Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm Đạo đức cách mạng tháng 12-1958, với bút danh Trần Lực. Tác phẩm được in lần đầu trên Tạp chí Học tập, Nhà xuất bản Sự thật in thành sách và phát hành ngay trong tháng 12-1958. Trong Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba (2011), tác phẩm nằm ở tập 11, trang 600-612.
Ngay đầu tác phẩm Người viết: “Từ lúc đầu, loài người đã phải đấu tranh đối với giới tự nhiên để sống còn, như chống thú dữ, chống mưa nắng... Muốn thắng lợi, thì mỗi người phải dựa vào lực lượng của số đông người, tức là của tập thể, của xã hội. Riêng lẻ từng cá nhân thì nhất định không thắng nổi tự nhiên, không sống còn được. Để sống còn, loài người lại phải sản xuất mới có ăn, có mặc. Sản xuất cũng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội. Chỉ riêng lẻ cá nhân cũng không sản xuất được. Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”[1].
Tác phẩm được viết trong hoàn cảnh rất đặc biệt, tác phẩm ra đời trong bối cảnh miền Bắc nước ta thực hiện kế hoạch ba năm (1958 - 1960) cải tạo, xây dựng nền kinh tế theo kế hoạch dài hạn. Sau những kết quả ban đầu giành được kể từ sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chủ nghĩa cá nhân không còn dừng lại ở những hiện tượng đơn lẻ, mà đã trở thành “căn bệnh”, có nguy cơ đe dọa sự cầm quyền của Đảng với những biểu hiện cụ thể như: Tâm lý hài lòng, nghỉ ngơi, ngại khó, ngại khổ, chủ quan, phô trương, lãng phí, tham ô, hủ hóa, quan liêu, xa rời quần chúng... Ở miền Nam, sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước càng đòi hỏi sự nỗ lực, phấn đấu cao hơn nữa của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Do vậy tác phẩm đề cập đến sự cần thiết và rèn luyện đạo đức cách mạng Người chỉ rõ: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”[2]. Người nhấn mạnh đến vai trò của đạo đức cách mạng: “đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, cũng phải quyết tâm đấu tranh, chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, quyết không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu. Có như thế mới thắng được địch và thực hiện được nhiệm vụ cách mạng”[3].
Như vậy, người có đạo đức cách mạng là khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước, vì lợi ích chung mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Theo Người đạo đức cách mạng là: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất.
Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng.
Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình.
Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc.
Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”[4].
Những biểu hiện của đạo đức cách mạng: Thứ nhất: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”. Đây là phẩm chất được Hồ Chí Minh xác định là “điều chủ chốt nhất”, là “tiêu chuẩn số một” của người cách mạng; Thứ hai: “Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên”, “tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân”; Thứ ba: “Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân”. Nhân dân là cội nguồn sức mạnh, là chỗ dựa vững chắc của Đảng. Đảng ra đời từ trong nhân dân, do nhân dân xây dựng, ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ. Đảng mạnh từ sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Nếu không có nhân dân thì Đảng không làm tròn được sứ mệnh của mình; Thứ tư: “Giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng”; Thứ năm: Đạo đức cách mạng, theo Hồ Chí Minh còn là quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, không chịu khuất phục, không chịu cúi đầu; là ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin; luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ; là cần, kiệm, liêm, chính...
Đồng thời trong tác phẩm Hồ Chí Minh chỉ ra bản chất chủ nghĩa cá nhân là “trái ngược với chủ nghĩa tập thể”, “trái ngược với đạo đức cách mạng”, “là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội”. Chủ nghĩa cá nhân ẩn nấp trong mỗi người, chờ dịp hoặc khi thất bại, hoặc khi thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Với cái nhìn sâu sắc, toàn diện, Hồ Chí Minh phân tích những biểu hiện đa dạng, nhiều chiều của chủ nghĩa cá nhân như: “…họ để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”[5]. Do đó, xây dựng các chuẩn mực đạo đức cách mạng phải gắn liền với chống lại chủ nghĩa cá nhân.
Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng, Hồ Chí Minh đã để lại những chỉ dẫn quan trọng nhằm xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Trước hết, đảng viên và cán bộ phải ra sức phấn đấu, không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của mình. Trong học tập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: công việc cách mạng rất phức tạp, khó khǎn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải học tập lý luận Mác-Lênin, “Có học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[6]. Tuy nhiên, Người lưu ý “học tập chủ nghĩa Mác-Lênin là học tập “tinh thần xử trí mọi việc”, là học tập những “chân lý phổ biến” của chủ nghĩa Mác-Lênin; tránh học một cách máy móc, giáo điều mà cần phải áp dụng một cách linh hoạt, sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn, học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn”[7].
Với cách nhìn khách quan, khoa học, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình là “vũ khí sắc bén”, góp phần phát hiện sớm những biểu hiện của nghĩa cá nhân, những sai lầm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên để kịp thời chỉnh đốn, sửa chữa. Theo Người, phê bình và tự phê bình không chỉ được tiến hành trong nội bộ Đảng, giữa những người đồng chí với nhau, mà quan trọng hơn cả đó là phát huy vai trò tích cực của nhân dân trong tự phê bình và phê bình.
Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, xây dựng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân không có nghĩa là "giày xéo lên lợi ích cá nhân", mà phải tôn trọng lợi ích chính đáng của mỗi người trên cơ sở phù hợp với lợi ích của tập thể, của số đông.
Từ những chỉ dẫn của Người, trong quá trình Đảng ta đã luôn quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức cách mạng của người đảng viên, tại Đại hội XI của Đảng chú trọng một trong những nội dung xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay là rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chỉ rõ những biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc. Có nguyên nhân từ tác động khách quan, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan: cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống còn hình thức; việc chỉnh đốn Đảng, sửa chữa khuyết điểm phải bắt đầu từ những vấn đề đó.
Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định mới về những điều đảng viên không được làm.
Sau hơn 35 thực hiện đường lối đổi mới đất nước tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác phẩm lý luận và tổng kết thực tiễn đặc sắc, có tầm tư tưởng chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đối với xây dựng Đảng cách mạng chân chính trong điều kiện Đảng cầm quyền. Cách mạng chuyển sang một thời kỳ phát triển mới, nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra đòi hỏi mỗi cán bộ đảng viên phải ra sức trau dồi đạo đức cách mạng, kiên quyết đánh bại chủ nghĩa cá nhân.
Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và trong nước, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trở nên vô cùng cấp thiết. Đảng ta nhấn mạnh, nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, trong đó xây dựng Đảng về đạo đức được bổ sung thêm từ Đại hội XII (2016) và tiếp tục được nhấn mạnh ở Đại hội XIII (2021)
Trước yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới đòi hỏi Đảng phải nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, giữ vững bản chất cách mạng, vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động, siết chặt đội ngũ; thực sự trong sạch về đạo đức, lối sống; gắn bó máu thịt với nhân dân. Hơn bao giờ hết, công tác xây dựng Đảng trở thành một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn, quyết định vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Những chỉ dẫn của Người vẫn còn nguyên giá trị: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”[8].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 600.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 601.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 606.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 603.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 605.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 611.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 611.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, H.2011, t11, tr, 612.