Cách
mạng Tháng Tám năm 1945 thành công mở ra bước ngoặc vĩ đại trong lịch sử dân
tộc Việt Nam, chính quyền về tay Nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra
đời, kết thúc hơn 80 năm Nhân dân ta dưới ách đô hộ của thực dân, phát xít. Từ
đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ
nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Bước
sang năm 1945, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta dưới sự lãnh
đạo của Đảng đứng trước thời cơ lớn. Trên thế giới, Hồng quân Liên Xô liên tiếp
giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước
và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin. Ngày 9/5/1945, phát xít
Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8/8/1945, Hồng
quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít
Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Trong
nước, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo
chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm Nhật đảo chính Pháp, Hội nghị Ban Thường vụ
Trung ương Đảng mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề
cho tổng khởi nghĩa, thay đổi cách thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu
tranh cho thích hợp. Tháng 3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn
nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4/1945, Trung ương triệu tập Hội nghị
quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các
lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt
Minh ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành
lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt
Nam.
Từ
tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra mạnh mẽ. Đầu tháng
5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo
cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4/6/1945, Khu giải phóng
Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của Ủy ban chỉ huy lâm thời, trở
thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của
Đảng họp tại Tân Trào khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”
và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít
Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra 3 nguyên tắc bảo
đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ
ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng
khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10
chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc
kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm
thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân
cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc
ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Dưới
sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng
dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày
18/8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng
bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc
Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8/1945, khởi nghĩa giành
chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế, Bắc
Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai,
Bạc Liêu… Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn – Gia Định, Kon Tum,
Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre,… Ở Côn Đảo, Đảng
bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành
chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã
giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường
Ba Đình
vào ngày 02/9/1945 (Ảnh
tư liệu)
Ngày
02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của gần một
triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng
đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam
Dân chủ cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Tại Ninh Thuận, trưa
ngày 16-8-1945, được tin Nhật đã đầu hàng phe Đồng minh vô điều kiện, các đồng
chí lãnh đạo tỉnh đề ra kế hoạch chuẩn bị cho việc khởi nghĩa giành chính quyền.
Được tin chiều ngày 21-8-1945, tổ chức “Thanh niên tiền tuyến” thân Nhật sẽ tổ
chức mít-tinh tại sân Trường TH Bảo An, ngay trưa ngày 20-8, Ủy ban Việt Minh tỉnh
họp bất thường quyết định biến cuộc mít-tinh trên thành cuộc mít-tinh công khai
của Việt Minh, kêu gọi quần chúng đứng lên giành chính quyền. 15 giờ ngày
21-8-1945, đông đảo Thanh niên cứu quốc, công nhân, quần chúng cách mạng được
trang bị vũ khí thô sơ, băng-rôn, khẩu hiệu, cờ đã biến cuộc mít-tinh của địch
thành cuộc biểu tình tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng và nhanh chóng
giành chính quyền ở Tháp Chàm. 18 giờ 45 phút cùng ngày, Đoàn biểu tình kéo xuống
Phan Rang phối hợp với lực lượng cách mạng khống chế các công sở, đồn trại của
binh lính tay sai Nhật. Tỉnh trưởng Phan Văn Phúc giao nộp ấn tín, chìa khóa,
chỉ kho bạc… cho Việt Minh, đánh dấu chính quyền cấp tỉnh đã về tay nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của cán bộ Việt Minh các cấp, từ ngày 21 đến 22-8 hầu hết các
làng, huyện, tổng trong tỉnh nhanh chóng giành được chính quyền. Ủy ban nhân
dân Cách mạng lâm thời được thành lập và ra mắt đồng bào vào ngày 22-8-1945.

Cán bộ, công chức Văn phòng Tỉnh ủy tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025
Kỷ
niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc
khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023); chúng ta
càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng Tháng Tám đã mang
lại; đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, và tinh thần bất diệt của Cách mạng Tháng Tám
luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người dân Việt Nam.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám, cùng với những thành
quả to lớn đáng tự hào sau 31 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận, là động lực, sức mạnh tinh thần
thôi thúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Ninh Thuận nỗ lực phấn đấu vượt qua
những khó khăn, thách thức, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo,
phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ trong những năm sắp tới mà Nghị
quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV,
nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, đưa Ninh Thuận ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc; cùng đất nước hiện thực hóa khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc!.