Ngày
06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt Đề
án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ
chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06/CP). Ban Thường vụ tỉnh uỷ Ninh
Thuận cũng đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc triển khai thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ làm việc với tỉnh Ninh Thuận
(Ảnh sưu tầm)
Tính
đến ngày 21/11/2022, toàn tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD 564.197 hồ sơ/595.083
trường hợp (đạt 94,4%); Hồ sơ định danh điện tử 40.748/73.307 tài khoản mức độ
2 (đạt 48,04%); trong đó: Từ ngày 20/10/2022 đến ngày 19/11/2022 thu nhận 9.170
hồ sơ cấp CCCD, 5.535 hồ sơ định danh điện tử. Tiến độ triển khai thực hiện
cung cấp dịch vụ công thiết yếu sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ
liệu quốc gia về dân cư từ ngày 18/01/2022 đến ngày 19/11/2022: Đã tiếp nhận và
giải quyết 168.782/366.138 hồ sơ, đạt 46,1%, so với tháng 10/2022 tăng 7,89%; sử
dụng thẻ CCCD tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội (BHXH) phục vụ người dân
đi khám bệnh tại các Cơ sở y tế (hiện có 78/78 cơ sở y tế đã thực hiện). Tính đến
ngày 19/11/2022, đã có 106.170 trường hợp sử dụng thẻ CCCD gắn chíp khám chữa bệnh
BHYT, tra cứu thành công 49.934/106.170 trường hợp (đạt 47,03%); xác thực dữ liệu
người tham gia BHXH, BHYT với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư 240.000/532.231
người tham gia BHYT (đạt 45%); đăng ký và cài đặt ứng dụng BHXH số - VssID trên
nền tảng thiết bị di động cho người tham gia BHXH, BHYT được 130.000 trường hợp;
Sở Y tế đã giao cho 09 đơn vị thực hiện việc ký số trên Nền tảng Quản lý tiêm
chủng COVID-19 cho các đối tượng tiêm chủng, đến nay tỷ lệ thực hiện ký số của
các đơn vị được 625.980/ 626.803 đối tượng đạt 99,9%… Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh
vẫn còn có những hạn chế đó là: Một số cơ quan, địa phương chưa nắm vững nhiệm
vụ cần triển khai thực hiện; dữ liệu còn phân tán, chưa đầy đủ, nguồn nhân lực
phục vụ chuyển đổi số chất lượng cao còn thiếu…

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam-Tổ trưởng Tổ công tác Đề án 06 tỉnh chủ trì cuộc họp
đánh giá tình hình thực hiện Đề án 06/CP (Ảnh sưu tầm).
Với những kết quả đã đạt được, để triển khai và thực hiện tốt hơn nữa Đề án 06/CP trên
địa bàn tỉnh. Ngày 05/12/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Ninh Thuận đã ban hành Chỉ
thị số 40-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc triển khai thực
hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử
phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030” trên
địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng,
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ đoàn thể các cấp tập trung tổ chức thực
hiện tốt các nội dung:
(1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của
các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể các cấp trong triển
khai thực hiện Đề án 06/CP, phát huy vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong,
gương mẫu đi đầu của người đứng đầu; gắn với công tác quán triệt và triển khai
có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phải
xác định việc thực hiện Đề án 06/CP là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp
lý của các ngành, các cấp. Bảo đảm các bước đi mới của Đề án 06/CP được thực hiện
theo quy định pháp luật…
(2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đề xuất, kiến
nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là xây dựng quy
trình, quy định để thực hiện chuyển đổi phương thức hoạt động từ thủ công sang
công nghệ. Chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ nhanh nhất những khó khăn, vướng mắc
phát sinh trong tổ chức thực hiện và về hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh, an
toàn, nhân lực. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm duy trì cơ sở
dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” để mở rộng kết nối, chia sẻ với các ngành
một cách đồng bộ, thống nhất. Đẩy mạnh ứng dụng phục vụ phát triển công dân số,
xã hội số, kinh tế số, Chính phủ số trên địa bàn tỉnh và hoàn thành hệ sinh
thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư.
(3) Quan tâm bảo đảm nguồn lực từ tỉnh đến cơ sở, nhất
là cấp xã nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06/CP thời
gian tới; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chính sách tổng thể về nguồn nhân lực
chất lượng cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; chú trọng công
tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn gắn liền với công nghệ thông tin...
Ưu tiên bố trí ngân sách và có cơ chế linh hoạt trong quản lý tài chính, tài sản,
huy động nguồn lực xã hội để triển khai nhanh, hiệu quả và đảm bảo tiến độ thực
hiện để án; khắc phục ngay những hạn chế,
thiếu sót về hạ tầng, công nghệ, phục vụ kết nối dữ liệu và thực hiện các dịch
vụ công trực tuyến.
(4) Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về mục
đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích mang lại của Đề án 06/CP; đa dạng hóa
nội dung, hình thức tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông... Phát huy
vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, nhất là Tổ công
tác Đề án 06/CP các cấp, Tổ công nghệ số cộng đồng trong chỉ đạo và tuyên truyền,
vận động, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã
được triển khai và đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VneID
di động hoặc đến cơ quan Công an để làm thủ tục cấp căn cước công dân và cấp
tài khoản định danh điện tử. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức phải gương
mẫu, đi đầu trong việc đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng
VneID và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
(5) Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo Công an
tỉnh chủ trì, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các sở, ban, ngành, địa phương
trong tỉnh triển khai thực hiện đạt kết quả Đề án 06/CP trên phạm vi địa bàn tỉnh;
đồng thời là lực lượng xung kích, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện Đề án
06/CP. Đề xuất thực hiện chế độ, chính sách phù hợp, kịp thời động viên, khen
thưởng lực lượng trực tiếp tham mưu, thực hiện, nhất là ở cơ sở.
Với những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát vào tình hình thực
tiễn địa phương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, nhất định trong thời gian đến việc triển khai
thực hiện Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh sẽ đạt được những kết quả vượt bậc và
hoàn thành tốt các yêu cầu đề ra; đảm bảo phục vụ đắc lực trong nhiệm vụ chuyển
đổi số trên địa bàn tỉnh nói riêng và góp phần vào công cuộc chuyển đổi số quốc
gia nói chung.