Đoàn viên chức và học viên Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận về thăm di tích lịch sử Côn Đảo

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học và nghiên cứu thực tế hàng năm, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức cho đoàn giảng viên và học viên của Trường đến nghiên cứu thực tế tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoàn nghiên cứu thực tế do ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo và viên chức của trường và tập thể lớp Trung cấp Lý luận chính trị - Hành chính hệ không tập trung khóa 51 cùng tham gia.

         Côn Đảo là một quần đảo ở ngoài khơi bờ biển Nam Bộ và là đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Về mặt hành chính, Côn Đảo là huyện duy nhất của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không có đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Dưới cấp huyện có 09 Khu dân cư với dân số khoảng 11.000 người. Đến với Côn Đảo sẽ có rất nhiều điểm để tham quan, học tập.

         Ngày thứ nhất của chuyến nghiên cứu, Đoàn tập trung ở cầu Cảng của Bộ đội Biên phòng Sóc Trăng (tại cảng Trần Đề) để lên tàu cao tốc Superdong ra Côn Đảo. Đây là một trải nghiệm thú vị đối với tất cả các thành viên của đoàn, nhất là những thành viên lần đầu được đi tàu ra đảo. Tàu cập cảng Bến Đầm của huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) bắt đầu hành trình nghiên cứu thực tế và khám phá Côn Đảo.

         Điểm đầu tiên Đoàn đến tham quan là miếu thờ thứ phi Hoàng Phi Yến (vợ của vua Nguyễn Ánh). An Sơn Miếu (miếu Bà) nằm cách trung tâm Côn Đảo khoảng 2km về phía Tây Nam. Miếu Bà là một trong rất ít di sản văn hóa dân gian ở Côn Đảo và là một trong hai người phụ nữ (Hoàng Phi Yến và liệt sĩ Võ Thị Sáu) được Nhân dân địa phương tôn sùng như bậc thánh nữ linh thiêng. Tiếp theo đó, đoàn tham quan bảo tàng Côn Đảo, đoàn được nghe thuyết minh về lịch sử hình thành và phát triển của Côn Đảo, về lịch sử đấu tranh của các chiến sỹ cách mạng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “Địa ngục trần gian”. Nơi đây vẫn lưu giữ được những hình ảnh, chân dung của những sĩ phu yêu nước, những chiến sỹ cách mạng bị giam cầm, tra tấn, đày đọa trong một chế độ nhà tù khắc nghiệt nhất Đông Dương, song họ vẫn giữ được khí tiết của những người yêu nước, của những người Cộng sản. 

         Buổi tối đầu tiên ở Côn Đảo đoàn được đến viếng thăm nghĩa trang Hàng Dương. Nghĩa trang Hàng Dương Côn Đảo có diện tích 190.000m2, chia làm 4 khu: A, B, C, D là nơi yên nghỉ của hàng nghìn những chiến sĩ kiên trung như: Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Cừ, Võ Thị Sáu,v.v.. Tại đây, chúng tôi đã được tận tay thắp những nén hương, thành kính trước anh linh các anh hùng liệt sỹ.

         Ngày thứ hai của chuyến nghiên cứu, Đoàn có cuộc hành trình đến thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo - là nơi đã từng giam cầm và đày ải gần 20.000 chiến sĩ cách mạng trên Côn đảo. Những người Cộng sản kiên trung đã bị bọn quản ngục dùng đủ đòn để tra tấn, bạo hành nhưng không hề nao núng tinh thần, nhụt chí. “Địa ngục trần gian” này là một chuỗi hệ thống các cụm công trình như: Trại Phú Hải Côn Đảo, Trại Phú Sơn Côn Đảo, chuồng cọp kiểu Pháp, chuồng cọp kiểu Mỹ, khu biệt lập chuồng bò, trại Phú Hưng Côn Đảo, trại Phú Phong Côn Đảo, trại Phú Thọ Côn Đảo được xây dựng kiên cố. Những hình ảnh, những câu chuyện kể về cuộc sống và những hình thức đánh đập, hành hạ, tra tấn dã man của Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đối với các chiến sỹ cách mạng đã để lại trong tâm trí các thành viên trong Đoàn những cảm xúc bồi hồi, xúc động, cảm phục trước những tấm gương kiên trung của những người chiến sỹ Cộng sản và lòng biết ơn sâu sắc với những thế hệ cha, ông đã hy sinh, mất mát để có được những thành quả cách mạng như ngày hôm nay. Nhiều thành viên trong đoàn đã không kìm nén được dòng nước mắt.

         Ngày thứ ba của chuyến nghiên cứu, Đoàn tạm biệt Côn Đảo và xuất phát về Cần Thơ.

         Chuyến tham quan, nghiên cứu thực tế tại Côn Đảo đã đem lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc với nhiều trải nghiệm thú vị, không những giúp chúng tôi hiểu thêm về văn hóa, con người của Côn Đảo, về lịch sử hào hùng của dân tộc trong hai cuộc kháng chiến, tinh thần kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, mà còn có những bài học từ thực tiễn đầy bổ ích. Qua chuyến đi đã củng cố thêm niềm tin, lòng tự hào của các thành viên trong Đoàn với Đảng ta và lịch sử hào hùng của dân tộc, để khẳng định trong tâm trí mỗi thành viên trong Đoàn ra sức cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước.

         Có thể khẳng định đây là một trải nghiêm quý báu cho mỗi thành viên trong Đoàn tích lũy kiến thức thực tế để bổ sung kiến thức thực tiễn phong phú vào bài giảng và vận dụng hiệu quả vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng Trường Chính trị nói riêng, tỉnh Ninh Thuận ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 16
  • Trong tuần: 162
  • Tất cả: 141 066
Đăng nhập