Trong bối cảnh mới hiện nay, khi mà các thế lực thù địch bằng những “chiêu trò đồng cảm”, “luận điểm mị dân”, “đánh tráo khái niệm”, “khuếch trương hạn chế”, tận dụng không gian mạng,.. tác động hàng giờ hàng ngày làm sai lệch tư tưởng, trái tim, khối óc của mỗi người dân Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng hơn bao giờ hết cần được triển khai một cách quyết liệt, sáng tạo và có hiệu quả. Một trong những cách thức đã triển khai có hiệu quả trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời gian qua là khẳng định những giá trị của nền tảng tư tưởng đó trong thực tiễn. Chính vì vậy, để công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đạt hiệu quả hơn, các cấp, các ngành cần nghiên cứu, vận dụng chính những nội dung cơ bản của nền tảng tư tưởng đó, từ đó tìm ra phương pháp, cách thức xây và chống, trong đó có tư tưởng Hồ Chí Minh về “dân vận khéo”.
Dân vận khéo là cụm từ có lẽ được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra đầu tiên và đây là một nội dung quan trọng trong tư tưởng dân vận của chủ tịch Hồ Chí Minh, nằm trong tổng thể tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Trong bài báo “Dân vận” đăng trên tạp chí Sự Thật số 120 ngày 15/10/1949, Người đã khẳng định: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”[1]. Như vậy dân vận theo Bác là vận như thế nào cho dân động tức là làm sao cho dân tự nguyện, tự giác đem tất cả những gì mình có để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Muốn làm được như vậy, theo Bác là phải dân vận khéo, nghĩa là không phải làm dân vận theo kiểu quan liêu, mệnh lệnh, viết chương trình, kế hoạch bắt dân phải làm mà là “làm theo cách quần chúng. Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, giải thích cho dân chúng hiểu rõ, được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”[2]. Bác khẳng định: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[3]. Hồ Chí Minh còn đưa ra những chỉ dẫn về phương thức “dân vận khéo” là nhận thức đúng về bản chất của nước ta là nước dân chủ, về người phụ trách dân vận và phải có cách làm dân vận khéo thông qua thật thà nhúng tay vào việc, phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Chính phong cách, sự ứng xử trong công việc thường ngày của chủ tịch Hồ Chí Minh là điển hình về “Dân vận khéo”.
Học tập, vận dụng tư tưởng, tấm gương của Bác về “Dân vận khéo”, năm 2009, Ban Dân vận Trung ương đã phát động phong trào thi đua “dân vận khéo”. Từ trong phong trào qua thực tế khảo sát ở các địa phương cho thấy trên các lĩnh vực có hàng nghìn mô hình dân vận khéo đã được xây dựng, nhân rộng ở các cấp, mang lại hiệu quả thiết thực trong tập hợp, phát huy sức mạnh của nhân dân thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị ở địa phương như mô hình hội nông dân giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phong trào hiến đất làm đường, phong trào xóa nhà dột nát, mô hình xây dựng tổ an ninh nhân dân tự quản, mô hình xây dựng xóm, thôn, tổ văn hóa trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư,... Thực tiễn lịch sử đất nước qua hơn 93 năm do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và đặc biệt hơn 35 năm tiến hành đường lối đổi mới đã chứng minh tính hiệu quả và sự lan tỏa của các mô hình “dân vận khéo” trong công tác xóa đói giảm nghèo, trong xây dựng nông thôn mới, trong giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng, thôn, xóm; trong công tác bảo vệ môi trường, trong xây dựng nếp sống văn hóa,... Vậy trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, dân vận nói chung và đặc biệt là “dân vận khéo” có quan trọng và cần thiết không? Câu trả lời không chỉ là quan trọng mà là rất quan trọng và rất cần thiết.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là tất cả các hoạt động của Đảng, nhà nước, hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm khẳng định “tính giá trị” của nền tảng tư tưởng của Đảng, đồng thời đấu tranh chống lại mọi sự phủ nhận, xuyên tạc, bôi đen nền tảng tư tưởng của Đảng. Theo đó, chủ thể thực hiện công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng rất phong phú, có thể phân theo cấp lãnh đạo, quản lý, cũng có thể phân theo lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ, phân theo vai trò, chức năng của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Lực lượng tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng gồm lực lượng rộng khắp là toàn dân không kể là làm ở vị trí công tác nào, nhưng cần xây dựng lực lượng làm nòng cốt gồm: lực lượng chuyên trách (những đồng chí được phân công đảm nhiệm việc tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo 35 các cấp), lực lượng chuyên gia (viết bài đấu tranh, xử lý kỹ thuật…), lực lượng xung kích (tham gia tác chiến trên không gian mạng)[4]. Tuy nhiên trên cơ sở tư tưởng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”, chủ thể cao nhất thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chính là người dân. Mỗi người dân phải có trách nhiệm “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”[5]. Chính vì vậy công tác dân vận, đặc biệt là dân vận khéo rất quan trọng nhằm giúp cho mỗi người dân hiểu rõ vai trò chủ thể, để từ đó tích cực, tự giác tham gia các hoạt động bảo vệ.
Muốn làm tốt công tác dân vận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cần hiện thực hóa tư tưởng “dân vận khéo” của chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong vận động mỗi bộ phận, đơn vị, tổ chức và cá nhân, người dân thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cần xây dựng và nhân rộng các mô hình “dân vận khéo” ở mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cộng đồng dân cư, trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, thực hiện rèn luyện kỹ năng: nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, sử dụng hiệu quả phương tiện thông tin đại chúng để “đánh thông tư tưởng”, làm đúng ý nguyện của dân, v.v. Do đó, để làm cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng “mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”, cần thực hiện lời Bác Hồ đã dạy: “Ngày nay, chúng ta quyết gây cho kỳ được một cuộc dân vận sôi nổi khắp nơi, khắp mặt” [6].
[1] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tập 6, Tr.232.
[2] Nguyễn Bá Quang (chủ biên) (2012), Học tập và làm theo phong cách “Dân vận khéo” Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tr. 13.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., tập 6, Tr.234.
[4] Xem Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Tài liệu bồi dưỡng kiến thức kinh điểm Mác-Lênin - Tập 4 các chuyên đề bổ trợ, tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Lý luận chính trị, H., tr.104
[5] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Sổ tay công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, Nxb. Lý luận chính trị, H., tr.18.
[6] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H., tập 6, tr.279.