Nhận diện và phản bác về những vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền con người”

Việt Nam là một trong số ít các nước hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tích cực, chủ động đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Trong đó, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam với mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những thành tựu này được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. Bất cứ thế lực thù địch, chống phá nào cũng không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam được Liên hợp quốc tín nhiệm bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

         Nhận diện những mũi tấn công nguy hiểm của những kẻ trơ tráo vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền con người”.

         Quyền con người là những giá trị cao quý, kết tinh từ nền văn hóa của tất cả các dân tộc trên thế giới. Đây là tiếng nói chung, mục tiêu chung và phương tiện chung của toàn nhân loại để bảo vệ và thúc đẩy nhân phẩm và hạnh phúc của mọi con người. Được chính thức pháp điển hóa trong luật quốc tế kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quyền con người hiện đã trở thành một hệ thống các tiêu chuẩn pháp luật quốc tế có tính chất bắt buộc với mọi quốc gia, và việc tôn trọng, bảo vệ các quyền con người hiện đã trở thành thước đo căn bản về trình độ văn minh của các nước và các dân tộc trên thế giới. Thúc đẩy, bảo vệ quyền con người, cả trong pháp luật và thực tiễn, là nghĩa vụ và cần sự đóng góp của tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp và cá nhân, chứ không phải chỉ riêng của một quốc gia, dân tộc, giai cấp hay nhóm người nào. Để đạt được những mục tiêu trong lĩnh vực này, nhân loại đang hướng tới xây dựng một “nền văn hóa nhân quyền” ở mọi cấp độ, trong đó kết hợp hài hòa những đặc thù và giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc với các tiêu chuẩn pháp lý quốc tế được thừa nhận chung về nhân phẩm và giá trị của con người.

         Nhiều công trình nghiên cứu đã khẳng định rằng, quyền con người và việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người không hề xa lạ hay mâu thuẫn với lý tưởng Cộng sản, mà ngược lại, là cốt lõi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Ở Việt Nam, là đất nước đã phải trải qua hàng ngàn năm bị đô hộ, chiến tranh tàn phá, dân tộc Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị, khát vọng để giành lại những quyền cơ bản, tự nhiên, vốn có của con người. Cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo không có mục đích gì khác hơn là giành và giữ các quyền con người cho dân tộc, cho Nhân dân Việt Nam. Trong thực tế, quan tâm và thúc đẩy các quyền con người luôn là ưu tiên của Đảng và Nhà nước Việt Nam, được phản ánh nhất quán và xuyên suốt trong mọi chính sách, luật pháp của Nhà nước Việt Nam từ trước đến nay.

         Vậy mà, bất chấp những thành tựu Việt Nam đạt được, lá bài "nhân quyền" vẫn được các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong nước và nước ngoài cố tình xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam, ra sức chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa với quy mô ngày càng mở rộng, tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt, tinh vi, xảo quyệt, theo phương châm “mềm, ngầm, sâu, hiểm”. Có thể nhận diện một số mũi tấn công nguy hiểm của kẻ trơ tráo vu cáo Việt Nam vi phạm “quyền con người”:

         Thứ nhất, lợi dụng sự khác nhau trong quan điểm, nhận thức về vấn đề quyền con người ở Việt Nam để công kích, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, phủ nhận vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và thể chế chính trị Việt Nam. Chúng quy kết chủ nghĩa Mác-Lênin là độc tài, phi dân chủ, vi phạm nghiêm trọng quyền con người; tuyên truyền công kích vào Hiến pháp, pháp luật và thể chế chính trị, từ đó đòi xóa bỏ sự ghi nhận của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đòi “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”.

         Thứ hai, ra sức xuyên tạc thực tiễn quyền con người ở Việt Nam, triệt để khai thác các vấn đề nhạy cảm, phức tạp như tham nhũng, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình; những hạn chế, yếu kém trong quản lý xã hội, sơ hở, thiếu sót trong quản lý, điều hành đất nước hoặc những vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài chưa được giải quyết; việc bắt, xử lý các đối tượng chống đối chính trị để vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người. Hàng năm, quốc hội Mỹ, Liên minh Châu Âu và các nước phương Tây bằng cách thông qua nhiều dự luật, nghị quyết, báo cáo thường niên, tuyên bố, thông cáo báo chí xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người nhằm làm cho cộng đồng quốc tế hiểu không đúng vấn đề quyền con người ở Việt Nam, điển hình như: Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ; Báo cáo tình hình nhân quyền thế giới hằng năm của Anh, Úc; Nghị quyết của Nghị viện châu Âu; các báo cáo thường niên của các tổ chức quốc tế phi chính phủ như: Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ và thành phố lớn nhiều nước như Hà Lan, Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Anh, Nga, Pháp, Nhật, Canada,... thường xuyên phác thảo ra những bản báo cáo, phúc trình xuyên tạc tình hình quyền con người và can thiệp vào công việc nội bộ Việt Nam đã mở ra một điều kiện mới để Mỹ, các nước phương Tây tăng cường hoạt động tác động về quyền con người vào Việt Nam, cổ súy, tán dương với những nhân vật hoạt động chống đối Nhà nước, vi phạm pháp luật;Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) là một tổ chức phi chính phủ. Tổ chức này đã có các nhóm hoạt động hoặc thành lập ở nhiều nước như: Mỹ, Đức, Bỉ, Thụy Điển, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Ireland, Canada, Sri Lanka, Hy Lạp, Australia,… thường xuyên đưa ra các luận điệu xuyên tạc, vu cáo vu cáo một cách trắng trợn về tình hình các tù nhân trong các trại giam ở Việt Nam, từ đó lớn tiếng đòi thả tự do cho các “tù nhân lương tâm” - thực chất là số đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam; Ngôi nhà Tự do (FH), là một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ), luôn thể hiện thái độ thân Mỹ và phương Tây và tư tưởng, hành động mang ý nghĩ thù hằn đối với các nước theo con đường XHCN, trong đó có Việt Nam. FH đưa Việt Nam vào danh sách các nước không có tự do Internet, tán dương cho các hành động chống phá nhà nước, chế độ ở Việt Nam theo kiểu tự do vô lối viết các bài xuyên tạc về tự do Internet trên không gian mạng,… Ngoài ra, các thế lực bên ngoài còn tác động các chính khách cực đoan trong Quốc hội Anh, Mỹ, Đức, Canada,… tổ chức các buổi điều trần, hội thảo nhằm xuyên tạc, thổi phồng các sự kiện thực tế trong nước để rêu rao Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo, dân tộc. Một số tổ chức, hội nhóm khác như: Việt Tân, Chính phủ Việt Nam tự do, Đảng nhân dân hành động, Hiệp hội đoàn kết công nông, Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam, Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam được hậu thuẫn bởi các thế lực cực đoan trong chính giới ở Mỹ và một số nước phương Tây, xuyên tạc tình hình quyền con người ở Việt Nam, đi ngược lại lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

         Thứ ba, lợi dụng tính phổ biến của vấn đề quyền con người, trong quan hệ ngoại giao, những kẻ trơ tráo đã tuỳ tiện áp đặt các chuẩn mực quyền con người đối với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, như: hợp tác kinh tế, thương mại, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục từ đó gây sức ép, tác động chuyển hóa nội bộ Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế chính trị, pháp luật theo dân chủ, nhân quyền ở các nước tư bản chủ nghĩa. Thông qua các diễn đàn công khai, đối thoại với các cơ quan nhà nước Việt Nam, yêu cầu Nhà nước ta phải đưa ra các lộ trình cụ thể trong bảo đảm quyền con người, hướng lái truyền thông vào thời điểm sửa đổi các văn bản pháp luật về dân chủ, nhân quyền, tôn giáo hoặc ban hành các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của Đảng, Nhà nước. Những kẻ trơ tráo này còn lợi dụng các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, chúng mạnh tay đầu tư tài chính cho các tổ chức này nhằm hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến hành triển khai nhiều dự án hỗ trợ cải cách hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tập trung vào cải cách tư pháp, hướng lái mở rộng các quyền tự do cơ bản của công dân theo tiêu chí nhân quyền tư sản, tạo hành lang hoạt động cho đối tượng chống đối chính trị, các tổ chức “xã hội dân sự” ở Việt Nam. Chúng ra sức tuyên tuyền về vai trò của các tổ chức “xã hội dân sự”, thúc đẩy sự hình thành các tổ chức chính trị, hội nhóm bất hợp pháp như: “Công đoàn độc lập Việt Nam”, “Liên đoàn Lao động Việt tự do”, “Hội Phụ nữ nhân quyền”, “Nhóm bạn công nhân”, “Nhóm kiến nghị 72”, “Văn đoàn độc lập Việt Nam”, “Hội bầu bí tương thân”, “Hội anh em dân chủ”, “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”, “Khối 8406”... Thông qua những tổ chức này, kích động, xúi giục những phần tử có tư tưởng bất mãn, cực đoan, cơ hội dùng các trang mạng xã hội để phát tán bài viết, sáng tác, thư ngỏ đưa ra những tuyên bố, yêu sách “Quyền con người ở Việt Nam” và vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng này. Đồng thời, thông qua chiêu bài nhân quyền để can thiệp, bảo vệ cho số đối tượng chống đối chính trị bị bắt, xử lý, kêu gọi trả tự do cho các đối tượng.

         Thứ tư, gắn vấn đề nhân quyền với vấn đề tôn giáo, dân tộc. Những kẻ trơ táo lợi dụng những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo ở một số địa phương để kích động, gây mâu thuẫn, chia rẽ, thù hằn dân tộc, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; dụ dỗ, lôi kéo dân tộc thiểu số đòi thành lập “tôn giáo riêng”, mua chuộc, ép buộc đồng bào chống đối chính quyền, tạo các “điểm nóng” gây mất ổn định về chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tuyên truyền, xuyên tạc, kích động tín đồ tôn giáo đòi lại đất đai có nguồn gốc tôn giáo mà từ nhiều năm nay đã và đang phục vụ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhân dân, gây nên tình hình phức tạp ở một số địa phương.

         Minh chứng sinh động, rõ nét về quyền con người ở Việt Nam - Cái tát nhục nhã cho những kẻ trơ tráo vu cáo việt nam vi phạm“quyền con người”.

         Việt Nam luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu không ngừng đảm bảo quyền con người cho mọi người dân. Những thành tựu trong đảm bảo quyền con người; sự tin tưởng, ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc là minh chứng sống động, rõ nét, là cái tát nhục nhã cho những kẻ trơ tráo vu cáo Việt Nam vi phạm quyền con người.

         Một là, Việt Nam ngày càng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quyền con người.

         Ngay sau khi thành viên của Liên hợp quốc (năm 1977), Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về quyền con người. Tính đến nay, Việt Nam đã gia nhập 7/9 công ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 công ước cơ bản. So với nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển, Việt Nam không thua kém về số lượng là thành viên các công ước quốc tế về quyền con người. Ngay cả Mỹ tự cho mình là quốc gia đảm bảo nhân quyền tốt nhất thế giới hiện nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989 và Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

         Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi việc thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người là trách nhiệm chính trị, pháp lý, là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu”[1]; “Phát triển con người toàn diện và xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước”[2].

         Cùng với việc tích cực tham gia các điều ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó tích cực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 dành 36 điều trong tổng số 120 điều để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; đã đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong nhận thức về quyền con người cũng như trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân. Chỉ tính từ tháng 1-2014 đến nay, đã có khoảng hơn 100 luật, pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, trong đó có nhiều luật quan trọng về quyền con người, như: Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Bộ luật dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Tố cáo năm 2018; Luật Đặc xá năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019. Các đạo luật này quy định đầy đủ, rõ ràng hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, các cơ chế bảo đảm và phát huy các quyền này tại Việt Nam.

         Hai là, Việt Nam đảm bảo tốt  các quyền con người trên thực tiễn.

         Về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được khẳng định tại Hiến pháp 2013. Đặc biệt, việc thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và hai Nghị định thực thi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc để bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân. Ở Việt Nam không có sự phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo; không có mâu thuẫn, xung đột giữa các tôn giáo. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo: "Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm". Hiện nay, Việt Nam có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha'i,.... Người dân cũng hoàn toàn tự do lựa chọn theo hoặc không theo một tín ngưỡng, tôn giáo nào. Nhà nước bảo đảm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số, vốn chiếm khoảng 14% dân số. Với gần 4.500 cuốn thuộc 17 đầu sách liên quan tôn giáo được đưa vào thư viện của 54 trại giam, Việt Nam cũng khẳng định "Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người chấp hành án phạt tù". Việc xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tạo điều kiện. Ở Việt Nam có khoảng 15 tờ báo và tạp chí của các tổ chức tôn giáo đang hoạt động, trong đó có nhiều tờ báo, tạp chí có uy tín[3]. Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức ở Việt Nam như Đại lễ Phật đản VESAK 2014, 2019, 2022 và 500 năm Cải chánh đạo Tin lành 2017.

         Về quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do hội họp là bằng chứng rất rõ nét về việc thụ hưởng quyền này ở Việt Nam. Có thể thấy, báo chí ở Việt Nam đã trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, nhân dân, là công cụ bảo vệ quyền con người của người dân, lợi ích của xã hội, hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát thực thi chính sách, pháp luật. Tính đến năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người[4].

         Về quyền lập hội, Việt Nam đã có một khung pháp lý tương đối đồng bộ để điều chỉnh các vấn đề về tổ chức và hoạt động của các hội. Khung pháp lý hiện hành đã thừa nhận sự tồn tại của nhiều dạng hội và cho phép các hội ở Việt Nam chủ động thực hiện và tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau tùy thuộc vào loại hình tổ chức khác nhau. Đây là những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của các hội ở Việt Nam. Quyền lập hội đã được quy định trong Hiến pháp 2013, Bộ luật hình sự 2015 quy định hình phạt với tội “Xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công  dân” (Điều 163) và một số văn bản quy phạm pháp luật khác. Đến năm 2017, Việt Nam có 68.125 hội, trong đó có các tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, các tổ chức khoa học, nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng Luật về Hội. Dự thảo Luật về Hội đã được tham vấn nhiều lần ý kiến của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và người dân để trình Quốc hội cho ý kiến.

         Về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa của công dân được bảo đảm. Việt Nam nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững đã đem lại những kết quả tích cực về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng cả năm vẫn đạt 2,91%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Tỷ lệ nghèo về thu nhập đã giảm nhanh trong suốt giai đoạn từ năm 1998-2022. Tỷ lệ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo) chung toàn quốc năm 2022 là 7,52% với tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều là 1.972.767 hộ[5]. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý IV năm 2022 là 7,70%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,78%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn; Việt Nam luôn nỗ lực bảo vệ, bảo đảm quyền con người của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật. Trong đó, trẻ em ngày càng được chăm sóc và bảo vệ tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần; Tỷ lệ nữ giới được giáo dục ở mọi cấp tăng cao. Các chính sách đổi mới của Việt Nam đã tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Lao động nữ được quan tâm nhiều hơn trong thời kỳ thai sản và tuổi nghỉ hưu. Hơn 7% dân số Việt Nam từ hai tuổi trở lên, tương đương hơn 6,2 triệu người, là người khuyết tật. Bên cạnh đó, gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật[6] được quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để được học văn hóa, được ưu tiên bố trí việc làm; Trên lĩnh vực văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh; Chính phủ đã ban hành Nghị định mới về công nhận các danh hiệu văn hóa; Việt Nam có nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Lĩnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng được nâng cao, đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học. Ngoài sự phát triển các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe trực tiếp, Việt Nam còn thi hành nhiều biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe của người dân, ngăn ngừa bệnh tật từ xa như chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch tăng lên qua các năm. Bảo hiểm y tế được phát triển, mở rộng, áp dụng bảo hiểm y tế toàn dân.

         Ba là, sự đóng góp và công nhận, tôn vinh của cộng đồng quốc tế về thành quả đạt được trong việc thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới.

         Việt Nam cũng luôn nỗ lực đóng góp tích cực vào những giá trị chung, tích cực và tiến bộ của nhân loại về quyền con người thông qua việc tham gia tích cực vào các diễn đàn liên quan đến quyền con người của Liên hợp quốc, ASEAN và các cơ chế khác. Việt Nam liên tục được bầu vào các thiết chế bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc, từ vị trí pháp lý là quan sát viên tại Hội đồng nhân quyền, Việt Nam đã ứng cử và được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu bầu cao nhất trong 14 quốc gia được bầu chọn vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, khi mức thu nhập đầu người của Việt Nam năm 2014 mới hơn 2.000 USD thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia cùng thời điểm có GDP bình quân đầu người đã trên 10.000, 20.000 USD. Điều này đã minh chứng mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Ngày 30/6/2019, Việt Nam và EU chính thức ký kết EVFTA và IPA. Đây là đối tác chỉ ký kết hiệp định thương mại với các quốc gia về cơ bản bảo đảm được các điều kiện về nhân quyền. Đó là minh chứng Việt Nam thực sự coi trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người - một trong ba trụ cột hoạt động chính của Liên hợp quốc, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển. Việt Nam đã bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Kiểm định phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ngày 04/7/2019 tại Geneva (Thụy Sỹ) khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

         Quan điểm con người là trung tâm của sự phát triển đã trở thành một định hướng chiến lược, một triết lý hành động xuyên suốt quá trình phát triển của Việt Nam. Việt Nam đã và đang tiếp tục xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, với những chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền con người để "không ai bị bỏ lại phía sau". Những thành tựu này được cộng đồng quốc tế công nhận và đánh giá cao. Bất cứ thế lực thù địch, chống phá nào cũng không thể xuyên tạc, bóp méo sự thật về nhân quyền Việt Nam.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.27-28

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập I, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 115 - 116

[3] Ban Tôn giáo Chính phủ, Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2023.

[5] Theo Quyết định số 71/QĐ-BLĐTBXH về Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.

[6] Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam công bố ngày 11- 1 về kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam năm 2019

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận




Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 252
  • Trong tuần: 462
  • Tất cả: 140 491
Đăng nhập