Vai trò Ngành Cơ yếu trong Chính phủ điện tử Việt Nam

Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (12/9/1945-12/9/2022), dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự giáo dục, rèn luyện của Bác Hồ kính yêu, ngành Cơ yếu Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nên nhiều chiến công và thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chỉ huy, chỉ đạo của các lực lượng vũ trang qua các giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. 

         Trong những năm vừa qua, Ngành cơ yếu đã tích cực triển khai Nghị quyết số 56 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; hoàn thành các chương trình, đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ; Nghiên cứu, sản xuất và triển khai kịp thời các sản phẩm mật mã, các giải pháp bảo mật, an toàn thông tin cho các Ban, bộ, ngành, địa phương, trọng tâm là phục vụ Chính phủ điện tử; phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng; phối hợp giám sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước; quản lý chặt chẽ mật mã dân sự....

        Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngành Cơ yếu Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2005), hai Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985 và 2015); nhiều tập thể và cán bộ, nhân viên cơ yếu được phong tặng Danh hiệu Anh hùng, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác, xây đắp nên truyền thống vẻ vang “Trung thành, Tận tụy, Đoàn kết, Kỷ luật, Sáng tạo”.

Hình ảnh tại buổi trao giải thưởng khoa học (Ảnh tư liệu)

         Đến nay, Ban CYCP đã cấp phát gần 600 nghìn chứng thư số. Trong đó, đối với cơ quan cấp bộ, ngành, địa phương đã cấp 93/93 (đạt 100%) chứng thư số cho tổ chức và 405/431 (đạt 94%) chứng thư số cho lãnh đạo; đối với cấp vụ, cục, sở và tương đương đã cấp 5.192/5.318 (đạt 97,6 %) chứng thư số cho tổ chức và 18.113/18.391 (đạt 98,5%) chứng thư số cho lãnh đạo; đối với cấp xã, phường và tương đương đã cấp 10.452/10.614 (đạt 98,4%) chứng thư số cho tổ chức và 22.390/37.149 (đạt 60,2%) chứng thư số cho lãnh đạo.

          Trong đó, đối với các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Ban CYCP đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ các cơ quan nhà nước xác thực định danh và ký số dữ liệu. Từ khi triển khai đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.680 DVCTT mức độ 3, 4; hơn 2,1 triệu tài khoản đăng ký; hơn 473 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ; hơn 122,7 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 4,1 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2021, trước diễn biến tiêu cực của đại dịch COVID-19, khi các cán bộ, công chức, viên chức phải làm việc qua mạng, khi đó CKS chuyên dùng Chính phủ đã thực sự phát huy hiệu quả trong thực tế, có những thời điểm, hệ thống chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ đã hoạt động trên 300% công suất trong các mặt công tác như hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo chứng thư số, đảm bảo hạ tầng... Đã có 41.255 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp CKS chuyên dùng Chính phủ.

          Số lượng văn bản điện tử có CKS gửi nhận qua trục liên thông văn bản quốc gia của các bộ, ban, ngành, địa phương tăng đột biến trong các năm gần đây. Trong 06 tháng đầu năm 2022, số lượng văn bản điện tử có chữ ký số gửi, nhận trên Trục là trên 3,7 triệu văn bản, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, Hệ thống có tổng số hơn 12,8 triệu văn bản điện tử có chữ ký số được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.

          Triển khai sản xuất, cung cấp đầy đủ, kịp thời CTS theo yêu cầu của Bộ Công an, phục vụ cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; thiết lập, quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và kiểm tra hơn 70 triệu Căn cước công dân gắn chip điện tử của Bộ Công an đảm bảo an toàn, liên tục.

          Bên cạnh đó, tập trung xây dựng quy hoạch hạ tầng cơ sở mật mã quốc gia; chỉ đạo củng cố các mạng liên lạc cơ yếu; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật nghiệp vụ, chủ động triển khai, sử dụng các sản phẩm kỹ thuật mật mã, các giải pháp nghiệp vụ để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm bí mật, an toàn nội dung thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang...

Vai trò, trách nhiệm Ngành Cơ yếu trong phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam

          - Vai trò, trách nhiệm của Ngành Cơ yếu đã được thể hiện rõ thông qua việc ban hành các Luật và các văn bản như: Luật Cơ yếu, Luật tổ chức Chính phủ tại Điều 19, Luật an toàn thông tin mạng tại Điều 27, Luật An ninh mạng tại Điều 39 và Luật Bảo vệ bí mật nhà….

          - Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 56 về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27của Chính phủ về ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56 của Bộ Chính trị và xác định ngành Cơ yếu tiến thẳng lên hiện đại trước hết xuất phát từ vị trí, vai trò của hoạt động cơ yếu và lực lượng cơ yếu. Hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng cơ yếu giữ vai trò nòng cốt, góp phần quan trọng trong bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ huy, chỉ đạo của lực lượng vũ trang.

          - Ngày 23/01/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Theo đó, Ban Cơ yếu Chính phủ là đơn vị :

          + Tiếp tục phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật Hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước, phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020 và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025;

          + Nghiên cứu phân cấp, ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương chủ trì triển khai thực hiện một số hoạt động cung cấp, quản lý dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định của pháp luật.

          + Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực trong và ngoài nước để chuyển giao công nghệ, phát triển các giải pháp xác thực điện tử phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

          + Chủ trì, phối hợp triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số cho các hệ thống thông tin và thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan nhà nước trong giai đoạn 2019 - 2020, hoàn thiện trong giai đoạn 2021 -2025; Xây dựng các bộ công cụ hỗ trợ tích hợp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ với các nền tảng ứng dụng và hệ điều hành khác nhau (web, desktop, mobile, windows, linux, Mac OS...) và hướng dẫn cơ quan nhà nước các cấp triển khai sử dụng.

          + Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ bảo đảm triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đối với các hệ thống thông tin do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ xây dựng, triển khai.

          + Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp đảm bảo bảo mật, an toàn cho các tài liệu điện tử của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật.

          - Theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2017-2020, định hướng đến 2025, Chính phủ đã giao Ban Cơ yếu Chính phủ  xây dựng Đề án triển khai các hệ thống bảo vệ thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước dùng mật mã đáp ứng yêu cầu triển khai Chính phủ điện tử, hoàn thành trong tháng 7 năm 2019. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ngành Cơ yếu trong việc bảo mật và an toàn thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị các cấp. Đến nay, Ban Cơ yếu đã xây dựng hồ sơ Đề án và các thủ tục theo quy định; Đã trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 293/TTr- BQP ngày 22/01/2020. VPCP đã thẩm định xong. Bộ Quốc phòng đã ký tắt bản cuối cùng để trình ký.

          - Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Ngày 04/9/2019, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư số 185/2019/TT-BQP hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ để đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương.

          Theo đó, Ban Cơ yếu Chính phủ Giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; tổ chức thực hiện cung cấp chứng thực chữ ký số, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

          Phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước xây dựng quy chế, quy định về quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có liên quan việc đăng ký, cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Phối hợp, hỗ trợ các cơ quan liên quan tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo an toàn, xác thực và bảo mật thông tin. Nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ liên quan đến dịch vụ chứng thực chữ ký số phù hợp với các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ các cơ quan, tổ chức.

          Triển khai các nhiệm vụ, quản lý, duy trì hoạt động, bảo đảm cung cấp chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo nhu cầu thực tế của các cơ quan Đảng, Nhà nước đảm bảo an toàn, liên tục.

         Quản lý, chỉ đạo Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin bảo đảm việc cung cấp chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ một cách hiệu quả trên cơ sở kế hoạch, nhu cầu của các cơ quan, tổ chức.

          Bên cạnh đó, Thông tư quy định trách nhiệm của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đó là: Đảm bảo an toàn tuyệt đối khóa bí mật của chứng thư số và xử lý các tình huống trong quá trình cung cấp và quản lý chứng thư số; Quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chứng thực chữ ký số, đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số được an toàn, liên tục; Đảm bảo kênh thông tin tiếp nhận các yêu cầu cấp, gia hạn, thay đổi nội dung thông tin, thu hồi chứng thư số, khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật; cập nhật và duy trì 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần các cơ sở dữ liệu trực tuyến về chính sách chứng thư số, các quy định về việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số, chứng thư số của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, danh sách chứng thư số có hiệu lực, chứng thư số bị thu hồi và những thông tin cần thiết khác.

           - Ngày 26/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Thủ tướng giao Ban Cơ yếu đảm bảo cung cấp đầy đủ và kịp thời chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan bộ, ngành, địa phương; hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng ký số dữ liệu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa. Đến tháng 6 năm 2022 đảm bảo cấp 100% chứng thư số cho Bộ phận Một cửa cấp bộ, tỉnh; tháng 12 năm 2022 đảm bảo cấp 100% chứng thư số cho Bộ phận Một cửa cấp huyện; tháng 6 năm 2023 đảm bảo cấp 100% chứng thư số cho Bộ phận Một cửa cấp xã. Trong đó, đến ngày 01 tháng 7 năm 2022, cấp đủ 100% chứng thư số cho cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp liên quan đến số hóa 25 dịch vụ công thiết yếu theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2022.

          Ngoài ra, những yếu tố như: Thực trạng hoạt động của ngành Cơ yếu; nhu cầu về bảo mật và an toàn thông tin cho phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, ứng dụng tối đa thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội; tác động của tình hình thế giới, khu vực... đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi phải có chủ trương, giải pháp đột phá phát triển ngành Cơ yếu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Những giải pháp nâng cao vai trò Ngành Cơ yếu trong Chính phủ điện tử hiện nay

          Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về cơ yếu, phát triển chính phủ điện tử, chính quyền số, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam phải tích cực, chủ động triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chuyên môn trọng tâm sau:

          - Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử. Ban Cơ yếu Chính phủ đã và sẽ tích cực phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Nội vụ và VPCP để xây dựng các Nghị định, quy định liên quan đến công tác xây dựng Chính phủ điện tử. Xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc.

          - Hoàn thành xây dựng, cập nhật kiến trúc Chính phủ điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ phù hợp với Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 2.0) và thường xuyên cập nhật, ban hành các phiên bản tiếp theo phù hợp với các phiên bản cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; triển khai áp dụng Kiến trúc Chính phủ điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ đã được ban hành.

         - Chủ động nghiên cứu, dự báo tình hình, nhất là ở tầm chiến lược để kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác cơ yếu; triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cơ yếu và Luật Cơ yếu;

          - Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, bảo đảm tuyệt đối bí mật nội dung thông tin của lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Nhà nước và các lực vũ trang trong mọi tình huống.

         - Triển khai đồng bộ, hiệu quả hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc triển khai Chính phủ điện tử và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.       

          - Triển khai hệ thống giám sát an toàn thông tin trên các mạng công nghệ thông tin trọng yếu của Đảng, Nhà nước, phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông thực hiện các biện pháp ứng phó với cuộc chiến tranh thông tin.

          - Đổi mới phương thức hoạt động của công tác cơ yếu, bảo đảm nguyên tắc thống nhất, chặt chẽ trong tổ chức, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu và các sản phẩm mật mã, kỹ thuật mật mã;

          - Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và Nhân dân;

        - Tăng cường công tác Quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước (mật mã dân sự).

Để triển khai đồng bộ, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ tiến hành xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP. Bên cạnh đó, triển khai các sản phẩm, giải pháp bảo mật, xác thực, an toàn thông tin phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử trong Ban Cơ yếu Chính phủ.

          - Đối với công tác quản lý nhà nước về mật mã dân sự, trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ sẽ khẩn trương xây dựng và triển khai Hệ thống thông tin điện tử quản lý nhà nước về mật mã dân sự phục vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử./.

 

Tác giả: Duy Tùng_Phòng Hành chính
Hệ thống quản lý văn bản điều hành
Hệ thống thông tin tổng hợp
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 285
  • Trong tuần: 422
  • Tất cả: 185 667
Đăng nhập