Ngày 23/10, thực hiện quy
định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV khai mạc trọng thể tại nhà Quốc hội, Thủ
đô Hà Nội. Sau hơn 20 ngày làm việc, kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đã thành công tốt
đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình nghị sự. Chủ tịch Quốc hội khẳng định “Kỳ
họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn
yêu cầu của thực tiễn” và cho biết tất cả các hoạt động, các quyết sách của Quốc
hội về kinh tế - xã hội, về xây dựng pháp luật, về giám sát tối cao đều tập
trung thực hiện khắc phục nhanh những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng
mắc và kiến tạo sự phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV (Ảnh sưu tầm)
Để hoàn thành khối lượng
công việc rất lớn, rất hệ trọng trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết
định các vấn đề quan trọng, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy
dân chủ, trí tuệ, tập trung thảo luận, xem xét kỹ lưỡng từng nội dung. Các nội
dung được thông qua hay một số nội dung chưa được thông qua thì đều đạt sự đồng
thuận, nhất trí cao của các đại biểu Quốc hội.
Rất nhiều con số ấn tượng, phản ánh sinh động không khí làm
việc của Quốc hội và kết quả Kỳ họp như: đã có 1.103 lượt đại biểu Quốc hội
phát biểu tại 7 phiên thảo luận tổ; 1.099 lượt đăng ký, 601 lượt đại biểu Quốc
hội phát biểu và 121 lượt tranh luận tại 29 phiên thảo luận tại hội trường; 457
lượt đại biểu Quốc hội đăng ký, 152 lượt đại biểu thực hiện quyền chất vấn, 39
lượt đại biểu tranh luận...
Quốc hội đã thông qua 7 luật (Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi);
Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi);
Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước
(sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi)), 9 nghị quyết, cho ý kiến lần
thứ 3 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật
Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác (Cho ý kiến
lần đầu đối với 08 dự án luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp
quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an
toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ
chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu
giá tài sản).
Quốc hội cũng đã lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu
hoặc phê chuẩn; tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc triển khai thực hiện
các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng
nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025,
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021 - 2030”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện một số
nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ
họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về
kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét báo cáo về tổng hợp kiến nghị của
cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử
tri, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bỏ phiếu tín nhiệm (Ảnh sưu tầm)
Đáng chú ý, tại kỳ họp
này, Quốc hội đã quyết định lùi thời hạn thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Với
453/459 đại biểu tán thành (chiếm 91,70% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông
qua việc điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Quốc
hội thống nhất điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ
họp 6 sang kỳ họp gần nhất. Bởi lẽ, dự án Luật phức tạp, có
tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã
hội và đời sống của người dân. Qua 3 kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng,
trong đó, tập trung vào các nội dung như: thu hồi đất thực hiện dự án phát triển
kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia; bồi thường, hỗ trợ, tái định
cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự
nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản
xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; phạm vi nhận chuyển quyền sử
dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của
người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Tuy nhiên, sau khi xem xét toàn diện, thận
trọng, Quốc hội vẫn phải quyết định chưa thông qua dự thảo Luật này tại Kỳ họp
thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng,
tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất
lượng tốt nhất dự thảo Luật và việc chuẩn bị hoàn thiện đồng bộ các dự thảo nghị
định, văn bản quy định chi tiết Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật
sau khi được ban hành.
Tương tự với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây
cũng là dự án luật khó, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính
quốc gia, an ninh, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng
đến hoạt động kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội. Qua 2 kỳ họp, Quốc hội
đã thảo luận, hoàn thiện rất nhiều nội dung về: Ngân hàng chính sách; bảo vệ
quyền lợi của khách hàng; kiểm soát nội bộ; kiểm toán nội bộ…; về hoạt động cấp
tín dụng; về tài chính, hạch toán, báo cáo của tổ chức tín dụng, nhất là các
quy định nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng;
xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; xử lý ngân hàng yếu kém; công
tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng... Tuy
nhiên, đánh giá tổng thể dự thảo Luật so với các mục tiêu, yêu cầu đặt ra, Quốc
hội cũng vẫn phải quyết định chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để có thêm thời
gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, rà soát kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở
khoa học, bảo đảm tính phù hợp và tính khả thi trong thực tiễn để hoàn thiện dự
thảo luật.
Như vậy, việc điều chỉnh thời điểm trình Quốc hội xem xét,
thông qua 2 dự án luật này thể hiện tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội
để bảo đảm các luật khi được ban hành phải đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, bền vững,
đặc biệt là không xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác.