Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của Dân, do Dân, vì Dân

Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận trong nền tảng tư tưởng của Đảng. Bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân trong Chương trình đào tạo Trung cấp lý luận chính trị giúp học viên nâng cao nhận thức về giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, từ đó vận dụng trong thực tiễn, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, qua đó nâng cao bản lĩnh chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong điều kiện hiện nay.

    1. VỊ TRÍ, MỤC TIÊU, YÊU CẦU, KẾT CẤU VÀ NỘI DUNG BÀI GIẢNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ NHÀ NƯỚC CỦA DÂN, DO DÂN VÀ VÌ DÂN

    Về vị trí của bài: Theo Quyết định số 292-QĐ/HVCTQG ngày 21/01/2021 của Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về Ban hành Chương trình đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở (hệ Trung cấp lý luận chính trị) thì Bài Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của dân, do dân và vì dân là bài thứ 4 trong phần VII: Nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong khối kiến thức A về Nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

    Mục tiêu và yêu cầu của bài:

    Về kiến thức: Trang bị cho học viên những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân và sự vận dụng của Đảng ta trong công cuộc đổi mới hiện nay.

    Về kỹ năng: Giúp cho học viên có kỹ năng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

    Về tư tưởng: Giúp học viên nhận thức giá trị nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, từ đó vận dụng trong thực tiễn, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

    Về kết cấu và nội dung của bài gồm ba phần:

    Một là: Quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhà nước dân chủ nhân dân ở việt Nam có hai nội dung về (1) Nhà nước dân chủ nhân dân - Nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam khẳng định Hồ Chí Minh sáng lập ra Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là kết quả hoạt động khoa học, mang tính cách mạng của Người và bản chất cách mạng của Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam trong tư tưởng của Người là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân; (2) Tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất của nhà nước kiểu mới ở Việt Nam. Đó là nhà nước kiểu mới ở Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, là sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

    Hai là: Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước là phải xây dựng nhà nước hợp hiến, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ. Để xây dựng nhà nước pháp quyền vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trước hết phải xây dựng nhà nước hợp hiến, có hiệu lực pháp lý mạnh mẽ trên cơ sở pháp luật và có sự kết hợp giữa vai trò của đạo đức và vai trò của pháp luật, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Đồng thời, để thực hiện trong thực tế, Người nhấn mạnh phải hết sức chú trọng việc tuyên truyền trong quần chúng Nhân dân vấn đề công dân sống và  làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ, bộ máy Nhà nước là một chỉnh thể thống nhất, bao gồm nhiều bộ phận hợp thành như các bộ phận trong một chiếc đồng hồ. Do đó, muốn Nhà nước hoạt động hiệu quả phải xây dựng một bộ máy đồng bộ, thống nhất gắn với xây dựng đội ngũ công chức chất lượng cả về trình độ chuyên môn, năng lực thực thi nhiệm vụ, chức trách công vụ và phẩm chất đạo đức của người cán bộ, công chức trong Bộ máy nhà nước.

    Ba là: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ở Việt Nam hiện nay.

    2. NHỮNG NỘI DUNG TÍCH HỢP ĐỂ THỰC HIỆN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG, ĐẤU TRANH PHẢN BÁC CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH TRONG BÀI

    2.1. Khẳng định cơ sở khoa học, tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

    Phân tích làm rõ để khẳng định cơ sở khoa học, tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam trong cả quá trình phát triển tư duy lý luận và thực tiễn quá trình Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo chuẩn bị, tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền và xây dựng Nhà nước kiểu mới để phản bác các quan điểm sai trai, thù địch cho rằng Cách mạng tháng Tám năm 1945 là “ăn may” phủ nhận thành quả cách mạng và vai trò to lớn của Hồ Chí Minh trong giành, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.

    - Cơ sở khoa học trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam được thể hiện:

    Về lý luận: Hồ Chí Minh đã nghiên cứu lý luận chủ nghĩa MácLênin về quy luật phát triển xã hội, Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa; nhiều mô hình tổ chức bộ máy nhà nước tư sản, mô hình nhà nước Xô viết và rút ra kết luận về bản chất bộ máy nhà nước tư sản của thiểu số giai cấp tư sản bóc lột và những thống khổ của Nhân dân các nước thuộc địa, chỉ ra mô hình nhà nước Xôviết là nhà nước của số đông, phục vụ lợi ích của đại đa số người dân trong xã hội, những người lao động;

    Về thực tiễn: Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi đến các nước để xem thực tiễn mô hình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ở các nước và vận dụng về lãnh đạo cách mạng Việt Nam; 

    - Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng khẳng định (trong Chánh cương vắn tắt) nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là đánh đổ chính quyền của đế quốc Pháp và phong kiến, làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập, lập ra Chính phủ công - nông – binh;

    - Hồ Chí Minh điều chỉnh từ mô hình Nhà nước Xôviết công - nông - binh chuyển sang mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa - nhà nước đại biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một bước chuyển hết sức tiến bộ, là sự lựa chọn đúng đắn của Hồ Chí Minh và Đảng ta.

    - Hồ Chí Minh trực tiếp lãnh đạo và sáng lập nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ việc lãnh đạo thành lập các Ủy ban nhân dân cách mạng (tháng 6/1945 ở Khu giải phóng gồm 6 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang) để điều hành mọi hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, là hình thức phôi thai, là hình ảnh thu nhỏ của nhà nước Việt Nam mới, đến việc tổ chức Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (Tuyên Quang, tháng 8/1945), thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch thực hiện chức năng của Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cho đến khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9/1945), tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I trên phạm vi toàn quốc (tháng 3/1946) và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới (Hiến pháp năm 1946), do Chủ tịch Hồ Chí Minh là Trưởng ban soạn thảo.

    - Tính cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới ở Việt Nam được thể hiện:

    + Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Hồ Chí Minh khẳng định về bản chất, các nhà nước Tư sản chỉ là sự thay thế ách thống trị của giai cấp bóc lột này bằng sự thống trị của giai cấp bóc lột khác, vẫn chỉ là nhà nước của một thiểu số người trong xã hội;

    + Hồ Chí Minh chủ trương thay thế bộ máy nhà nước vô nhân đạo, phản động bằng một bộ máy nhà nước mới tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn; 

    + Nghiên cứu mô hình nhà nước Xôviết, Hồ Chí Minh cho rằng, đó là một nhà nước kiểu mới, bởi nó phục vụ lợi ích của đại đa số người dân trong xã hội, những người lao động, những Hồ Chí Minh không sao chép mà vận dụng phù hợp với điều kiện ở Việt Nam;

    + Hồ Chí Minh sáng lập nhà nước kiểu mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lãnh đạo tổ chức tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I trên phạm vi toàn quốc (tháng 3/1946) và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới (Hiến pháp năm 1946); mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc.

    Về phương pháp thực hiện: Giảng viên giảng gợi mở, hướng dẫn để học viên thảo luận nhóm nhằm giúp học viên tìm hiểu sâu kỹ hơn. Giảng viên giảng kết luận.

    2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam là nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là bản chất mang tính cách mạng, tính dân chủ thực chất của Nhà nước kiểu mới, khẳng định tính trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về bản chất nhà nước kiểu mới của Người, trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam để phản bác các quan điểm sai trái thù địch cho rằng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo và dân chủ ở Việt Nam là giả hiệu, là hình thức.

    Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, (1) Nhà nước của Nhân dân về bản chất là nhà nước do người dân là chủ, xác định vị thế và tư cách của người dân đối với nhà nước, Nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân có địa vị cao nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Vị thế và tư cách là chủ của người dân được khẳng định trong Hiến pháp và cơ quan nhà nước là công cụ để thực hiện quyền của Nhân dân; cán bộ, công chức nhà nước là người được Nhân dân ủy quyền, trao quyền, đại diện cho Nhân dân để gánh vác, giải quyết những công việc chung của đất nước. Nhân dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm. (2) Nhà nước do dân là Nhà nước do người dân làm chủ trên cả hai phương diện quyền và nghĩa vụ, Nhân dân có quyền tham gia công việc quản lý của Nhà nước, phê bình, kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, các đại biểu do mình cử ra. (3) Nhà nước vì dân là nhà nước phục vụ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Đồng thời, Nhà nước vì dân không có nghĩa là sẽ làm thay mọi việc cho dân mà Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn Nhân dân nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của Nhân dân để tự chăm lo đời sống của mình. Bên cạnh việc chăm lo lợi ích của Nhân dân nói chung, nhà nước phải biết kết hợp, điều chỉnh các lợi ích khác nhau giữa các giai cấp, các tầng lớp, các bộ phận dân cư một cách hài hòa, đảm bảo ổn định xã hội.

    Hồ Chí Minh chỉ rõ bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta trước hết thể hiện ở chỗ Nhà nước đó do Đảng lãnh đạo. Sự lãnh đạo ấy phải được thể chế hóa trong Hiến pháp và thể hiện chính quyền Nhà nước thuộc về toàn thể Nhân dân lao động, phục vụ lợi ích cho toàn thể Nhân dân, thể hiện ở chỗ Nhà nước quản lý, điều hành các lĩnh vực đời sống xã hội quá độ lên chủ nghĩa xã hội, theo quan điểm đường lối của Đảng. Thực hiện dân chủ, đồng thời Nhà nước cần thiết và phải thực hiện chuyên chính. Đây là vấn đề Hồ Chí Minh không né tránh. Người giải thích chế độ nào cũng có chuyên chính, vấn đề là ai chuyên chính với ai. Đó là chuyên chính của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động chống sự phá hoại của các lực lượng thù địch, chống sự phản kháng của các giai cấp bóc lột ngóc đầu dậy phá hoại thành quả cách mạng, bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và toàn thể Nhân dân lao động.

    Về phương pháp thực hiện: Giảng viên dặt các câu hỏi gợi mở, thảo luận và phát vấn để kết luận và khẳng định nhân mạnh vấn đề.

    2.3. Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của nhà nước ta không triệt tiêu tính Nhân dân, tính dân tộc

    Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của nhà nước ta không triệt tiêu tính Nhân dân, tính dân tộc nhằm phản bác các quan điểm cho rằng Đảng ta do Hồ Chí Minh sáng lập đã hết vai trò lịch sử, không còn đại diện cho dân tộc Việt Nam trong điều kiện ngày nay, do vậy cần có một chính đảng mới lãnh đạo Nhân dân trong điều kiện hiện nay.

    Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân bởi nhà nước do giai cấp công nhân, thông qua chính đảng cách mạng của mình lãnh đạo. Vì thế, nó không làm lu mờ, không triệt tiêu tính Nhân dân và tính dân tộc.

    Hồ Chí Minh thường nói, ngoài lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Chỉ có giải phóng dân tộc thì giai cấp công nhân mới thực sự được giải phóng. Chính quyền Nhà nước ta là thành quả đấu tranh không chỉ của giai cấp công nhân, mà đồng thời là thành quả cách mạng của Nhân dân, của cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ điều này cũng thể hiện rõ sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân và tính dân tộc của Nhà nước ta.

    Về phương pháp thực hiện: Giảng viên dặt các câu hỏi gợi mở, thảo luận và phát vấn để kết luận và khẳng định nhân mạnh vấn đề.

    2.4. Sự kết hợp giữa vai trò của đạo đức và vai trò của pháp luật

    Nét đặc sắc, một sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm về xây dựng nhà nước pháp quyền phải có sự kết hợp giữa vai trò của đạo đức và vai trò của pháp luật. Đây là luận cứ để phản bác các quan điểm sai trái cho rằng Hồ Chí Minh là nhà đức trị, không dùng pháp luật để quản lý xã hội

    Để xây dựng một nhà nước pháp quyền vững mạnh, Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vai trò của pháp luật trong các hoạt động của đời sống xã hội.

    Hồ Chí Minh nhận thức được điều này từ rất sớm. Năm 1919, trong bản Yêu sách 8 điểm của Nhân dân An Nam, Người đã yêu cầu Chính phủ Pháp và chính quyền thuộc địa ban hành hiến pháp, bãi bỏ chế độ cai trị bằng các sắc lệnh, thay thế vào đó bằng các đạo luật. Người đã diễn ca: “Bảy xin hiến pháp ban hành, Trăm đều phải có thần linh pháp quyền” .

    Với cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã hai lần được cử là Trưởng ban dự thảo Hiến pháp (1946 và 1959), đã ký nhiều đạo luật, sắc lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

    Theo Hồ Chí Minh pháp luật là hình thức, biện pháp khẳng định chuẩn mực, giá trị của đạo đức; chuẩn mực đạo đức càng cao thì vai trò của pháp luật càng quan trọng.

    Hồ Chí Minh coi làm cán bộ, công chức nhà nước cũng là một nghề, nghề làm cán bộ. Khi đề cập đến ”nghề” của cán bộ, đảng viên thì trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, phạm trù trung tâm là “Đức” và “tài”. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ công chức trong bộ máy Nhà nước phải thượng tôn pháp luật, thực hành đạo đức công vụ, phải tu dưỡng đạo đức cách mạng: Trung với nước, Hiếu với dân; Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư. Hồ Chí Minh xác định đạo đức cán bộ, công chức được đặt trên lập trường của giai cấp công nhân và chỉ có một mục đích: Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của Nhân dân; chỉ có một tinh thần: Tận tụy hy sinh vì dân, vì nước. Người coi những kẻ bất liêm (tham nhũng, ăn cắp, ăn hối lộ, tham ô, lãng phí) là phạm tội nặng như tội phản quốc (tội như làm Việt gian, mật thám) và đòi hỏi phải bị nghiêm trị theo pháp luật. Phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực, kết hợp khéo léo vai trò của đạo đức và vai trò của pháp luật. Đây là trí tuệ và kinh nghiệm của một chính trị gia uyên bác.

    Phương pháp thực hiện: Giảng viên giảng gợi mở, phát vấn liên hệ so sánh với đánh giá năng lực của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay để làm rõ hơn vấn đề.

    2.5. Khẳng định những tư tưởng về Nhà nước kiểu mới do Hồ Chí Minh sáng lập trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong điều kiện hiện nay

    Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước kiểu mới, với bản chất nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, về bản chất giai cấp của nhà nước, về thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa...đã được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt quá trình cách mạng, nhất là trong thời ký Đổi mới. Sau 35 năm thực hiện con đường đổi mới, với tinh thần khiêm tốn của người cộng sản có thể khẳng định, chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tính quốc tế như hôm nay.

    Điều đó minh chứng rõ nhất tính khoa học, tính cách mạng, tính trường tồn, tính “mở” trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam trong điều kiện nay. Chính vì thế, Đảng ta đã xác định tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam,  là một trong những nền tảng tư tưởng quan trọng của Đảng trong điều kiện một Đảng cầm quyền ở Việt Nam hiện nay. Đây là những luận cứ để phản bác những quan điểm sai trái, thù địch cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung đã lỗi thời, không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay.

    Chính tính cách mạng, tính trường tồn trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới Hệ thống chính trị”, đồng thời “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội” [1].

    3. KẾT LUẬN

    Nhà thơ Chế Lan Viên với bài bút ký nổi tiếng là “Sen của loài người” có đoạn viết: “Người ra đi từ con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc. Trải qua bốn bể năm châu ôm trùm vào mình tất cả các tri thức đông, tây, kim, cổ để rồi trở lại, nhìn lại con sông Lam của quê hương, con sông Hồng của Tổ quốc với một tầm mắt đại dương”; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, cao lớn về tư tưởng về tầm vóc mà không xa cách với một ai cả. Mới mà không lạ, to lớn mà không làm cho vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp. Mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu” [2].

    Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Người đã để lại cho dân tộc ta, Đảng ta một di sản vô cùng quý báu, đó là hệ thống tư tưởng của Người, trỏ thành nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong điều kiện hiện nay.

    Việc tích hợp những nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong Bài giảng tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân là thật sự cần thiết và quan trọng, giúp cho học viên nhận thức sâu sắc hơn, vận dụng tốt hơn trong hoạt động thực tiễn góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch ở địa phương, cơ sở trong điều kiện hiện nay.

Người viết: TS. Trương Tiến Hưng      

                                                  Hiệu trưởng Trường Chính trị Ninh Thuận 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập 2, tr.325.

2. Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. Sự Thật, Hà Nội, 1990, tr.17. 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 98
  • Trong tuần: 308
  • Tất cả: 140 337
Đăng nhập