Đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch phủ định lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân

Hiện nay các thế lực thù địch ra sức phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Bài viết nhận diện và đấu tranh chống lại quan điểm sai trái, thù địch phủ định lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.

         Cống hiến vĩ đại của C.Mác-Ph.Ăngghen đối với nhân loại là phát hiện ra sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân. Đó là lực lượng xã hội to lớn, có khả năng tổ chức, lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản. Trên cơ sở quan điểm của C.Mác-Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã tiếp tục bổ sung, phát triển nhiều luận điểm quan trọng lực lượng sản xuất của toàn thể nhân loại là công nhân, “giai cấp công nhân đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất”[1].

        Kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luận chứng hết sức thuyết phục về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, điều đó đã được minh chứng trong thực tiễn hơn 92 năm lãnh đạo cách mạng. Giai cấp công nhân Việt Nam là lực lượng xã hội to lớn đang phát triển, đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, là lực lượng nồng cốt trong liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

         Tuy nhiên, với sự phát triển và lớn mạnh của chủ nghĩa tư bản mang tính toàn cầu, các thế lực thù địch, phản động đã và đang xuyên tạc bản chất, phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân nhằm xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Những nội dung xuyên tạc, phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân tập trung vào một số luận điệu sau:

         Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, sự xuất hiện ngày càng nhiều “robot thông minh”, “trí tuệ nhân tạo” khiến người máy đang dần thay thế con người. Điều đó, khiến người lao động vốn từ chỗ là chủ thể của quá trình sản xuất đang bị gạt ra bên lề quá trình sản xuất ấy, trở thành nhân tố đóng vai trò thứ yếu. Biểu hiện của sự thay đổi này là thay vì cần đến nhiều nhân công để lao động, sản xuất thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp chỉ cần ít nhân công. Thay vì trả lương cho nhân công, các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, công nghệ. Do đó, các thế lực thù địch cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò, vị trí có ý nghĩa quyết định của người lao động trong hoạt động sản xuất vật chất.

         Một số luận điệu cho rằng, trong xã hội tư bản hiện đại, đời sống của giai cấp công nhân không còn cơ cực như trước. Ở nhiều công ty, người công nhân đã có cổ phần, cổ phiếu nên họ không còn là giai cấp vô sản nữa. Vì thế, mẫu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp vô sản cũng không còn mang tính chất đối kháng như trước đây. Vì thế, giai cấp công nhân cũng không còn cần đến sứ mệnh lịch sử của mình là “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản” như C.Mác và Ph.Ăngghen đã từng khẳng định.

         Các thế lực thù địch cho rằng, giai cấp công nhân đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ cách mạng giải phóng dân tộc. Ngày nay, trong điều kiện hòa bình, hội nhập, thời kỳ của các cuộc cách mạng  khoa học công nghệ, vai trò đó phải thuộc về đội ngũ trí thức, những nhà khoa học. Chỉ có những nhà khoa học, trí thức mới có thể làm chủ được xã hội, đưa đất nước phát triển hiện đại, văn minh. Nhận diện “Âm mưu” đây là những luận điểm sai lầm, thiếu khách quan của các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị đưa ra nhằm phủ nhận sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân.

Để phản bác những luận điệu trên, trước hết chúng ta cần dựa trên các quan điểm sau của chủ nghĩa Mác-Lênin.

         Học thuyết về hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa Mác-Lênin, khẳng định yếu tố quan trọng trong lực lượng sản xuất đó chính là người lao động. Máy móc dù hiện đại đến đâu cũng đều do bàn tay, khối óc của con người sáng tạo ra đáp ứng nhu cầu của thực tiễn. Sự tự động hóa của máy móc hiện đại đều do con người thao tác, điều chỉnh và vận hành. Vì vậy, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học công nghệ hiện đại, người lao động hay nói cụ thể hơn là giai cấp công nhân vẫn đóng vai trò quyết định hoạt động sản xuất vật chất.

         Hiện nay, chủ nghĩa tư bản dù có sự điều chỉnh trong sở hữu nhưng bản chất bóc lột vẫn còn tồn tại, thậm chí còn sâu sắc và nặng nề hơn rất nhiều, thông các hình thức bóc lột giá trị thặng dư, biểu hiện cụ thể hiện nay: tỉ lệ thất nghiệp cao, mức sống chênh lệch, đói nghèo, bệnh tật,... Đó là một bằng chứng không gì thuyết phục hơn để khẳng định chủ nghĩa tư bản sẽ không bao giờ thay đổi bản chất của họ nên giai cấp công nhân vẫn phải có sứ mệnh lịch sử to lớn trong việc đấu tranh giải phóng giai cấp mình và tiến tới giải phóng toàn xã hội.

         Như vậy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị, trong đó việc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch phủ định lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân là nội dung cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Đây là công cuộc lâu dài, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải phát huy vai trò, trách nhiệm trong mọi hoàn cảnh, trong mọi công việc và cả trong cuộc sống.

 

 1. C.Mác-Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.1995.
Tác giả: ThS. Trần Thu Hương - Giảng viên Khoa LLCS




Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 283
  • Trong tuần: 493
  • Tất cả: 140 522
Đăng nhập