Phản bác quan điểm sai trái, thù địch về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Bản chất dân chủ của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở nước ta luôn vấp phải sự chống phá của các thế lực thù địch. Vì vậy, bài viết đã phân tích ba nhóm nội dung để phản bác các quan điểm sai trái về cuộc bầu cử.

         Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là sự kiện chính trị - xã hội trọng đại của đất nước diễn ra năm năm một lần, đây là dịp để cử tri cả nước phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, lựa chọn ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng trong cơ quan quyền lực nhà nước. Từ tầm quan trọng của sự kiện chính trị này, các thế lực thù địch ra sức chống phá, với nhiều luận điệu xuyên tạc nhằm “phủ” các quan điểm, nhận thức sai lầm trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân, phá hoại thành công cuộc bầu cử.

         Một trong những luận điệu xuyên tạc về bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được các thế lực thù địch đẩy mạnh tuyên truyền là: “Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, Nhân dân không có quyền thực sự”. Luận điệu trên là kiểu lập luận quy chụp, xuyên tạc, bóp méo sự thật bản chất cuộc bầu cử ở nước ta khiến Nhân dân suy giảm niềm tin, không tham gia bầu cử theo đúng quyền và nghĩa vụ công dân.

         Thứ nhất, nước Việt Nam là nước dân chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, do đó bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cũng là cách thức thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân. Điều này đã được chứng minh cả về mặt lý luận và thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong phần mở đầu khi viết tác phẩm “Dân vận” (1949): “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân,... Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[1]. Trên nền tảng tư tưởng đó, trong quá trình lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam luôn củng cố, hoàn thiện và phát triển nền dân chủ ở nước ta. Trải qua nhiều kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các công dân cử tri đã ý thức được quyền và nghĩa vụ của mình nên đã tích cực thể hiện quyền làm chủ của mình thông qua lá phiếu bầu, tích cực tham gia vào cuộc bầu cử để ngày bầu cử thực sự trở thành ngày hội, một dịp sinh hoạt chính trị của đồng bào cả nước.

         Thứ hai, bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của mỗi công dân Việt Nam được pháp luật quy định. Điều 27 Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân”. Điều 2, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Luật này”. Nhân dân tổ chức ra nhà nước bằng cách bầu ra các cơ quan quyền lực nhà nước. Thông qua bầu cử, Nhân dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực nhà nước; góp phần thiết lập bộ máy nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội.

         Như vậy, ở Việt Nam không hạn chế quyền ứng cử của công dân và việc tham gia bầu cử vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi công dân trong xây dựng đất nước. Thực tế cho thấy, cuộc bầu cử ở Việt Nam, không phân biệt chức vụ, địa vị, cương vị công tác,… mỗi công dân đều thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ trong việc ứng cử và bầu cử theo đúng nguyên tắc, quy định của pháp luật.

         Thứ ba, nguyên tắc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là bảo đảm ý chí của Nhân dân. Ở Việt Nam, Hiến pháp và pháp luật về bầu cử quy định: Cử tri bầu đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp theo bốn nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

         Về nguyên tắc phổ thông, Pháp luật bầu cử của các nước đều khẳng định, nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ bầu cử. Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu trong bầu cử bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú (trừ những mất năng lực hành vi dân sự hay những người bị tước quyền bầu cử trên cơ sở của pháp luật), đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử.

         Về nguyên tắc bình đẳng: Bình đẳng trong bầu cử là nguyên tắc nhằm bảo đảm để mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau tham gia bầu cử, nghiêm cấm mọi sự phân biệt dưới bất cứ hình thức nào. Mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo. Mỗi cử tri chỉ được ghi tên vào danh sách cử tri ở một nơi cư trú; mỗi ứng cử viên chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử; mỗi cử trí chỉ được bỏ một phiếu bầu. Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu phù hợp.

         Về nguyên tắc trực tiếp: Bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri trực tiếp thể hiện ý chí của mình qua lá phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình chứ không qua một cấp đại diện cử tri nào. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Cử tri tự bỏ lá phiếu bầu vào hòm phiếu. Trường hợp cử tri không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri nếu cử tri vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

         Về nguyên tắc bỏ phiếu kín: Thể hiện việc loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thể hiện ý chí (tự bỏ phiếu) của cử tri. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tự do đầy đủ thể hiện ý chí của cử tri. Theo nguyên tắc này, cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu.

         Bốn nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín trong bầu cử được xem như một chỉnh thể của những nguyên tắc tiến bộ nhất cho một nền dân chủ hiện đại. Việc bảo đảm bốn nguyên tắc này trong bầu cử ở nước ta chính là thể hiện việc thực hiện chế định dân chủ tiến bộ, văn minh, sự tự do, dân chủ trong bầu cử. Do vậy, những luận điệu của các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Việc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân chỉ là nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi, dân chủ, đều là sự sắp đặt nhân sự có chủ ý, nhân dân không có quyền thực sự”... là hoàn toàn xuyên tạc và bịa đặt, nhằm gây nhiễu loạn, phá hoại thành công của cuộc bầu cử.

         Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cần chủ động, tích cực, nhận diện các quan điểm sai trái trên, tham gia thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân trong các cuộc bầu cử. Qua đó, mỗi cá nhân góp phần vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch vốn ngày càng cam go, phức tạp.q



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 232. 227

 

Tác giả: Võ Thị Kim Loan - Giảng viên Khoa NNPL




Thống kê truy cập
  • Đang online: 28
  • Hôm nay: 130
  • Trong tuần: 340
  • Tất cả: 140 369
Đăng nhập