Trải qua hơn 78 năm xây dựng và trưởng thành, cán bộ, nhân viên cơ yếu
qua các thời kỳ đã nỗ lực phấn đấu, cống hiến không ngừng nghỉ, đã vượt qua
muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm bí mật, an toàn,
chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước
và chỉ huy, chỉ đạo của các lực lượng vũ trang qua các giai đoạn cách mạng, làm
nên những chiến công thầm lặng mà vẻ vang, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải
phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giữ gìn bí mật quốc gia (Ảnh sưu tầm).
Trong
di sản tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng về giữ gìn bí mật quốc
gia, bí mật thông tin cơ mật trọng yếu chiếm một vị trí quan trọng. Người nói:
"Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng
hay bại" và "Mật mã là một công tác cơ mật quan trọng, vẻ vang… Các
cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hóa"… Trong Chỉ thị
thành lập Ban Mật mã quân sự - tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam - Người xác
định nhiệm vụ của Ban Mật mã là, phải bảo đảm "chỉ huy thông suốt, bí mật,
nhanh chóng, kịp thời, chính xác". Có thể nói, đó là những tư tưởng chỉ đạo
rất quan trọng của Hồ Chí Minh đối với ngành Cơ yếu Việt Nam, xác định rõ
phương châm, nguyên tắc hoạt động của Ngành.
Tư
tưởng đó đặt công tác bảo mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng,
Nhà nước và lực lượng vũ trang ở vị trí cơ mật; khẳng định nguyên tắc cốt lõi của
bảo mật thông tin là "bí mật, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống";
chỉ đạo công tác tổ chức, xây dựng lực lượng và quản lý kỹ thuật, nghiệp vụ phải
tập trung, thống nhất, chặt chẽ, nghiêm ngặt và quân sự hóa; đòi hỏi phẩm chất
đạo đức, phong cách công tác của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác cơ yếu
phải "Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo".
Ngành
Cơ yếu Việt Nam luôn thấm nhuần sâu sắc tư tưởng bảo mật thông tin của Chủ tịch
Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu mới của đất nước, nhiệm vụ
bảo mật thông tin của ngành Cơ yếu càng cực kỳ quan trọng, cấp bách và thường
xuyên. Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng
Bộ Quốc phòng, nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực bảo mật, an toàn
thông tin, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về cơ yếu, Ban Cơ yếu Chính phủ
và ngành Cơ yếu Việt Nam phải chủ động triển khai đồng bộ 4 nhiệm vụ chuyên môn
trọng tâm như: (1) Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo
đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin của lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng,
Nhà nước và các lực vũ trang trong mọi tình huống; (2) Triển khai hệ thống chứng
thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện
tử và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước; (3) Triển khai hệ thống giám
sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà
nước, phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin và
Truyền thông thực hiện các biện pháp ứng phó với cuộc chiến tranh thông tin.(4)
Quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ
thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước (mật mã dân sự).

Đ/c Phạm Văn Hậu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận
làm việc với Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ (ngày 29 tháng 5 năm 2023)
Việc
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam
đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trong đó xác định ngành Cơ yếu tiến thẳng
lên hiện đại đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, khích lệ to lớn và sự động viên
kịp thời của Đảng và Nhà nước cho những nỗ lực, phấn đấu liên tục, không ngừng
trong suốt 78 năm qua của ngành Cơ yếu, đồng thời đặt ra những nhiệm vụ nặng nề
cho ngành Cơ yếu Việt Nam trong bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin phục vụ sự
lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ huy, chỉ đạo của lực lượng vũ trang.
Ngày
01/4/1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị lực lượng
vũ trang trên địa bàn được thành lập và đi vào hoạt động, trong đó có các tổ chức
Cơ yếu. Được sự quan tâm của Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp và hỗ
trợ kịp thời về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục Cơ yếu Bộ Tổng
tham mưu, Cục Viễn thông và Cơ yếu Bộ Công an, Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền, lực
lượng cơ yếu tỉnh Ninh Thuận không ngừng lớn mạnh kể cả về số lượng và chất lượng,
trang thiết bị nghiệp vụ cơ yếu được trang bị kịp thời đảm bảo phục vụ sự chỉ đạo,
chỉ đạo, chỉ huy của cấp ủy các cấp.

Hình ảnh các lực lượng Cơ yếu trên địa bàn tỉnh với Thường trực Tỉnh ủy
và Đoàn công tác Ban Cơ yếu Chính phủ.
Cán
bộ, nhân viên cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào đường lối
lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đoàn kết gắn bó yêu
Ngành, yêu nghề; giữ gìn và phát huy truyền thống của ngành Cơ yếu, sẵn sàng nhận
và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có nhiều cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất
sắc trong thực hiện nhiệm vụ, được cơ quan cơ yếu cấp trên và lãnh đạo các cơ
quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu khen thưởng.
Bên cạnh đó, cán bộ,
nhân viên Cơ yếu còn tham gia trực tiếp vào công tác đảm bảo an toàn, an ninh
thông tin tại đơn vị công tác; triển khai có hiệu quả các trang thiết bị mật mã,
nhất là thiết bị chứng thực chữ ký số, chứng thư số cho các tổ chức, cá nhân phục
vụ cho công tác ký số văn bản không mật trên môi trường mạng; đăng ký, cấp phát
USB DC-02M.19 (thiết bị lưu trữ an toàn) đảm bảo an toàn có hệ thống hội nghị
trực tuyến có bảo mật,… góp phần vào công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.