Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ

Thế hệ trẻ có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn có những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Vì vậy cần phải chăm lo bồi dưỡng chính trị cho thế hệ trẻ.

         Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin sâu sắc vào thế hệ trẻ, đặt thế hệ trẻ ở vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người khẳng định vai trò to lớn của tuổi trẻ trong sự phát triển và trường tồn của dân tộc: “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Người căn dặn: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội “vừa hồng, vừa chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Vì vậy, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu niên có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng, củng cố tình cảm, niềm tin, bản lĩnh chính trị, qua đó xây dựng thế hệ trẻ có hoài bão, lý tưởng, khát vọng và trách nhiệm để xứng đáng làm chủ nước nhà.

         Thực hiện lời di huấn của Người, Đảng ta luôn đánh giá cao vai trò, vị trí của thanh niên trong các giai đoạn của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng luôn đặt niềm tin vững chắc vào thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới đất nước. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thanh niên thành lớp người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, của gia đình, nhà trường và xã hội.

         Cùng với sự phát triển của đất nước, những năm qua, phương thức giáo dục của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh liên tục được đổi mới, với nhiều cách làm hay, hiệu quả, như ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong giáo dục chính trị và nắm bắt, định hướng tư tưởng thanh niên, thiếu niên. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới với 12 tiêu chí cụ thể phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức, đặc điểm, điều kiện sống, học tập, lao động của thanh, thiếu nhi từ giá trị cốt lõi “Tâm trong - Trí sáng - Hoài bão lớn”. Tập trung giáo dục thanh niên về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần yêu nước của thanh, thiếu nhi. Giáo dục lòng nhân ái, tính trung thực, trách nhiệm, tinh thần hiếu học, yêu lao động, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, thiếu niên trong tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Phát hiện, bồi dưỡng, tuyên dương điển hình tiên tiến và huy động người nổi tiếng, có uy tín để định hướng, giáo dục thế hệ trẻ; sử dụng không gian mạng để giáo dục.

         Tuy nhiên, do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay chưa nhận thức tốt trong việc rèn luyện, phấn đấu; có nơi, có lúc còn có những biểu hiện giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động nên đã có những việc làm trái pháp luật, đi ngược lại lợi ích của dân tộc. Mặt khác, công tác giáo dục của tổ chức Đoàn thanh niên hiện nay tuy rộng nhưng chưa sâu, một số hoạt động còn nặng hình thức; một số phong trào mới chỉ thu hút đoàn viên tích cực, thanh niên tiên tiến tham gia, kết quả thiếu tính bền vững.

         Để tiếp tục phát huy vai trò và nêu cao tinh thần trách nhiệm của thế hệ trẻ trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước hiện nay bản thân đề xuất một số giải pháp sau:

         Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược lâu dài của việc giáo dục lý tưởng cách mạng đối với thanh niên.

         Với tư cách là đối tượng giáo dục, quá trình hình thành lý tưởng cách mạng chịu tác động bởi các chủ thể chính là sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự tham gia của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có vai trò trực tiếp của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam,... Lý tưởng cách mạng là định hướng giá trị cơ bản, bao trùm, chi phối các giá trị định hướng khác trong hoạt động của thanh niên. Vì vậy, trong công tác giáo dục thanh niên, cần nhận thức vai trò đặc biệt của giáo dục lý tưởng cách mạng, gắn giáo dục lý tưởng cách mạng với giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên.

         Thực tế cho thấy, ở đâu và lúc nào mà việc giáo dục nói chung, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên nói riêng được quan tâm thì tính tích cực chính trị - xã hội của họ sẽ được phát huy.

         Hai là, phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ.

         Để phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thế hệ trẻ trong tham gia các phong trào hành động cách mạng, các cơ quan, tổ chức cần có nhiều hình thức và biện pháp phù hợp để khơi dậy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ, động viên đi đầu thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cần có nhiều hình thức hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với thế hệ trẻ, lôi cuốn thế hệ trẻ tham gia tích cực trên các lĩnh vực, các địa bàn khó khăn, thể hiện rõ vai trò xung kích của thanh niên với tinh thần: đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên. Ba là, quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của thanh niên, tổ chức thanh niên tham gia tích cực vào phong trào thi đua yêu nước, phong trào hành động cách mạng.

         Nhu cầu, lợi ích là động lực trực tiếp trong hoạt động của con người. Việc bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu, lợi ích hợp lý, chính đáng, thiết thực của thanh niên về nhiều mặt, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập; việc tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hóa.

         Ba là, chăm lo xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh, thật sự là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên”.

         Với phương châm hướng về cơ sở, cần nâng cao chất lượng của tổ chức cơ sở đoàn, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ đoàn trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên vào Đoàn và giới thiệu đoàn viên ưu tú bổ sung vào hàng ngũ của Đảng - lực lượng tiên phong lãnh đạo, tổ chức quá trình hiện thực hóa lý tưởng cách mạng của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

         Bốn là, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch.

         Thanh niên hiện nay cơ bản có trình độ văn hóa cao, khả năng sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin tốt, nhanh nhạy với cái mới, do đó thanh niên ra sức học tập nâng cao trình độ mọi mặt, phát triển tư duy lý luận của mình bằng những tri thức khoa học mới gắn với thực tiễn sinh động để góp phần đấu tranh, phản bác những “chiêu trò” xuyên tạc, hướng lái dư luận… hết sức tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch. Đồng thời, tăng cường trao đổi, chia sẻ, học tập những kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình, cách làm hay, sáng tạo; kịp thời sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng tổ chức đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả và chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hạn chế, yếu kém, sai phạm.

         Những giải pháp nêu trên cần được triển khai đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các nhân tố khách quan và chủ quan, nội và ngoại lực trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên hiện nay.

Tác giả: Trần Thị Huyền Trang - Khoa NNPL




Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 209
  • Trong tuần: 419
  • Tất cả: 140 448
Đăng nhập