Trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm qua tổ chức Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII, ngày 11/5/2022, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ra Quyết định số 9085-QĐ/HVCTQG ban hành Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Quy chế năm 2022). Các quy định cơ bản của Quy chế năm 2022 là sự kế thừa các quy định trong Quy chế Hội thi giảng viên dạy giỏi các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương lần thứ VII (ban hành kèm theo Quyết định số 1269-QĐ/HVCTQG ngày 13/3/2018 của Giám đốc Học viên chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) (sau đây gọi tắt là Quy chế năm 2018). Tuy nhiên nếu so sánh với Quy chế năm 2018, Quy chế năm 2022 có những điểm được bổ sung, làm rõ, quy định mới.
Thứ nhất tên Quy chế năm 2022 ngắn gọn hơn Quy chế năm 2018, bỏ “các trường cán bộ của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương” nhưng nội hàm của Quy chế vẫn áp dụng cho các trường được giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị.
Thứ hai về bố cục, Quy chế năm 2022 được bố cục gồm có 5 chương 36 điều trong khi đó Quy chế năm 2018 được trình bày gồm 6 chương 22 điều. Tên của các chương của Quy chế năm 2022 cũng có nhiều sự thay đổi so với tên chương của Quy chế năm 2018. Quy chế năm 2022 được bố cục: chương I Quy định chung, chương II Hội thi toàn quốc, chương III Hội thi cấp trường, chương IV Khen thưởng, kỷ luật, khiếu nại, tố cáo, chương V Điều khoản thi hành, trong khi đó quy chế năm 2018 lại được bố cục: chương I Quy định chung, chương II Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng Giám khảo, Tổ ra đề thi viết và Tổ thư ký, chương III Tổ chức thi, chương IV Đánh giá kết quả và xếp hạng danh hiệu, chương V Khen thưởng, kỷ luật và thông báo kết quả hội thi, chương VI Điều khoản thi hành. Như vậy về mặt bố cục, Quy chế năm 2018 được trình bày theo trình tự tổ chức hội thi, còn Quy chế năm 2022 được trình bày theo quy mô tổ chức hội thi.
Thứ ba về phạm vi điều chỉnh, Quy chế năm 2022 quy định cụ thể không chỉ tổ chức Hội thi cấp toàn quốc mà còn đưa ra các quy định tổ chức Hội thi ở cấp trường (Quy chế năm 2018 chỉ quy định Hội thi ở cấp toàn quốc). Theo đó Quy chế năm 2022 quy định cụ thể các vấn đề tổ chức Hội thi cấp trường trong chương III, trong đó có các điều quy định cụ thể từ các ban của Hội thi, tổ chức Hội thi đến đánh giá, xếp loại, thông báo kết quả Hội thi, trong đó lưu ý giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp trường cũng phải tham gia đầy đủ các hình thức thi như tham gia Hội thi cấp toàn quốc gồm thi viết, thi giáo án, thi giảng và xếp loại danh hiệu bên cạnh điểm thi của ba phần còn phải căn cứ vào điểm công trình nghiên cứu khoa học. Quy chế năm 2022 chỉ áp dụng đối với giảng viên giảng dạy theo Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, không áp dụng cho giảng viên giảng dạy Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính như đã quy định trong Quy chế năm 2018.
Thứ tư về mục đích của Hội thi, nếu Quy chế năm 2018 chỉ đưa ra hai mục đích thì Quy chế năm 2022 đưa ra ba mục đích, trong đó mục đích thứ nhất nhấn mạnh đây là một phương thức để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn (Quy chế năm 2018 nhấn mạnh là phương thức để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu chung của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế); mục đích thứ hai làm rõ hơn với việc bổ sung vấn đề Hội thi tạo động lực cho giảng viên phấn đấu, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ; mục đích thứ ba là điểm mới được bổ sung Hội thi nhằm góp phần thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, nghiên cứu tốt, tạo diễn đàn để cán bộ, giảng viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học.
Thứ năm về yêu cầu của Hội thi, Quy chế năm 2022 chỉ đưa là một yêu cầu duy nhất (Quy chế năm 2018 đưa ra 3 yêu cầu) trong đó ngoài các yêu cầu việc tổ chức Hội thi phải có tác dụng giáo dục, động viên giảng viên trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu như được quy định trong Quy chế năm 2018 còn bổ sung tác dụng tuyên truyền cho giảng viên.
Thứ sáu về tổ chức Hội thi toàn quốc.
Về quy định Ban Chỉ đạo Hội thi, Quy chế năm 2022 quy định rõ Phó Trưởng ban thường trực là một đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bỏ ủy viên thường trực (Quy chế năm 2018 có ủy viên thường trực, không quy định Phó Trưởng ban thường trực). Về quy định Ban Tổ chức Hội thi, Quy chế năm 2022 quy định rõ đồng chí Phó Trưởng ban thường trực làm trưởng ban (Quy chế năm 2018 quy định là một đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) và nhiệm vụ quyền hạn bổ sung một điểm mới là đề xuất danh sách giảng viên dự thi đạt danh hiệu giảng viên dạy xuất sắc, dạy giỏi để Giám đốc Học viện tặng Bằng khen. Về quy định Hội đồng Giám khảo hội thi, Quy chế năm 2022 quy định cụ thể Phó chủ tịch Hội đồng là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Hội thi (Quy chế năm 2018 quy định Phó chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Các trường chính trị). Về quy định tổ ra đề thi viết, Tổ trưởng theo Quy chế năm 2022 được chỉ định là Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Hội thi (Quy chế năm 2018 chỉ quy định là một đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Như vậy trong quy định về các ban để tổ chức Hội thi, Quy chế năm 2022 được xây dựng theo hướng tăng cường vai trò lãnh, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Ban Giám đốc của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trong đó có sự chỉ đạo xuyên suốt của một đồng chí Phó Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được phân công làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Hội thi.
Về các quy định tổ chức thi, trong thành phần dự thi Quy chế năm 2022 quy định thống nhất tất cả các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cử 2 giảng viên, còn các trường có nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cử 1 giảng viên, chỉ riêng trường đăng cai tổ chức Hội thi mới được cử thêm 1 giảng viên (trong Quy chế 2018 quy định việc cử thêm 1 giảng viên có ưu tiên đối với trường ở thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa). Thời gian tổ chức Hội thi được quy định trong Quy chế năm 2022 có sự thay đổi từ 3 năm/1 lần theo Quy chế năm 2018 thành 2 lần/5 năm. Về hồ sơ dự thi, Quy chế năm 2022 tách một số điều có liên quan trong Quy chế năm 2018 thành một điều riêng là Điều 9 Hồ sơ đăng ký dự thi. Quy định về nội dung thi viết, Quy chế năm 2022 quy định rõ bên cạnh kiến thức cập nhật về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn là kiến thức về các quy chế, quy định đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học của trường chính trị cấp tỉnh do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành, đồng thời quy định rõ Học viện sẽ gửi định hướng nội dung thi viết cho các trường trước thời điểm diễn ra Hội thi ít nhất 30 ngày (Quy chế năm 2018 không quy định điều này).
Về các quy định khen thưởng, kỷ luật, như đã trình bày ở trên điểm mới về phạm vi điều chỉnh do đó Quy chế năm 2022 bổ sung thêm quy định khen thưởng, kỷ luật của Hội thi được tổ chức ở cấp trường.
Tóm lại, so với Quy chế năm 2018, Quy chế năm 2022 có một số điểm mới mà các Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường được giao nhiệm vụ đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cần lưu ý để phổ biến, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường. Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy Quy chế năm 2022 ban hành các quy định cơ bản rõ ràng, tạo hành lang pháp lý cho Hội thi cấp trường và Hội thi cấp toàn quốc diễn ra. Tuy nhiên trong Quy chế năm 2022 theo tôi ở phần Hội thi cấp trường chưa quy định rõ về điểm cụ thể của công trình nghiên cứu khoa học để xếp danh hiệu “giảng viên dạy giỏi”, “giảng viên dạy xuất sắc” cấp trường vì thời gian diễn ra Hội thi toàn quốc là 5 năm/2 lần còn Hội thi cấp trường 1 năm/1 lần, không thể lấy điều kiện của Hội thi cấp toàn quốc để áp dụng cho Hội thi cấp trường. Vì vậy để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các trường tiến hành Hội thi cấp trường đạt hiệu quả, Học viện cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này./.
ThS.Trần Thị Thu Hường
[GV.Khoa Xây dựng Đảng, Đoàn thể]