Với những thành tựu to lớn từ các cuộc cách mạng công nghiệp, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã thúc đẩy xã hội loài người phát triển từng ngày; xu hướng các nước toàn cầu và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thế giới đã phẳng hơn; chủ nghĩa tư bản đã thay đổi, mâu thuẫn giai cấp cũng đã được điều hòa. Chính vì thế, một học thuyết đã ra đời cách đây gần hai thế kỷ như Chủ nghĩa Mác-Lênin liệu có còn phù hợp. Hơn nữa, thực tế chủ nghĩa xã hội hiện thực xây dựng theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã sụp đỗ ở cả Liên Xô, các nước Đông Âu. Số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa còn lại rất ít, đa số là các nước nghèo, lạc hậu hơn so với các nước theo con đường tư bản chủ nghĩa. Những điều này chứng tỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin là sai lầm và đã lỗi thời.
Vậy, chủ nghĩa Mác-Lênin liệu có sai lầm và lỗi thời thật?
Thứ nhất, Chủ nghĩa Mác-Lênin không thể lỗi thời bởi những giá trị bền vững không thể phủ nhận.
Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời trở thành một học thuyết có ảnh hưởng lớn nhất trong trong toàn bộ lịch sử khoa học của nhân loại. Những giá trị bền vững không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác-Lênin, đó là:
Một, quan niệm duy vật về lịch sử: Lần đầu tiên trong lịch sử triết học của nhân loại, C.Mác đã phát hiện ra tính quy luật của sự phát triển xã hội loài người, đó là: lịch sử xã hội loài người vận động trên cơ sở những động cơ vật chất, nhất là là động cơ lợi ích kinh tế - điều mà sau này V.I.Lênin đã nhận xét rằng, đó là “thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”. Quan niệm duy vật về lịch sử xem xét xã hội một cách toàn diện, chỉnh thể, trên nền của sự phát sinh, phát triển và suy tàn của các hình thái kinh tế - xã hội. Mặc dù con người không thể tùy tiện thay đổi hay xóa bỏ các quy luật của xã hội, nhưng thông qua hoạt động thực tiễn của mình, con người có thể tác động để các quy luật xã hội diễn ra nhanh hơn hay chậm đi. Nói chung, quan niệm duy vật về lịch sử là cơ sở phương pháp luận giúp con người nhận thức xã hội, thực tiễn một cách đúng đắn và cho đến nay còn nguyên giá trị, không thể lỗi thời cho dù trong điều kiện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra.
Hai, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội: Trên cơ sở nghiên cứu tổng kết toàn bộ lịch sử phát triển của xã hội loài người, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, sự phát triển của xã hội loài người rất phong phú, đa dạng, nhưng đó là sự phát triển có quy luật. Xuất phát từ mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất, giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng dẫn đến sự thay thế, tiếp nối của các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao[1]. Chính vì thế, dù sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc có sự khác nhau nhưng vẫn theo quy luật phát triển của hình thái kinh tế - xã hội. Mặt khác, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng chỉ ra rằng, con người không thể chủ quan, tùy tiện xóa bỏ quy luật khách quan của lịch sử, nhưng con người thông qua động cơ lợi ích, ước muốn, có thể tác động, thúc đẩy quy luật đó diễn ra nhanh hay chậm. Cùng với quan niệm duy vật về lịch sử, lý luận về hình thái kinh tế - xã hội tạo thành cơ sở cho phương pháp luận khoa học trong nhận thức thực tiễn xã hội, giúp cho con người, các lực lượng chính trị - xã hội tiến bộ có thái độ, hành vi hợp lý trong việc thúc đẩy sự phát triển tích cực của xã hội.
Ba, lý luận về giá trị thặng dư - đây là phát hiện vĩ đại của C.Mác. Trên cơ sở phân tích phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, ông đã vén lên bức màn bí mật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nguyên nhân và cơ chế vận hành của sự bóc lột đối với công nhân, người làm thuê. Ngày nay, chính sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã không làm cho lý luận về giá trị thặng dư, về mối quan hệ sở hữu, trở nên lỗi thời, mà ngược lại, đã và đang minh chứng cho tính đúng đắn của những lý luận đó.
Bốn, phương pháp biện chứng duy vật: Phương pháp duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác-Lênin xuất phát từ những nguyên lý, quy luật và những mối quan hệ cơ bản của tự nhiên và xã hội. Thực tiễn chính là động lực thúc đẩy quá trình nhận thức của con người về thế giới xung quanh mình. Đến lượt mình, thực tiễn là tiêu chuẩn để đánh giá kết quả nhận thức. Chính vì thế, phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác-Lênin như kim chỉ nam giúp loài người mở mang hiểu biết và trong hoạt động thực tiễn hằng ngày. Vì thế, nó không chỉ phản ánh đúng bản chất của tự nhiên, xã hội và tư duy của con người mà còn là công cụ nhận thức của con người và không thể lỗi thời.
Thứ hai, Chủ nghĩa xã hội là kết quả của sự vận động tất yếu theo quy luật, là mơ ước của tất cả các dân tộc trên toàn thế giới về một xã hội phồn vinh, hạnh phúc - chính vì thế nó không bao giờ lỗi thời.
Chủ nghĩa xã hội trước hết là tất yếu lịch sử - là con đường tất yếu theo quy luật mà con người sẽ đi tới. Sự thay đổi tình trạng của hạ tầng cơ sở xã hội tư bản chủ nghĩa đến mức độ cao tất yếu dẫn đến sự thay đổi của thượng tầng kiến trúc của xã hội tư bản chủ nghĩa, tức là thay đổi chế độ tư bản chủ nghĩa bằng chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Như Ph.Ăngghen nói: “Theo nguyên tắc của nó, thì chủ nghĩa cộng sản vượt lên trên sự thù địch giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản; nó chỉ thừa nhận ý nghĩa lịch sử của sự thù địch đối với hiện tại, nhưng lại phủ nhận tính tất yếu của sự thù địch ấy trong tương lai; chủ nghĩa cộng sản chính là nhằm mục đích thủ tiêu sự thù địch ấy”[2].
Vậy, chủ nghĩa cộng sản là gì? Hồ Chí Minh, một trong những người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin để giải phóng dân tộc mình đã định nghĩa: “Chế độ cộng sản là ai cũng no ấm, sung sướng, tự do; ai cũng thông thái và có đạo đức. Đó là một xã hội tốt đẹp vẻ vang. Trừ những bọn phản động quá sá, thì chắc ai cũng tán thành chế độ cộng sản”[3]. Với những thành tựu cách mạng hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã giành được độc lập, tự do, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, nâng cao vị thế dân tộc trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội là một cuộc đấu tranh cách mạng phức tạp, gian khổ và lâu dài”[4], đấy “là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn năm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xóa bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có bóc lột áp bức. Muốn thế chúng ta phải dần dần biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước công nghiệp”[5].
Chúng ta không phủ nhận một thực tế là các nước tư bản chủ nghĩa đã phát triển vượt bậc với những thành tựu về kinh tế, khoa học - công nghệ. Nhưng xét cho đến cùng, các nước ấy ít nhất cũng có 60 năm, nhiều hơn là vài trăm năm hòa bình, không bị tàn phá bởi chiến tranh, nguồn gốc sự giàu có của chủ nghĩa tư bản đó chính là quá trình vơ vét của cải, bóc lột sức người, sức của ở thuộc địa và lao động ở chính quốc. Khoảng cách giàu nghèo ở các nước đó ngày càng rộng ra, lớn hơn lên và không bao giờ có thể khỏa lấp. Chính một học giả người Libia Terry Eagleton đã nhận xét: “Những nước tư bản hiện đại là kết quả của một lịch sử nô dịch, diệt chủng, bạo lực và bóc lột một cách ghê tởm”[6].
Thứ ba, Chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết, một hệ thống lý luận khoa học mở, được phát triển không ngừng và do đó nó không bị hạn định bởi biên giới quốc gia, dân tộc, không thể bị lỗi thời.
Chính vì ra đời từ giữa thế kỷ XIX, trong lòng châu Âu - nơi chủ nghĩa tư bản đang phát triển vô cùng mạnh mẽ - bộc lộ đầy đủ bản chất giai cấp và những mâu thuẫn gay gắt trong lòng của nó, nên chủ nghĩa Mác đã bóc trần sự thối nát của xã hội tư bản. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác-Lênin lấy giải phóng con người là mục tiêu cao cả mà trước hết là giải phóng giai cấp vô sản làm thuê ra khỏi cuộc sống khốn khổ và thân phận thấp hèn trong xã hội đương thời, để xây dựng một xã hội mới mà trong đó ai cũng được tự do, công bằng, ấm no, hạnh phúc - đây chính là mục tiêu của xã hội loài người trong mọi thời đại. Hơn thế, chủ nghĩa Mác - Lênin không phải vẽ ra một xã hội “trong mơ” mà học thuyết của các ông đã trang bị nhận thức lý luận cho giai cấp vô sản về vai trò và sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình; làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học; trang bị cho giai cấp công nhân cương lĩnh chính trị cho cuộc đấu tranh lật đổ sự thống trị của chủ nghĩa tư bản, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực. Chiến thắng của cách mạng tháng Mười Nga và thành tựu quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực của Liên bang Xôviết là minh chứng thép cho những lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Đối với các luận điểm trong học thuyết của mình, chính các ông-những nhà sáng lập ra nó đã nhiều lần nhắc nhở các những người cộng sản rằng, “…chủ nghĩa xã hội trở thành khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”. Trong Lời đề tựa cho lần xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào năm 1872, C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết rằng: “… chính ngay “Tuyên ngôn” cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II”[7].
Do đó, không thể tuyệt đối hóa mọi vấn đề mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra, bởi lẻ dù là những thiên tài thì các họ cũng bị quy định bởi thời gian, không thể suy nghĩ và giải đáp mọi vấn đề đặt ra trong tương lai. Bởi thế, rất có thể một số nhận định, dự báo các ông có thể bị vượt qua hoặc không còn phù hợp sau hàng trăm năm vận động, phát triển của loài người; tuy nhiên, trong sự vận động tổng thể theo quy luật của xã hội loài người, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn chưa thể bị thời gian vượt qua. Điều này nhắc nhở, những người cộng sản cần phải cảnh giác với nhận thức của mình về chủ nghĩa Mác - Lênin, để tìm hiểu rõ hơn, quán triệt sâu sắc, thường xuyên hơn những nguyên lý khoa học, quan điểm thực tiễn, quan điểm lịch sử - cụ thể, tránh bệnh chủ quan, giáo điều khi vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời phải luôn cảnh giác với những quan điểm sai lầm, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, xa rời lý tưởng cách mạng cao cả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn, xa rời những thành tựu cách mạng to lớn mà bao đảng viên, cán bộ và đồng bào ta đã ngã xuống, đã cống hiến sức lực và trí tuệ để giành được, vun đắp và giữ gìn cho đất nước, cho dân tộc.
[1] Từ cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản
[2] C. Mác và Ph. Ăngghen:Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 697
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr. 294
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.11, tr. 216
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr. 91
[6] Terry Eagleton: Tại sao Mác đúng?, Nxb Chính trị - Hành chính, H.2012, tr. 40
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1995, tập 18, tr.128