56 ngày đêm (từ 13/3/1954 - 7/5/1954) “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là những ngày tháng không thể nào quên. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi xa 70 năm và trở thành một mốc son chói lọi trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong những ngày qua, Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân dân cả nước đang tưng bừng tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Nhưng cũng ngay lúc này, một số thế lực phản động lại bắt đầu chiêu trò cũ xuyên tạc, bóp méo sự thật với những bài viết có nội dung phán xét, xuyên tạc, phủ nhận tầm vóc, giá trị lịch sử to lớn nhằm hạ thấp ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này.
Thông qua các bài viết, các đối tượng chống phá đã bày tỏ cái nhìn sai lệch xuyên tạc lịch sử, cố tình đánh tráo khái niệm, tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chiến thắng Điện Biên Phủ của Nhân dân ta, chúng cho rằng đây “chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến”, rằng thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là “khai hoá văn minh”, chiến thắng Điện Biên Phủ là chấm dứt sự “khai hoá văn minh”. Đây hoàn toàn là những luận điệu xuyên tạc sự thật, bẻ cong lịch sử, hòng phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hạ thấp giá trị lịch sử to lớn của chiến thắng này.
Như chúng ta đã biết, đối với dân tộc Việt Nam, Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là chiến thắng của ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân Việt Nam, là một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm, đồng thời kết thúc gần một thế kỷ đấu tranh kiên cường của dân tộc ta chống sự xâm lược, thống trị của thực dân Pháp, khẳng định ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đối với phong trào các mạng thế giới, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm thất bại hoàn toàn kế hoạch Nava, đập tan ý đồ xâm lược của thực dân Pháp, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, thừa nhận nền độc lập của Nhân dân ba nước Đông Dương, làm sụp đổ từng mảng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, trở thành ngọn cờ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý của thời đại: “Một dân tộc dù nhỏ bé, nếu biết quyết tâm, đoàn kết chiến đấu và có một đường lối đúng thì có thể đánh bại được bất cứ tên đế quốc sừng sỏ nào”.
Trên thực tế, về chính trị, sau khi xâm chiếm Việt Nam, thực dân Pháp đã không áp dụng những thành tựu của cuộc Đại cách mạng Pháp năm 1789 để thủ tiêu chế độ phong kiến chuyên chế đã lỗi thời, thay bằng một chế độ chính trị mới hơn, tiến bộ hơn. Trái lại, thực dân Pháp lại duy trì chế độ phong kiến tay sai cho bộ máy thống trị thực dân. Đặc biệt, thực dân Pháp thi hành ở Việt Nam chính sách pháp luật hết sức phản động, phân biệt đối xử giữa người da trắng và người bản địa. Để duy trì ách thống trị của mình, thực dân Pháp còn thi hành chính sách “chia để trị”, không những thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ của người dân, thực dân Pháp còn thẳng tay chém giết những người Việt Nam yêu nước dám đứng lên chống lại sự thống trị tàn bạo của chúng, tắm các cuộc khởi nghĩa, các phong trào đấu tranh yêu nước trong biển máu.
Về kinh tế, nhằm vơ vét tài nguyên, khoáng sản, làm giàu cho chính quốc, thực dân Pháp đã đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa, đỉnh cao là cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897 - 1914) và lần thứ hai (1919 - 1929), làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước. Đi kèm với đó, hệ thống cơ sở vật chất (đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển, cơ quan, trụ sở…) phục vụ cho việc khai thác thuộc địa được mở mang; một số công trình dân sinh phục vụ cho nhu cầu của giới thực dân được xây dựng, chứ không nhằm đem lại cuộc sống tốt đẹp cho người dân bản xứ. Chính quyền thực dân Pháp đã không những không thủ tiêu chế độ ruộng đất phong kiến, mà còn tiếp tay, dung dưỡng cho nhiều tên địa chủ thực dân và địa chủ tay sai cướp đoạt ruộng đất của các làng xã, của người nông dân và duy trì phương thức kinh doanh phát canh thu tô lạc hậu, nhưng lại rất an toàn. Đó là “công lao” quay ngược bánh xe lịch sử tiến hóa. Do đó, nền kinh tế Việt Nam thời thực dân thực tế vẫn là một nền kinh tế lạc hậu, què quặt và để lại di chứng lâu dài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam sau này.
Về văn hóa - xã hội và y tế, thực dân Pháp đã thể hiện sự “khai hóa” bằng “chính sách ngu dân” để trị. Tuy người Pháp có mở một số trường dạy chữ, dạy nghề, nhưng không phải vì mục tiêu nâng cao dân trí, mà chủ yếu nhằm đào tạo ra một đội ngũ người Việt có thể giúp việc đắc lực cho việc khai thác, bóc lột và duy trì lâu dài nền thống trị thuộc địa của mình. Tình trạng mù chữ vẫn phổ biến trong dân chúng. Theo thống kê năm 1914, bình quân cả ba xứ, chỉ có 20% số trẻ em đến tuổi đi học được đến trường, 80% trẻ em Việt Nam bị thất học. Hầu hết người dân không được hưởng sự chăm sóc y tế, thường xuyên đối mặt với các loại dịch bệnh, đặc biệt là các loại bệnh truyền nhiễm có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng gây tử vong. Chúng còn khuyến khích tiêu thụ rượu, thuốc phiện đề làm suy yếu giống nòi người Việt.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bất cứ lịch sử xâm chiếm thực dân nào thì từ đầu đến cuối đều được viết bằng máu của những người bản xứ. Đó không phải là công cuộc “khai hoá văn minh” mà chỉ mượn đó là cái cớ, làm tấm bình phong để thực hiện dã tâm áp búc, nô dịch. Không thể gọi là “khai hoá văn minh” khi biến một dân tộc độc lập, có chủ quyền thành quốc gia thuộc địa, nửa phong kiến.
Phải khẳng định rằng, trong thời gian ấy, Đảng ta đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng mọi biện pháp giành lấy hoà bình bằng giải pháp đàm phán với Pháp mà cả thế giới đều biết. Nhưng với dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa, chúng đã đưa hàng chục vạn sĩ quan, binh lính của quân đội nhà nghề, với hàng triệu tấn bom đạn, vũ khí, phương tiện chiến tranh tối tân nhất để giáng lên đầu hàng chục triệu người dân vô tội. Dã tâm và hành động đó là không thể biện minh. Nhưng quân ta với quyết tâm chiến đấu quyết liệt, dũng mãnh, ngoan cường dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt mọi khó khăn, thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ, đánh bại kế hoạch Nava của thực dân Pháp, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Những giá trị lịch sử sâu sắc và tầm vóc thời đại to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vẹn nguyên, đã, đang và tiếp tục làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng phấn đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của Nhân dân trong công cuộc đổi mới toàn diện và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.