Pháp chế là một trong những phạm trù cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước và pháp luật. Pháp chế không chỉ có ý nghĩa lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Ở Việt Nam hiện nay, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền, bảo đảm không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân thì pháp chế đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ chế độ xã hội, chế độ nhà nước, đảm bảo các mục đích của sự điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội.
Hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về pháp chế, như “Pháp chế là chế độ chính trị của một nước trong đó việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội và điều chỉnh các quan hệ xã hội đều căn cứ vào luật”[1]; “Pháp chế chính là sự đòi hỏi các cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân phải thực hiện đúng, thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động của mình”[2]; hay “Pháp chế là chế độ thực hiện pháp luật. Pháp chế là sự ngự trị của pháp luật trong đời sống xã hội” [3].
Pháp chế là một phạm trù pháp lý phản ánh một chế độ chính trị - xã hội, trong đó mọi chủ thể trong xã hội phải tôn trọng, thực hiện đúng, nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động của mình và mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật không có ngoại lệ.
Theo đó, một xã hội muốn có pháp chế phải bảo đảm hai điều kiện. Đó là phải có hệ thống pháp luật và hệ thống pháp luật đó phải được mọi chủ thể trong xã hội tôn trọng, nghiêm túc thực hiện. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về Nhà nước và pháp luật thì tương ứng với kiểu nhà nước nào thì có kiểu pháp luật tương ứng ấy, nhưng không phải kiểu nhà nước nào cũng có pháp chế. Chỉ trong xã hội tư bản mới có pháp chế - pháp chế tư sản và trong xã hội chủ nghĩa có pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Pháp chế xã hội chủ nghĩa là chế độ chính trị - xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó các cơ quan, nhân viên nhà nước, tổ chức và mọi công dân tôn trọng, tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh Hiến pháp, pháp luật và mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định pháp luật, không có ngoại lệ.
Nội dung cơ bản của pháp chế xã hội chủ nghĩa được ghi nhận trong các bản Hiến pháp, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định:
“1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ.
2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”[4].
Tuy nhiên ở nội dung này nhiều thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị, tìm mọi cách chống phá cho rằng Đảng, và tổ chức của Đảng, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nằm ngoài Hiến pháp và pháp luật, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, bằng các chiêu trò khác nhau như: Xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đòi phi chính trị lực lượng vũ trang, chống phá quá trình đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thông tin sai trái hình ảnh đất nước, cố tình bịa đặt, vu cáo, bội nhọ, hạ thấp uy tín một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Mục đích cuối cùng các thể lực thù địch muốn chống phá đó là Việt Nam không thể xây dựng Chủ nghĩa xã hội, cũng như không thể có nền pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Để đấu tranh lại luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chúng ta phải cần khẳng định nền pháp chế xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng đang ngày càng hoàn thiện. Tại Điều 4, Hiến pháp 2013 quy định:
“1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.
3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.”[5]
Như vậy, Hiến pháp đã nhấn mạnh vị trí thượng tôn của Hiến pháp, pháp luật đối với mọi chủ thể và yêu cầu đối với cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ và đời sống xã hội.
Trong quá trình thực hiện những nội dung xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa về hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện pháp luật đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhằm nâng cao vị thế quốc gia, việc tổ chức thực hiện pháp luật phát huy được tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng pháp luật từ mọi tầng lớp nhân dân, quá trình thực hiện văn bản quy phạm pháp luật đã đáp ứng một số tiêu chí như đồng bộ, thống nhất. Hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, giải thích pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân triển khai trên toàn quốc mang lại kết quả nhất định. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý, giúp công tác phổ biến giáo dục pháp luật được triển khai đồng bộ thống nhất, xuyên suốt trên phạm vi cả nước. Nhiều xã trên toàn quốc đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chú trọng đổi mới đa dạng các hình thức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đảng đã huy động sức mạnh các cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi vi phạm pháp luật, đặc biệt là đấu tranh với các tội phạm chức vụ, tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng có bước tiến bộ, được Nhân dân ghi nhận. Phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân trong hoạt động đời sống xã hội, giúp phát huy quyền con người, quyền công dân, xây dựng, cũng cố nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường pháp chế XHCN.
Thiết nghĩ để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch về pháp chế xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với pháp chế xã hội chủ nghĩa. Bởi lẽ, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội với vai trò là một đảng duy nhất cầm quyền, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về quyết định của mình. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước là lãnh đạo toàn diện cả về tổ chức và các hoạt động của Nhà nước trong đó có công tác pháp chế.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu đồng bộ, tính ổn định chưa cao; một số quy định chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khó đi vào cuộc sống. Để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa đòi hỏi Nhà nước phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật.
Hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật ở Việt Nam đặc biệt là ở các cấp cơ sở còn tồn tại nhiều hạn chế. Do đó, cần đẩy mạnh các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan pháp chế các ngành, địa phương để nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của cán bộ và Nhân dân.
Thứ tư, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, xử lý nghiêm minh các vi phạm pháp luật.
Như vậy, việc đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc về pháp chế XHCN vấn đề tất yếu khách quan và cấp thiết trong công cuộc đổi mới, là vấn đề mang ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, là điều kiện, biện pháp bảo đảm quyền dân chủ của Nhân dân./.
[1] Hoàng Phê (Chủ biên): Từ điển Ngôn ngữ, Nxb. Đà Nẵng, 1992, tr.757-758
[2] Khoa Luật: Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H.1998,tr.354.
[3] Viện Nhà nước và Pháp luật: Tài liệu học tập môn Nhà nước và Pháp luật, Nxb.Chính trị - Hành chính, H.2013, tr.30.
[4] Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2013, tr.12.
[5] Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2013, tr.2.