Hiện nay, Khoa được giao nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy phần Nhà nước và Pháp luật; Quản lý hành chính nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho các lớp Trung cấp lý luận Chính trị; Giảng dạy chương trình quản lý nhà nước ngạch Chuyên viên và Chuyên viên chính; Tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng ngắn hạn do Sở Nội vụ phối hợp với Trường; Thực hiện nghiên cứu thực tế do Trường tổ chức; các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, tham gia biên soạn bài giảng cho học phần E.I của chương trình Trung cấp Lý luận Chính trị năm 2021; Tổ chức dự giờ, thao giảng cấp khoa; Quản lý và đánh giá giảng viên trong hoạt động chuyên môn và các hoạt động khác của giảng viên; Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Ban Giám hiệu.
Về cơ cấu tổ chức: Hiện nay, Khoa có 06 giảng viên, trong đó có 02 Thạc sỹ và 04 Cử nhân; chức danh nghề nghiệp: 01 giảng viên chính và 05 giảng viên.
- Các đồng chí Trưởng Khoa qua các thời kỳ:
+ Đồng chí Đinh Gia Lâm: 1994-2013;
+ Đồng chí Lưu Tích Thái Hòa: 2014 đến nay;
- Các đồng chí Phó Trưởng Khoa qua các thời kỳ:
+ Đồng chí Đinh Thị Hoa: 2001-2008;
+ Đồng chí Trương Tiến Hưng: 2009-2010;
+ Đồng chí Lưu Tích Thái Hòa: 2012-2014.
+ Đồng chí Nguyễn Thị Lan Đan: 2012-2016;
Trải qua 30 năm từ khi tái lập tỉnh đến nay, Khoa tham gia giảng dạy 105 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính và lý luận chính trị; 49 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên; 09 lớp Bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; 08 lớp bồi dưỡng ngạch cán sự; 01 lớp bồi dưỡng tiền công vụ; 01 lớp bồi dưỡng sinh viên tăng cường về xã và 01 lớp bồi dưỡng cho tri thức trẻ theo đề án 30a; một số lớp quản lý nhà nước về kinh tế. Ngoài ra, còn tham gia giảng dạy lớp bồi dưỡng Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp qua các nhiệm kỳ.
Cùng với công tác giảng dạy, các giảng viên trong khoa đã tham thực hiện 06 đề tài khoa học cấp Trường với các chủ đề: “Thực trạng và một số đề xuất, kiến nghị về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các xã đồng bằng tỉnh Ninh Thuận”; “Nâng cao hiệu quả hoạt động của chức danh chủ tịch, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân các xã đồng bằng huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận”; Nâng cao hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã huyện Bác Ái”; “Cải cách thủ tục hành chính ở một số xã thuộc huyện Ninh Phước. Thực trạng và giải pháp”; “Đổi mới phương pháp giảng dạy tích cực ở Trường chính trị Ninh Thuận”; tham gia nhánh đề tài: “Xây dựng Bộ ngân hàng đề thi các phần học trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính năm 2014”,v.v..
Các đề tài nghiên cứu đều tập trung các nội dung thiết thực, sát với vấn đề thực tiễn đặt ra ở cơ sở. Nhằm góp phần cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn mới đang đặt ra cần tiếp tục bổ sung, làm rõ và phát triển dưới góc độ khoa học nhà nước và pháp luật. Những kết quả trong nghiên cứu khoa học đã góp phần bổ sung, cập nhật những vấn đề thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy trong các chương trình đào tạo và là tài liệu tham khảo cho cấp cơ sở. Ngoài ra, các giảng viên còn tham gia viết các bài hội thảo khoa học cấp trường, giải pháp công tác, thông tin lý luận và thực tiễn và một số bài đăng tạp chí chuyên ngành,v.v..
Trong công tác nghiên cứu thực tế: Khoa chú trọng đến công tác nghiên cứu thực tế ở cơ sở, xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng góp phần nâng cao chất lượng trong hoạt động chuyên môn của đội ngũ giảng viên. Vì vậy, Khoa đã xây dựng nội dung nghiên cứu thực tế ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chuyên môn nhằm cung cấp cho giảng viên những tư liệu sống động, những kỹ năng xử lý tình huống, từ đó giúp cho giảng viên tự tin hơn khi đứng trên bục giảng và vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình. Qua đó tạo được niềm tin và sự hưng phấn cho người học, tạo cho không khí buổi lên lớp sinh động và hấp dẫn hơn. Trong những năm qua, hầu hết giảng viên đều vượt định mức giờ nghiên cứu thực tế/năm.
Công tác thao giảng, dự giờ, giảng viên của Khoa đã chủ động, tích cực tham gia thao giảng cấp khoa, cấp Trường, cấp Học viện. Kết quả thao giảng, giảng viên đều đạt loại khá, giỏi cấp khoa; 04 giảng viên đạt loại giỏi cấp Trường và cấp Học viện (trong đó có 01 giảng viên đạt loại xuất sắc cấp Học viện).
Với những thành tích đạt được là do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Phòng, Khoa; Sự phấn đấu nỗ lực của tập thể giảng viên của Khoa. Lãnh đạo Khoa luôn theo sát, nghiêm túc trong công tác quản lý, thường xuyên nhắc nhở các giảng viên trong Khoa thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, số lượng giảng viên đủ điều kiện đứng lớp còn chiếm tỷ lệ thấp; thời lượng chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Khoa tương đối cao. Do đó, dẫn đến tình trạng quá tải, nên phần nào ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của Khoa.
Qua 30 xây dựng và phát triển của Khoa, tập thể Khoa Nhà nước và Pháp luật được Trường tặng Giấy khen và Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào các năm 1993-1999, 2001, 2002, 2004, 2005, 2007, 2010, 2011, 2013, 2014, 2015, 2017, 2018.
Để tiếp tục xây dựng khoa Nhà nước và Pháp luật ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu các tiêu chí xây dựng Trường Chính trị chuẩn cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, Khoa tranh thủ và bám sát sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hai là, giảng viên phải là những tấm gương sáng để học viên noi theo và có bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm, tận tụy vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.
Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên. Bởi giảng viên trường chính trị nói chung và giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật nói riêng hầu hết đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, mà một trong những tiêu chuẩn của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng chính là phải suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, với tư cách là một đảng viên, đòi hỏi người giảng viên phải là người nêu gương về niềm tin cộng sản, tin vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, không dao động trước những khó khăn hoặc trước những luận điệu xuyên tạc của các lực lượng phản động,v.v.. để từ đó kịp thời định hướng tư tưởng đúng đắn cho học viên, giúp học viên xác định đúng mục đích, động cơ tính thần, thái độ và phương pháp học tập.
Ba là, Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên có vai trò hết sức quan trọng, bởi không chỉ khẳng định vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ giảng viên trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng mà còn là điều kiện đảm bảo cho đội ngũ giảng viên từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy theo phương châm phải sâu về kiến thức, mở rộng về thực tiễn. Vì vậy, cần tập trung đào tạo sau đại học đúng chuyên ngành (Luật, quản lý hành chính nhà nước); Chú trọng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên thông qua đào tạo trung cấp lý luận chính trị, cao cấp lý luận chính trị; Bồi dưỡng các phương pháp dạy học tích cực, phương pháp giảng dạy kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, chuyên viên chính cho đội ngũ Giảng viên. Vì đối tượng của đào tạo, bồi dưỡng là công chức, viên chức đang thực thi công vụ trong khu vực công, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm trong công tác và thực tiễn, do vậy giảng viên phải thường xuyên nâng cao phương pháp giảng dạy tích cực phù hợp với đối tượng theo hướng lấy học viên làm trung tâm, tăng cường trao đổi, thảo luận, xử lý tình huống quản lý nhà nước nảy sinh từ thực tiễn.
Bốn là, Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế: Giảng viên trong khoa phải tự ý thức được tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển nghề nghiệp của mình, tìm hiểu và nắm rõ nội dung quy chế hoạt động khoa học; phải xác định nghiên cứu khoa học chính là nhiệm vụ bắt buộc thường xuyên đối với giảng viên, từ đó giúp từng cá nhân tự giác, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Giảng viên phải chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học của từng năm dựa trên kế hoạch của Nhà trường, và phù hợp với chuyên môn, nhu cầu của bản thân; tham gia viết bài Hội thảo đăng tạp chí Trung ương, địa phương. Giảng viên phải chủ động đăng ký đề tài khoa học cấp trường, nội dung đề tài phải đảm bảo hàm lượng tri thức khoa, lý luận gắn với vấn đề thực tiễn đặt ra trong cuộc sống. Để thực hiện vấn đề này giảng viên phải có sự đầu tư, phân bổ thời gian hợp lý cho công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đề tài.
Với truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật Trường Chính trị Ninh Thuận luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo khắc phục khó khăn, phấn đấu rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp để cùng với nhà trường hướng tới đảm bảo đủ tiêu chí Trường chính trị chuẩn vào năm 2025.