Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường Chính trị góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh Ninh Thuận hiện nay

Trải qua 30 năm, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận đã không ngừng trưởng thành và phát triển. Quá trình hoạt động của Trường đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cho các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ. Trước yêu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời kỳ đổi mới, Trường Chính trị có vai trò quan trọng, đảm nhận nhiệm vụ là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ duy nhất của tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Ninh Thuận nói riêng, cả nước nói chung. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh thuận xác định là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh.

         Trong những năm qua, Trường Chính trị Ninh Thuận luôn thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương và đạt được những kết quả quan trọng. Trong 30 năm, Trường đã đào tạo 105 lớp Trung cấp Lý luận Chính trị và tương đương với 6.046 học viên; đồng thời, phối hợp, liên kết với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các Trường đại học, các Viện, các Trung tâm đào tạo tổ chức 52 khóa đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị từ bậc Cao học, Đại học, cao cấp đến trung cấp với 4.797 học viên và  tổ chức 837 lớp bồi dưỡng với trên 74.331 lượt học viên. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng ở Trường luôn thực hiện nghiêm các quy định về đào tạo, bồi dưỡng, các bộ Quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị từng bước được đổi mới theo hướng phù hợp với đối tượng người học. Đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng giảng dạy. Kết quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị của Trường đã góp phần quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân ở cơ sở có kiến thức lý luận, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống, nghiệp vụ công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể giao.

         Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng về thực chất là quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng, phương thức làm việc, phục vụ cho nhu cầu công việc của các chức danh lãnh đạo, quản lý. Như vậy, quy trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức bao gồm nhiều yếu tố cấu thành như: Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng; Phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng; Đội ngũ giảng viên với phương pháp đào tạo, bồi dưỡng; Các điều kiện bảo đảm thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng. Sau 30 năm xây dựng và phát triển, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận xét theo các yếu tố trên đã đạt được những kết quả chính sau:

         Về nội dung, chương trình, Trường Chính trị Ninh Thuận đã tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị cho cán bộ cấp cơ sở và cán bộ dự nguồn quy hoạch theo các quyết định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhìn chung các chương trình này đã đáp ứng yêu cầu cơ bản đào tạo cán bộ cấp cơ sở. Với hạt nhân là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước,v.v.. nên đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị không chỉ trang bị thế giới quan khoa học, phương pháp luận biện chứng mà còn giúp đội ngũ cán bộ nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng trong mỗi giai đoạn cách mạng. Thông qua giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị để cán bộ, đảng viên có được nhận thức đúng đắn thế giới khách quan và có phương pháp phù hợp trong cải tạo thực tiễn, tránh sai lầm, mất phương hướng. Thông qua quá trình được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, mỗi cán bộ, công chức có thể hiểu được những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; hiểu được sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với chủ nghĩa Mác-Lênin trong quá trình đổi mới đất nước. Qua đó giúp cán bộ, đảng viên nâng cao bản lĩnh cách mạng, củng cố niềm tin; nỗ lực phát triển bản thân, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nội dung, chương trình bảo đảm gắn “lý luận với thực tiễn”. Trường Chính trị tỉnh đã phối hợp với một số cơ sở đào tạo có uy tín xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng và cơ bản mang tính cập nhật, thiết thực, được người học đánh giá cao.

         Về phương thức đào tạo, bồi dưỡng, trong những năm qua Trường Chính trị tỉnh đã thực hiện đa dạng hóa các hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng, thể hiện sự linh hoạt nhạy bén trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trường kết hợp mở lớp tại cơ sở và tại trường. Tuy nhiên, việc đào tạo, bồi dưỡng vẫn còn mất cân đối. Đào tạo tập trung chưa cân đối với đào tạo không tập trung. Giữa hai mảng đào tạo và bồi dưỡng thì phần đào tạo có được chú ý hơn phần bồi dưỡng.

         Công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, Trường Chính trị đã phối hợp với các Ban, Ngành trong tỉnh và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm luôn được Trường quan tâm, chú trọng. Kế hoạch được triển khai xây dựng từ quý 3 của năm trước trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các Sở, Ngành, địa phương cũng như cân đối khả năng đáp ứng của đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của Trường. Trong quá trình xây dựng kế hoạch luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành có liên quan như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội Vụ; Ban Thường vụ các huyện thành thị ủy. Vì vậy, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của Trường được Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt luôn sát với nhu cầu thực tế, tiến độ và chất lượng thực hiện được bảo đảm. Việc quản lý, đánh giá học viên được thực hiện nghiêm túc theo quy chế. Nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật học tập của học viên thông qua cơ chế đánh giá, khen thưởng, kỷ luật nghiêm túc, công minh, công khai, khách quan.

         Về đội ngũ giảng viên với phương pháp giảng dạy, số lượng giảng viên, giảng viên kiêm chức Trường Chính trị Ninh Thuận hiện có 22 giảng viên và giảng viên kiêm chức, trong đó có 01 Tiến sỹ, 13 Thạc sỹ; 01 giảng viên cao cấp, 03 giảng viên chính. Tất cả các giảng viên đều được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, phương pháp giảng tích cực. Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các Ban, ngành trong tỉnh, Trường Chính trị thường xuyên cử giảng viên đi đào tạo, đào tạo lại, tập huấn cập nhật chuyên môn, nâng cao trình độ,  phương pháp giảng dạy. Do vậy, chất lượng đội ngũ giảng viên ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Có thể nói, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp đổi mới; có phẩm chất chính trị, có đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm; yêu nghề, gắn bó với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh. Tuy nhiên, cơ cấu ngành chuyên môn còn bất cập, kiến thức thực tiễn ở một số cán bộ giảng viên còn hạn chế. Một số ít còn hạn chế ở phương pháp giảng dạy.

         Về cơ sở vật chất của Trường chính trị Ninh Thuận, được sự quan tâm trực tiếp của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các Ban ngành trong tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận đã có được hệ thống phòng học đáp ứng cơ bản cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhất là trong điều kiện tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng cao, cơ sở vật chất của Trường đang xuống cấp, trang thiết bị phục vụ dạy và học chưa tương xứng so với yêu cầu, so với nhiều tỉnh bạn thì cơ sở vật chất, kỹ thuật của Trường Chính trị còn hạn chế, chưa đáp ứng đào tạo, bồi dưỡng tập trung.

         Từ thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ cấp cơ sở của Trường Chính trị Ninh Thuận, để nâng cao chất lượng công tác này cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

         Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Căn cứ vào các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh liên quan đến công tác cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Trường để tiếp tục tham mưu, phối hợp tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cấp ủy các cấp, lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về vị trí, vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; về ý thức, trách nhiệm, tinh thần học tập cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; ban hành các Quy định, Quy chế, Chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Tham mưu công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành để đảm bảo tính nghiêm túc, hiệu lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Trung ương và Tỉnh bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với tình hình của giai đoạn mới.

         Hai là, tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Theo Văn kiện Đại hội XIII “đổi mới căn bản nội dung chương trình, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo hướng khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn” nhằm khắc phục cả nội dung chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đồng thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đất nước sau 35 năm đổi mới phải bổ sung, cập nhật cho phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị ở các trường Chính trị hiện nay có vai trò quan trọng góp phần vào sự thành công trong công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết, đường lối của Đảng, nhất là đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để thực hiện được đều đó, đòi hỏi nội dung, chương trình cũng như người giảng viên phải thường xuyên đổi mới, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ lý luận khoa học, thường xuyên đổi mới các phương pháp giảng dạy và đặc biệt phải lồng ghép quá trình giảng dạy lý luận gắn với đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của thù địch, truyền tải đến học viên những kiến thức cơ bản, kiến thức thực tiễn dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hành.  Thực tiễn luôn vận động, biến đổi, hơn nữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, do vậy chúng ta không thể không đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp cơ sở nói riêng. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, phương pháp giáo dục đào tạo cũng phải thay đổi để phát huy vai trò người học, đổi mới sáng tạo để ngày càng thực chất và hiệu quả. Chú trọng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần căn cứ theo tiêu chuẩn nghiệp vụ công chức, viên chức và tập trung vào từng chức danh, vị trí việc làm để bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng phù hợp, thiết thực. Do vậy, cùng với các Trường chính trị khác trong cả nước, Trường Chính trị Ninh Thuận tiếp tục đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với hệ Trung cấp lý luận chính trị. Trường Chính trị chủ động soạn thảo, cập nhật các nội dung liên quan đến địa phương bảo đảm gắn thực tiễn địa phương.

         Ba là, tiếp tục đa dạng hóa phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ, công chức là đội ngũ cán bộ vừa lãnh đạo, quản lý vừa tổ chức thực hiện, do vậy nên kết hợp hài hòa các hình thức, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này. Nghiêm túc thực hiện các quy chế, quy định quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành; thực hiện đầy đủ hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các quy định của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác phối hợp với các Học viện, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Căn cứ đặc thù công việc của đội ngũ cán bộ, công chức để kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp về mặt thời gian. Cần chú ý tuyển sinh những đối tượng tương đồng về trình độ, về kinh nghiệm,v.v.. sắp xếp vào một lớp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch tổ chức lớp tại một số huyện đặc thù.

         Bốn là, xây dựng đội ngũ giảng viên. Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cho nên về lâu dài phải xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu lứa tuổi, cơ cấu giới tính, bảo đảm tính kế thừa liên tục. Cần có kế hoạch tuyển chọn giảng viên bảo đảm công tác lâu dài, cho đi đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ nếu có thể. Có kế hoạch cử giảng viên đi thực tế về các huyện, xã một thời gian để tăng hiểu biết thực tiễn địa phương. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ đội ngũ giảng viên trẻ trong học tập nâng cao trình độ. Đồng thời, cũng cần xem xét xây dựng hệ thống chế độ, chính sách thống nhất cho các trường chính trị tỉnh, thành phố về chế độ lương, chế độ phụ cấp giảng viên và đặc biệt là công chức hành chính làm việc ở Trường không phải là giảng viên.

         Năm, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Tiến hành thống kê, kiểm kê, phân loại các tài sản, trang thiết bị dạy học để thanh lý và trang bị mới kịp thời. Triển khai kế hoạch nâng cấp, sửa chữa lại khu làm việc, hội trường tương xứng một trường đào tạo cán bộ, công chức của tỉnh; đảm bảo các trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập, sinh hoạt với chất lượng ngày càng cao. Về lâu dài, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần có kế hoạch đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu tại trường đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh.

         Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức không chỉ góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu của nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp mà còn tác động tích cực, mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh. Trước yêu cầu về nhiệm vụ ngày càng cao của sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, những năm qua, Trường chính trị Ninh Thuận đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tháo gỡ kịp thời những “nút thắt”, bất cập để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nâng cao chất chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên từng bước sẽ nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền [Phó Hiệu trưởng]




Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 466
  • Trong tuần: 676
  • Tất cả: 140 705
Đăng nhập