Với quan điểm bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng (gọi tắt là an toàn, an ninh mạng), chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng. Xây dựng lực lượng bảo đảm an toàn, an ninh mạng hiện đại, chuyên nghiệp, có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Xác định An toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và sự phát triển thịnh vượng trong kỷ nguyên số. An toàn, an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài nhằm khởi tạo và duy trì môi trường mạng an toàn, lành mạnh, tin cậy cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và mỗi người dân. Đầu tư cho an toàn, an ninh mạng là đầu tư cho phát triển bền vững và tạo ra giá trị.
Tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia tự chủ về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.Chiến lược hướng đến mục tiêu tổng quát là Không gian mạng quốc gia được xây dựng, phát triển văn minh, lành mạnh, là động lực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Năng lực quốc gia về bảo đảm an toàn, an ninh mạng được nâng cao, chủ động, sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ, thách thức từ không gian mạng nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và công cuộc chuyển đổi số quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp mà đơn vị, địa phương cần làm trong thời gian đến. Trong đó chú trọng các nội dung sau:
1. Bảo vệ không gian mạng quốc gia
Không gian mạng quốc gia bao gồm toàn bộ hạ tầng số, nền tảng số, thiết bị, ứng dụng và dữ liệu do tổ chức, cá nhân Việt Nam tạo ra, sở hữu, quản lý. Bảo đảm không gian mạng quốc gia cũng chính là bảo đảm cho chủ quyền số quốc gia, bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng.
Bảo vệ cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, trọng tâm là hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật về an ninh mạng. Bảo vệ hệ thống thông tin của 11 lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên bảo đảm an toàn thông tin mạng (theo Quyết định số 632/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ).
Cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia cần được bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình lựa chọn, thiết kế, xây dựng, vận hành, khai thác; ưu tiên sử dụng sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam…
Các nền tảng số được xem là giải pháp đột phá để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Toàn bộ dữ liệu, lịch sử hoạt động của người sử dụng trên nền tảng số đều được thu thập, xử lý, lưu trữ. Các doanh nghiệp nền tảng số có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Nền tảng số khi xây dựng, phát triển cần xác định cấp độ an toàn thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Dữ liệu là tài nguyên số, là nguyên liệu cho nền kinh tế số. Dữ liệu số có nguy cơ mất an toàn do số lượng lớn người sử dụng Việt Nam đang sử dụng dịch vụ nền tảng số của các doanh nghiệp xuyên biên giới, thông tin, dữ liệu của người sử dụng Việt Nam không được lưu trữ tại Việt Nam. Chìa khóa của chủ quyền dữ liệu nằm ở các nền tảng số Make in Viet Nam. Cần phát triển các Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam và phát triển các nền tảng số Make in Viet Nam có hàng triệu người Việt Nam và quốc tế sử dụng. Bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng theo cấp độ cho các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu quan trọng của các ngành, lĩnh vực.
2. Bảo vệ hệ thống thông tin của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các lĩnh vực quan trọng
Chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm tự bảo vệ hệ thống thông tin, dữ liệu của mình. Cơ quan nhà nước phải đi đầu về việc tuân thủ quy định của pháp luật và tiêu chuẩn về an toàn, an ninh mạng. Các hệ thống thông tin thuộc 11 lĩnh vực quan trọng là cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế - xã hội hoặc nắm giữ lượng thông tin, dữ liệu quan trọng.
3. Tạo lập niềm tin số và bảo vệ người dân trên không gian mạng
Nhận thức và kỹ năng về an toàn, an ninh mạng của đại đa số người dân còn hạn chế, chưa đủ để bảo vệ chính mình. Do đó, nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng đối với người dân là rất lớn và bảo đảm an toàn cho người dân sẽ cần là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen, hành vi trên không gian mạng của người dân sẽ là giải pháp căn bản.
Tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng trung thực, văn minh, lành mạnh và phòng, chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng được xác định là nội dung quan trọng của Chiến lược. Niềm tin số giúp cho người dân trải nghiệm đầy đủ cuộc sống an toàn, lành mạnh trên không gian mạng, giúp cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trực tuyến, giúp cơ quan nhà nước chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường mạng an toàn, hiệu quả.
4. Làm chủ, tự chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng
Làm chủ, tự chủ về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng là giải pháp căn bản bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia. Khuyến khích và tôn vinh tinh thần đổi mới sáng tạo về công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an toàn, an ninh mạng; Các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng được khuyến khích nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ, sản phẩm, dịch vụ bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Việc phát triển sản phẩm an toàn thông tin mạng sẽ được chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu. Chuyển dịch từ sản phẩm lớn, chuyên dụng sang sản phẩm phổ cập: “bình dân hóa” sản phẩm an toàn thông tin mạng, phục vụ đối tượng người dân, hộ gia đình. Đặt nền móng cho công nghiệp an toàn thông tin mạng và Xây dựng nền công nghiệp an ninh mạng với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng tiên tiến.
5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong hoạt động an toàn, an ninh mạng. Chiến lược xác định chuyển đổi từ đào tạo cán bộ kỹ thuật trung bình sang phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi, phát triển đội ngũ chuyên gia xuất sắc về an toàn, an ninh mạng để giải quyết các bài toán khó của đất nước cũng như góp phần giải quyết các vấn đề về an toàn, an ninh mạng trong công nghệ số của thế giới. Đưa nội dung về an toàn, an ninh mạng vào chương trình giáo dục phổ thông (chính khóa và ngoại khóa) cũng như đào tạo bậc đại học trở lên. Xây dựng đội ngũ kỹ sư an ninh mạng chất lượng cao, có khả năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp thu, chuyển giao tri thức về an ninh mạng, chính sách tôn vinh và đãi ngộ phù hợp.
Chủ động hội nhập quốc tế trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng trên tinh thần làm bạn, đối tác tin cậy,thể hiện tình thần có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của các nước khác, tuân thủ luật pháp quốc tế và các hiệp ước đa phương, song phương mà Việt Nam tham gia.