Giảng dạy lý luận chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết 35 tại các Trường Chính trị hiện nay

Giảng dạy lý luận Chính trị hiện nay phải thường xuyên cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những thành tựu của đất nước và gắn liền với đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

         Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là đòi hỏi khách quan, là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa thường xuyên, cơ bản, lâu dài và phải sử dụng tổng hợp các biện pháp, các lực lượng cũng như các hình thức chống lại sự xuyên tạc, phá hoại và cả những nhận thức sai trái của các lực lượng bên ngoài, bên trong nhằm giữ vững vai trò nền tảng tư tưởng của Đảng. Để góp phần vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay thì việc đổi mới công tác giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được xem là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vô cùng quan trọng.

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ngay mở đầu tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Người đã trích chỉ dẫn của V.I.Lênin: “Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động,... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong”[1]. Cũng trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), Người viết: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắt mà đi”[2]. Người nêu rõ phương châm, phương pháp học tập lý luận là lý luận liên hệ với thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Trong Đảng, “về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác-Lênin” và “giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng” nói chung và xem nhẹ việc học tập lý luận nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, để góp phần đem đến sự thành công trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thì không thể thiếu vai trò của giảng viên các Trường Chính trị với công tác giảng dạy lý luận đồng thời cũng là lực lượng đi đầu trong đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị người giảng viên truyền tất cả lý luận và gắn với thực tiễn sinh động của quê hương, đất nước, thời đại giúp cho mỗi học viên hiểu rõ hơn bài giảng, hiểu rõ những thành tựu mà thế hệ trước đã tạo ra, để từ đó gắn với trách nhiệm của bản thân học viên không chỉ là hiểu mà còn phải vun đắp, bảo vệ những thành quả đó. Đây cũng chính là sự thành công trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng từ giảng viên các Trường Chính trị. Trong từng nội dung bài giảng, người giảng viên có sự nhận diện, chỉ rõ những luận điểm mà các thế lực thù địch thường lợi dụng để xuyên tạc và thực hiện đấu tranh. Ví dụ tại học phần A.V (nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học), ở bài 18: Một số quy luật, phạm trù cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa học, giảng viên có thể lồng ghép việc nhận diện và đấu tranh phản bác một số quan điểm sai trái, thù địch như có một số quan điểm cho rằng, hiện nay chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh và tiệm tiến lên chủ nghĩa xã hội, do vậy không cần đến sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân nữa. Từ sự nhận diện, giảng viên lồng ghép vào nội dung bài và đưa ra luận cứ phản bác: Trong thời đại kinh tế tri thức, công nghệ số phát triển mạnh như hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang có những điều chỉnh về sở hữu; về cách thức tổ chức quản lý quá trình sản xuất, quan hệ chủ - thợ; về phân phối lợi ích đối với người lao động,… nhằm bảo vệ lợi ích cho nhà tư bản trước sự đe dọa bùng nổ cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân và người lao động thực hiện. Tuy nhiên, cần hiểu rõ sự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản như “van an toàn” nhằm xoa dịu những mâu thuẫn nội tại của nó và làm giảm nhiệt huyết của đấu tranh giai cấp công nhân và người lao động bị áp bức, làm cho cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng trở nên khó nhận diện và phức tạp hơn. Song điều này không thể giải quyết triệt để những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản. Bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không hề thay đổi cho dù họ có những biện pháp điều chỉnh tinh vi. Do vậy, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không hề thay đổi. Chỉ có giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản mới giải quyết được triệt để tất cả những mâu thuẫn đó và mới xây dựng được một xã hội mới nhân văn, tiến bộ, thực sự vì con người. Thực tiễn lịch sử cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam gần một thế kỷ qua đã chứng minh điều đó. Hay ở học phần A.VII, một số nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh tại bài 1: Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên có thể lồng ghép thực hiện Nghị quyết 35, nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam là “một sai lầm của lịch sử”; chúng phủ nhận công lao to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam. Giảng viên lồng ghép ngay trong bài 1 để trang bị cho học viên các luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trên. Cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã thay đổi vận mệnh của cả dân tộc ta từ thân phận một dân tộc nô lệ thành một đất nước độc lập, tự do. Với thế giới, Người đã góp phần vào cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Cuối thế kỷ XIX đầu thế XX đất nước chìm đắm trong cảnh nô lệ, lầm than, Người đã ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn đó là con đường cách mạng vô sản. Ở Việt Nam, sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ thực sự được tỏa sáng khi Người vận dụng sáng tạo để lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nên thắng lợi vẻ vang ở thế kỷ XX.

         Như vậy, đòi hỏi cấp thiết hiện nay là cần phải nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đó giảng viên ở các trường Chính trị phải là người đi đầu. Chính vì vậy, việc soạn giáo án đòi hỏi người giảng viên cần lồng ghép nội dung đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác quan điểm sai trái, thù địch vào trong quá trình soạn bài của mình, để tăng thêm sức thuyết phục cho buổi giảng, đồng thời qua đó giúp học viên có thêm kiến thức thực tiễn để hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Giảng viên cần cập nhật thông tin từ nhiều phía, nhiều góc độ khác nhau, từ đó lựa chọn những tình huống hay câu hỏi liên quan đến công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tiến hành trao đổi, thảo luận với học viên.

         Một số giải pháp nhằm gắn giảng dạy lý luận chính trị với nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiệu quả, như sau:

         Thứ nhất, mỗi giảng viên phải không nâng cao trình độ chuyên, nghiệp vụ, có kiến thức lý luận và thực tiễn sâu sắc, thường xuyên cập nhật các vấn đề thời sự, liên hệ những giá trị, những thành quả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong các thời kỳ cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

         Thứ hai, giảng viên phải có phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy tính sáng tạo của học viên và nâng cao kỹ năng vận dụng vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn tại cơ quan, đơn vị. Vận dụng phương pháp này để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của lực lượng thù địch nhằm bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng. 

         Thứ ba, thường xuyên cập nhật Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và lồng ghép nội dung đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng vào các nội dung bài giảng.

         Thứ tư, tham gia viết sách, báo, các bài khoa học, cuộc thi viết chính luận nhằm lan tỏa ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, giảng viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

         Tóm lại, giảng dạy lý luận chính trị ở các trường Chính trị hiện nay phải gắn với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn./.

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.2011, t.2, tr.279.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG ST, H.2011, t.5, tr.273-274.

Tác giả: Bùi Thị Hương - Giảng viên Khoa LLCS




Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 380
  • Trong tuần: 590
  • Tất cả: 140 619
Đăng nhập