Tích hợp phản bác các quan điểm xuyên tạc lịch sử trong giảng dạy bài "Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam"

Tóm tắt: Trong giảng dạy nội dung bài Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thuộc học phần B.I, giảng viên đã tích hợp phản bác các quan điểm xuyên tạc lịch sử với hai cách thức: đưa ra quan điểm tự giảng viên khẳng định là quan điểm sai trái và lý giải; đưa ra quan điểm cho học viên bày tỏ ý kiến, lý giải và giảng viên định hướng. Thực tế giảng dạy ở các Lớp Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị Ninh Thuận đã khẳng định đây là một giải pháp tạo được sự hứng thú cho học viên.

Học phần B.I. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị năm 2021 so với Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính năm 2014 được biên soạn theo hướng hoàn toàn mới. Với nội dung Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, nếu Chương trình Trung cấp lý luận chính trị - hành chính năm 2014 được biên soạn thành 6 bài với 32 tiết thì trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị năm 2021 được biên soạn chỉ trong 1 bài với 12 tiết (riêng Trường Chính trị Ninh Thuận sau khi cân nhắc nội dung giữa các bài đã quyết định giảng bài này 16 tiết). Nội dung bài Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam là nội dung bài đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hệ thống lại toàn bộ kiến thức cơ bản cho học viên về sự ra đời và quá trình phát triển, lãnh đạo cách mạng hơn 90 năm của Đảng. Vấn đề đặt ra là giảng như thế nào, hệ thống bằng phương pháp nào để tạo sự lôi cuốn cho học viên về những sự kiện lịch sử mà cơ bản học viên đã ít nhất hai lần được học tập và hàng năm đều được tuyên truyền nhân ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

Trường Chính trị Ninh Thuận đã triển khai Chương trình Trung cấp lý luận chính trị năm 2021 ở 04 Lớp Trung cấp lý luận chính trị (02 lớp hệ không tập trung khóa 69, khóa 70, 02 lớp hệ tập trung khóa 26, khóa 27).  Với sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu mỗi bài giảng của giảng viên cần phải có sự lồng ghép phù hợp để góp phần tuyên truyền, định hướng thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị. Theo đó, nội dung bài Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thuộc học phần B.I đã được triển khai giảng dạy ở 04 lớp và có lồng ghép cùng học viên phản bác các quan điểm xuyên tạc lịch sử  về các nội dung có liên quan đến lịch sử cách mạng Việt Nam, đến vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đây là nội dung bài thể hiện kiến thức tổng quát, mang tính hệ thống, đặt cơ sở để có thể học tốt 3 bài học còn lại của học phần B.I, do đó đỏi hỏi học viên phải ghi nhớ được. Để ghi nhớ được, học viên phải tự mình vận dụng. Nắm bắt được điều đó trong quá trình trao đổi với học viên bài học này, thay vì giáo viên sử dụng phương pháp truyền thống để trình bày các sự kiện lịch sử liên quan đến bối cảnh lịch sử, chủ trương đường lối của Đảng đề ra, Đảng lãnh đạo thực hiện chủ trương, đường lối đó và kết quả đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, giảng viên đã tích hợp phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc sự thật lịch sử với 2 cách thức.

Cách thức thứ nhất là giảng viên đưa ra quan điểm và định hướng cho học viên đây là quan điểm sai trái và vận dụng các cứ liệu lịch sử một cách phù hợp để bác bỏ các quan điểm đó. Cách thức này được áp dụng trong khi giảng phần 1.1.2 Tình hình trong nước thuộc phần 1.1. Bối cảnh sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi nói đến chính sách cai trị của thực dân Pháp và sự tác động đến xã hội Việt Nam, giảng viên đã gợi mở cho học viên có một luận điểm cho rằng: “Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam là khai hóa văn minh”. Giảng viên đặt ra vấn đề luận điểm này có chính xác không? Vì sao? Sau đó giảng viên khẳng định quan điểm hoàn toàn không đúng và lý giải cho học viên hiểu như thế nào là khai hóa văn minh, đồng thời chỉ rõ chính sách cai trị của Pháp ở Việt Nam và cả Đông Dương là bóc lột nặng nề về kinh tế, chuyên chế về chính trị, kìm hãm và nô dịch về văn hóa nhằm đem lại lợi nhuận tối đa cho tư bản lũng đoạn Pháp chứ không phải đem đến cho Nhân dân Việt Nam và Đông Dương “sự khai hóa văn minh”, không phải là “khai hóa và cải tạo theo kiểu phương tây”. Cái gọi là “sứ mạng khai khóa” chính là sự khai thác thuộc địa của bọn thực dân bằng lưỡi lê, họng súng, giá treo cổ và hãm hiếp phụ nữ. Nói về các “nhà khai hóa” thực dân, Hồ Chí Minh vạch rõ: “Khi người ta đã là một nhà khai hóa thì người ta có thể làm những việc dã man mà vẫn cứ là người văn minh nhất” và nếu dân bản xứ không nhịn nhục được phải vùng lên, thì các nhà khai hóa “đưa quân đội, súng liên thanh, súng cối và tàu chiến đến. Người ta bắt bớ và bỏ tù hàng loạt. Đấy, đức nhân từ của Công cuộc khai hóa như thế đấy”[1].

Cách thức thứ hai là giảng viên đưa ra một số quan điểm đánh giá, giành thời gian cho học viên nghiên cứu nội dung kiến thức, cho ý kiến nhận diện đó là quan điểm sai trái hay không sai trái và đưa ra được lập luận, cơ sở cho ý kiến của mình. Cách thức này được áp dụng khi giảng mục 2.2, 2.3, 3.2.2.

Trong phần 2.2. Đảng lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (từ tháng 9-1945 đến tháng 7-1954) và phần 2.3. Đảng lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), giảng viên cho học viên thời gian nghiên cứu giáo trình, các tài liệu khác, thảo luận với nhau và trình bày ý kiến của nhóm đối với luận điểm: Trong giai đoạn 1945 - 1975, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tránh xảy ra chiến tranh và trên thực tế Việt Nam đã bỏ lỡ; việc Đảng ta chủ động phát động toàn dân kháng chiến là thể hiện sự hiếu chiến và tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh. Trong quá trình học viên trình bày ý kiến, giảng viên định hướng, gợi mở. Sau đó học viên đánh giá nhận xét các ý kiến của học viên và định hướng học viên hiểu rõ các khái niệm có liên quan, cách vận dụng các căn cứ lịch sử để bác bỏ đây là quan điểm xuyên tạc sự thật lịch sử. Vì thực tế lịch sử giai đoạn 1945 - 1975 đã chứng minh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn thể hiện lập trường ưu tiên giải quyết các vấn đề bằng phương pháp hòa bình, bằng thương lượng, hạn chế tối đa chiến tranh xảy ra, điển hình là sự chủ động giải quyết bằng chủ trương hòa hoãn giai đoạn 1945 - 1946, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, đấu tranh chính trị trong giai đoạn 1954 - 1959 và thực tế những vấn đề mang tính nguyên tắc của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước bị xâm phạm là đến lúc Việt Nam không thể nhân nhượng được nữa do đó kiên quyết đấu tranh chống lại sau khi đã thể hiện rõ thiện chí hòa bình nên không thể nói rằng “việc Đảng ta chủ động phát động toàn dân kháng chiến là thể hiện sự hiếu chiến và tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh”.

Trong phần 3.2.2. Đảng lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thời kỳ đổi mới (từ 1986 đến nay), giảng viên cho học viên thời gian nghiên cứu giáo trình, các tài liệu khác, thảo luận với nhau và trình bày ý kiến của nhóm đối với luận điểm: công cuộc đổi mới ở Việt Nam là một sự bắt chước (nghĩa là thấy nước ngoài đổi mới, Việt Nam đổi mới theo). Sau đó giảng viên định hướng cho học viên dựa trên cơ sở khẳng định Việt Nam tiến hành đổi mới đất nước là sự tất yếu của lịch sử, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, đáp ứng yêu cầu đòi đỏi đưa đất nước ta thoát khỏi tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng về kinh tế - xã hội và khẳng định những nội dung đường lối đổi mới của Đảng thể hiện trong Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ VI, sau đó là sự bổ sung, phát triển đường lối đổi mới qua các kỳ Đại hội của Đảng từ lần thứ VII đến lần thứ XIII là sự phát triển tư duy nhận thức của Đảng trên cơ sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn của Việt Nam, học hỏi những kinh nghiệm hay của các mô hình phát triển về các lĩnh vực của các nước trên thế giới chứ không phải là một sự sao chép máy móc, rập khuôn, xa rời thực tiễn Việt Nam.

Với hai cách thức tích hợp phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về sự thật lịch sử, về vai trò lãnh đạo của Đảng qua giảng dạy bài Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã thực sự tạo được sự hứng thú cho học viên với không khí lớp học sôi nổi, nhiều lượt học viên tham gia phát biểu, tranh luận. Qua đó học viên được trang bị một cách hệ thống các kiến thức cơ bản, đồng thời vận dụng các kiến thức đó trong phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử. Vì vậy tích hợp phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giảng dạy nội dung bài Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và mở rộng áp dụng cho các bài khác của học phần B.I và các học phần khác trong Chương trình Trung cấp lý luận chính trị năm 2021 để góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép: vừa nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường vừa góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện tốt nghị quyết 35 - NQ/TW về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

 

ThS. Trần Thị Thu Hường         

                                                       [GV. Khoa Xây dựng Đảng, Đoàn thể]


[1] Dẫn lại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (đề cương bài giảng dùng trong các trường đại học và cao đẳng từ năm học 1991-1992), Nxb. Giáo dục, H. 1995, tr 11-12





Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 128
  • Trong tuần: 338
  • Tất cả: 140 367
Đăng nhập