Kinh tế tư nhân, hiểu cách khái quát chung, là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư. Kinh tế tư nhân là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Hiểu ở cấp độ hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể.
Nhằm thực hiện âm mưu phủ nhận, xuyên tạc về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có việc phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động đã “rêu rao” bằng nhiều luận điệu khác nhau như: “Việt Nam đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, ở Việt Nam hiện nay chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”; “Phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo để phát triển theo tư bản chủ nghĩa, mở đường cho “tư nhân hóa”, “tự do hóa” về kinh tế và “dân chủ”, “nhân quyền” về chính trị ở Việt Nam”... Đây là những luận điệu xuyên tạc, thiếu cơ sở của các thế lực nhằm vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó có kinh tế tư nhân. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, Sở hữu tư nhân ra đời từ rất sớm và là khái niệm không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản.
Xét về lịch sử, sở hữu tư nhân xuất hiện ngay từ khi phương thức sản xuất cộng sản nguyên thủy tan rã và xã hội chiếm hữu nô lệ ra đời. Trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức, khi bàn về các hình hình thức sở hữu, Ph. Ăngghen cho rằng, quyền sở hữu tư nhân - hay chế độ tư hữu đã manh nha ở chế độ phụ quyền: “Chế độ mẫu quyền đã nhường chỗ cho chế độ phụ quyền; do đó sở hữu tư nhân vừa mới nảy sinh đã chọc được một lỗ thủng đầu tiên trong chế độ thị tộc”[1]. Trong chế độ phụ quyền, “đàn ông đánh giặc, đi săn bắn và đánh cá, tìm nguyên liệu dùng làm thức ăn và kiếm những công cụ cần thiết cho việc đó. Đàn bà chăm sóc việc nhà, chuẩn bị cái ăn và cái mặc; họ làm bếp, dệt, may vá. Mỗi bên làm chủ trong lĩnh vực hoạt động riêng của mình: đàn ông làm chủ trong rừng, đàn bà làm chủ ở nhà. Mỗi bên đều là người sở hữu những công cụ do mình chế tạo ra và sử dụng: đàn ông làm chủ vũ khí, dụng cụ săn bắn và đánh cá; đàn bà làm chủ những dụng cụ gia đình”[2]. Chính sự phân công lao động, trước hết là lao động gia đình trong chế độ phụ quyền là cơ sở để làm xuất hiện chế độ “sở hữu tư nhân”. Do đó, sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân manh nha ra đời từ rất sớm và là khái niệm không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản có đặc trưng cơ bản là gắn liền với sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và kinh tế tư bản tư nhân. Do vậy, luận điệu cho rằng, “Việt Nam đang phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa tư bản đang diễn ra một cách cuồng nhiệt”, hay “Phát triển kinh tế tư nhân là quay lại đúng quỹ đạo để phát triển theo tư bản chủ nghĩa”, mở đường cho “tư nhân hóa”, “tự do hóa” về kinh tế và “dân chủ”, “nhân quyền” về chính trị ở Việt Nam... là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Thứ hai, Phát triển kinh tế tư nhân là để rút ngắn thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Trên cơ sở tổng kết thưc tiễn nước Nga, V.I.Lênin cho rằng, chúng ta không nên sợ thú nhận rằng, ở đây chúng ta có thể và phải học tập nhiều hơn nữa ở bọn tư bản. Việc sử dụng chủ nghĩa tư bản tư nhân trong nên kinh tế quá độ không trái với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Những người vô sản có thể sử dụng chủ nghĩa tư bản tư nhân (chứ đừng nói gì đến chủ nghĩa tư bản nhà nước) để xúc tiến chủ nghĩa xã hội[3] và để “chuyển sang chủ nghĩa cộng sản, thì cần thiết phải có một loạt bước quá độ như chủ nghĩa tư bản nhà nước…”[4]. Như vậy, trong thực tiễn và lý luận, V.I. Lênin đã chỉ ra rằng trong thời kỳ quá độ cần phải sử dụng cả thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa như tư bản nhà nước, tư bản tư nhân cho mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga – Xô Viết và ông xem đó như là biện pháp tối ưu để tạo ra động lực, giải phóng sức sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội để vực dậy đất nước sau chiến tranh, tạo tiền đề cơ sở vật chất để xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khi đề cập về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thông qua quá trình tổng kết thực tiễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, đó là “một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp, vì nó phải tạo sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, lực lượng sản xuất rất thấp, lại trải qua mấy chục năm chiến tranh, hậu quả rất nặng nề; các thế lực thù địch thường xuyên tìm cách phá hoại cho nên lại càng khó khăn, phức tạp, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước đi, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen nhau, có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”[5]. Do vậy, thật “khiên cưỡng” khi áp đặt quan hệ sản xuất vượt trước so với trình độ lực lượng sản xuất lạc hậu, điều đó trở thành lực cản khiến động lực sản xuất không được phát huy, dẫn đến dự trì trệ. Xuất phát từ những cơ sở nêu trên, việc xậy dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta có “nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế” trong đó, xem việc phát triển kinh tế tư nhân “là một động lực quan trọng của nền kinh tế” là lựa chọn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta. Thực tiễn đã chứng minh sự đóng góp của kinh tế tư nhân vào sự phát triển kinh tế của đất nước bằng những con số thuyết phục: kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm từ 40% đến 42% GDP của đất nước; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và trình độ quản trị doanh nghiệp; trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh dần được nâng lên.
Thực tiễn sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế của Việt Nam chúng ta đã có những bước phát triển vượt bậc chứng tỏ vị thế, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế. Kinh tế Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có chỉ số tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện, các nguồn lực kinh tế được huy động đáng kể tham gia vào phát triển đất nước. Đây là những kết quả khẳng định sự đúng đắn con đường mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn, là lời phản bác đanh thép nhất cho những luận điệu xuyên tạc, thiếu khoa học của thế lực thù địch về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, Nxb. CTQG, T.21, tr.151
[2] C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Sđd, T.21, 236 - 237
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t.43, tr.281
[4] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2005, t.44, tr.189
[5] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, H, 2021.