Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nam bộ. Vấn đề đặt ra là phải làm thế nào để đoàn kết, hòa hợp các dân tộc cùng phát triển, bình đẳng với nhau?
Trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng hiệu quả, sáng tạo và không ngừng hoàn thiện nhận thức lý luận về dân tộc và giải quyết quan hệ dân tộc một cách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho từng thời kỳ. Nếu như các văn kiện từ Đại hội II đến Đại hội V, Đảng nhấn mạnh nguyên tắc: “Đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc”, thì bắt đầu từ Đại hội VI đến Đại hội XI, nguyên tắc này tiếp tục được khẳng định và bổ sung thành: “Đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ lẫn nhau” (Đại hội VI, VII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ” (Đại hội VIII), “Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội IX), “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Đại hội X), “Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” (Đại hội XI), “Bình đẳng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển” (Đại hội XII). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí chiến lược của chính sách đoàn kết các dân tộc trên cơ sở “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”. Như vậy, hơn 90 năm qua, trong thực hiện chính sách dân tộc, Đảng luôn nhất quán theo nguyên tắc: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ trên tinh thần tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Một trong những nguyên tắt có tính bất biến trong thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta đó là quyền “bình đẳng” giữa các dân tộc - đó là quyền ngang nhau, không phân biệt dân tộc đa số hay thiểu số, có trình độ văn hóa, dân trí cao hay thấp, là bình đẳng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và được bảo đảm bằng pháp luật. Theo đó, bình đẳng giữa các dân tộc thể hiện trước hết ở sự bảo đảm và tạo mọi điều kiện để các dân tộc có cơ hội phát triển ngang nhau. Theo đó, thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để bảo đảm công bằng xã hội giữa các dân tộc. Tuy nhiên, công bằng xã hội không có nghĩa là cào bằng, dàn đều, mà thể hiện ở khâu phân phối tư liệu sản xuất và phân phối kết quả sản xuất, ở việc tạo điều kiện cho mọi người, mọi cộng đồng, dân tộc có cơ hội phát triển và sử dụng tốt năng lực, tiềm năng, thế mạnh của mình.
Ngoài ra, nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc của Việt Nam là các dân tộc cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng khẳng định: “Trong việc phát triển kinh tế, xã hội ở những nơi có đông đồng bào các dân tộc thiểu số, cần thể hiện đầy đủ chính sách dân tộc, phát triển mối quan hệ tốt đẹp gắn bó giữa các dân tộc trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng, giúp đỡ nhau cùng làm chủ tập thể”[1]. Để thực hiện được mục tiêu trên, Đảng chủ trương: “Đầu tư thêm và tập trung sự cố gắng của các ngành, các cấp, kết hợp với động viên tinh thần tự lực, tự cường của nhân dân các dân tộc để khai thác, bảo vệ và phát triển thế mạnh về kinh tế ở các vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số cư trú. Đẩy mạnh công tác định canh, định cư, ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào, trước hết ở các vùng cao, biên giới, các vùng căn cứ cũ của cách mạng và kháng chiến”[2]. Điều này thể hiện rõ mục tiêu trong chính sách dân tộc của Đảng ta là không ngừng nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị của từng dân tộc; làm cho mỗi dân tộc được phát triển một cách toàn diện và bền vững; đồng thời, qua đó, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chính sách dân tộc của chúng ta là nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội”[3], Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành hệ thống văn bản chặt chẽ để thực hiện chính sách dân tộc hướng đến mục tiêu cao nhất là đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Qua thống kê đến năm 2020, Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc. 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có 136 chính sách dân tộc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Chính sách dân tộc của Đảng vừa thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” vừa phát huy các giá trị truyền thống quý báu của từng dân tộc, của mỗi thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Đây chính là cơ sở và động lực mạnh mẽ của tiến trình phát triển đất nước hiện nay.
Với những chính sách thiết thực, phù hợp vơi tình hình thực tiễn, sau hơn 15 năm thực hiện 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng đã có những thành tựu nhất định: Quyền bình đẳng của các dân tộc được đảm bảo trên các lĩnh vực chính trị, trong các quan hệ xã hội và trước pháp luật; các dân tộc ngày càng hiểu biết tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố và tăng cường, các dân tộc gắn bó bên nhau, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, như: giao thông, nước cho sinh hoạt và sản xuất, điện, thông tin liên lạc, trạm xá, các thiết chế văn hóa, y tế, trường, lớp học được ưu tiên xây dựng đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn đặc biệt là trong vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Sản xuất ngày càng phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên từng bước, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số có nhiều tiến bộ, đạt thành tựu to lớn. Đến nay, đã cơ bản xóa mù chữ và phổ cập giáo dục bậc Tiểu học, trung học cơ sở; các loại hình trường nội trú, bán trú phát triển, tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số phát triển giáo dục, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số ở các vùng, miền có nhiều khởi sắc; các giá trị văn hóa dân tộc tốt đẹp được quan tâm bảo tồn và phát huy. Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số được cải thiện góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng và chất lượng dân số; đồng bào nghèo được khám, chữa bệnh miễn phí và hưởng chính sách bảo hiểm y tế theo quy định; mạng lưới y tế ở vùng dân tộc thiểu số phát triển.
Từ những lý luận phù hợp, sáng tạo và minh chứng từ thực tiễn chính là bằng chứng sắc bén để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc; bác bỏ những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc của các thế lực thù địch hòng phủ nhận thành tựu bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số và lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, chia rẽ, tạo sự bất ổn về chính trị ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá toàn diện về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và xuất phát từ yêu cầu của tình hình mới, cần phải khẳng định rằng: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”./.
[1] Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VIII, VIIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.76
[2] Văn kiện đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập, sđd, tr.75
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12, tr.372
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.12.
2. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VIII, VIIII, IX, X, XI), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.