn manh nha. Khi thiếu sót,
khuyết điểm không được khắc phục, để trở thành vi phạm, cũng không kịp thời đề
xuất UBKT quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc việc chủ động phát
hiện, xác định dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên ở cấp dưới và đề xuất
tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm còn hạn chế. Một số cán bộ địa bàn
chưa phát hiện kịp thời thiếu sót, khuyết điểm, dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng,
đảng viên. Những vấn đề nêu trên dẫn đến không kịp thời, kiên quyết phát hiện,
ngăn chặn một số tổ chức đảng, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt vi phạm
Quy chế làm việc, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng đã dẫn đến cấp ủy buông lỏng
vai trò lãnh đạo; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu giảm sút; để một số nơi người
đứng đầu lạm quyền, vượt thẩm quyền thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành, dẫn
đến vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng và pháp luật, gây hậu quả nghiêm
trọng. Không ít vi phạm diễn ra trong thời gian dài, qua nhiệm nhiệm kỳ, liên
quan đến nhiều cá nhân, nhưng chậm được phát hiện, xử lý; khi đã xảy ra đã làm
thiệt hại lớn tiền, tài sản, ngân sách của Nhà nước, gây hậu quả lớn về kinh tế
- xã hội, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật đảng, chính quyền,
thậm chí bị xử lý hình sự, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và
nhân dân, đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị, gây bức
xúc trong xã hội.
Bên cạnh đó, vẫn có cán bộ kiểm tra có biểu hiện yếu
kém về phẩm chất đạo đức, có tư tưởng ngại và chạm, né tránh đấu tranh; bảo thủ,
trì trệ, hẹp hòi, định kiến cá nhân, nhìn nhận, đánh giá con người theo khuôn mẫu
chủ quan của mình, chỉ thấy mặt hạn chế, khuyết điểm hoặc “yêu nên tốt, ghét
nên xấu”, “có bé, xé ra to”; xem xét, kết luận dựa trên suy diễn chủ quan; có
thái độ thiên vị; hách dịch, quát tháo, truy hỏi đối với đối tượng được kiểm
tra; gây khó khăn, phiền hà cho đơn vị, cá nhân được kiểm tra, giám
sát; lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để tư lợi; có tư tưởng tự mãn, kiêu
ngạo, làm việc tùy tiện, coi thường cấp dưới… Trong công tác giám sát thường
xuyên đối với địa bàn, lĩnh vực được phân công theo dõi còn báo cáo chưa trung
thực, chưa đầy đủ về tình hình địa bàn, thậm chí che giấu sự việc, gây khó
khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong quá trình thực thi nhiệm vụ tại địa bàn, lợi
dụng chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác để vụ lợi cho mình và người thân hoặc
có hành vi vi phạm liên quan đến địa bàn được phân công theo dõi.
Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác kiểm
tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, UBKT và đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp
cần xác định tốt ý chí quyết tâm, phát huy cao độ vai trò, trách nhiệm, phấn đấu
hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, tích cực góp phần xây dựng đội ngũ
cán bộ kiểm tra các cấp có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch,
vững mạnh. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của Cách mạng, công tác
cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì
vậy, cán bộ kiểm tra phải là những chiến sĩ kiên cường, có bản lĩnh, nắm chắc
các cơ chế, chính sách, Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng và Nhà nước.
Kiểm tra là một nghề, người cán bộ kiểm tra muốn trụ vững với nghề phải giỏi
chuyên môn, nghiệp vụ, giữ vững lý tưởng, đạo đức cách mạng, bản lĩnh
chính trị đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình
hình mới.
Theo ubkttw.vn
-------------------------------------
Chú
thích:
(1)
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự Thật, xuất bản lần thứ
3, H, 2011, t.5, tr. 309.
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ
XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 230.