“Bức tranh” tự do tôn giáo ở Việt Nam: luận điểm phản bác sắc bén với các quan điểm xuyên tạc sự thật về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam

Tôn giáo là vấn đề được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm để thực hiện tốt nhất quyền tự do, dân chủ của Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, các thế lực thù địch không ngừng “tấn công” chúng ta trên “mặt trận” này, đòi hỏi công tác đấu tranh về tư tưởng và thực tiễn cũng cần được tăng cường tương ứng nhằm “đánh bại” những luận điệu xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo ở nước ta hiện nay.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Nhân dân. Điều này đã được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “tôn giáo là một nguồn lực” để phát triển đất nước; đồng thời xác định:Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc[1]. Cùng với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 với những điểm mới quan trọng, cho thấy, công tác tôn giáo ngày càng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và có những biện pháp tích cực, gắn với thực tiễn và nhu cầu chính đáng của Nhân dân để tôn giáo phát triển lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt tại thời điểm hiện tại, các thế lực thù địch đang không ngừng đưa ra một loạt các quan điểm xuyên tạc cực đoan, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo của Việt Nam. Các đối tượng cố gắng lợi dụng những luận điệu xuyên tạc để phủ nhận tính tiến bộ của các chính sách về tôn giáo, nhằm mục đích chống lại Đảng và Nhà nước ta. Một số quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ luôn phê phán mạnh mẽ Việt Nam về việc đàn áp và kiểm soát tự do tôn giáo bằng các điều khoản pháp luật mơ hồ. Trong các báo cáo hàng năm, Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thường thể hiện những nhận định chủ quan, nhấn mạnh rằng Việt Nam vẫn còn vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo. Các tổ chức tại Hoa Kỳ lên án Việt Nam về các quy định pháp luật về tôn giáo, trong đó, chúng xoáy vào việc, pháp luật Việt Nam áp dụng quy trình đăng ký và công nhận phức tạp đối với các nhóm tôn giáo, đặc biệt là ở các khu vực dân tộc thiểu số và đối với các nhóm tôn giáo mới. Họ đưa ra các luận điệu đề nghị Việt Nam cần nhìn nhận tôn giáo như một nguồn lực xã hội thay vì một thực thể chính trị, để bảo đảm tự do tôn giáo và thực hiện đức tin một cách tự do và trách nhiệm. Những luận điệu này được đưa ra không nhằm mục tiêu nào khác là chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ mối liên hệ chặt chẽ giữa các cộng đồng tôn giáo trong nước với Nhà nước Việt Nam.

Trước tiên, cần khẳng định ngay rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn có quan điểm nhất quán về vấn đề tôn giáo, theo đó các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) là minh chứng mạnh mẽ cho mối quan tâm của Đảng, Nhà nước trong hoàn thiện pháp luật, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, tiến bộ cho các tôn giáo hoạt động. Nhiều nội dung trong Luật tín ngưỡng, tôn giáo có tính mới, tiến bộ so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo 2004. Điều 6 của Luật đã cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013 "Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào". Kể cả với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù;… đều có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo. Như vậy, quyền tự do tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi, xuất thân...

Điều 7 của  Luật tín ngưỡng, tôn giáo quy định về quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc. Theo đó, tổ chức tôn giáo được quyền hoạt động, tổ chức sinh hoạt tôn giáo theo hiến chương, điều lệ; được xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm, đồ dùng tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo cũng như được nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tự nguyện tặng cho.

Như vậy, các điều kiện thiết yếu để duy trì, phát triển các hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo đã được đảm bảo về mặt pháp lý một cách toàn diện, đầy đủ. Luật đã giảm các quy định xin, cho, bổ sung các quy định thông báo như: thông báo người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc; thông báo cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc; thông báo hoạt động của cơ sở đào tạo tôn giáo; thông báo mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo. Đây cũng là quy định phù hợp với xu hướng hiện nay nhằm hạn chế sự can thiệp của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo. Với những quy định đầy đủ, tiến bộ của Luật tín ngưỡng, tôn giáo về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của con người, chắc chắn rằng hoạt động tôn giáo đã, đang và sẽ được duy trì, phát triển trong khuôn khổ pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, tiếp tục góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Bên cạnh đó, thực tế những năm qua cho thấy, về cơ bản, các tổ chức tôn giáo ở nước ta cũng như đa số các tín đồ, chức sắc đã thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về hoạt động tôn giáo; công tác tôn giáo, tín ngưỡng đã đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo luôn tin tưởng và có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội...

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định:Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo[2].

Trong Sách trắng Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam do Ban Tôn giáo Chính phủ công bố thông tin chi tiết về thực trạng tôn giáo tại Việt Nam, tính đến năm 2021, Việt Nam có 14 tôn giáo, trong đó có 6 tôn giáo lớn là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo, Tin Lành, Cao Đài và Hòa Hảo và một số tôn giáo khác như: Baha’i, đạo Ba-la-môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, tôn giáo Mặc Môn… có 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Trong đó, Phật giáo chiếm số lượng tín đồ đông nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự. Kế đến là Công giáo với trên 7 triệu tín đồ và 7.771 cơ sở thờ tự. Lần lượt xếp thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ là đạo Tin Lành và đạo Cao Đài. Đến tính đến tháng 12/2023, số tín đồ tôn giáo đã  đã là 27 triệu, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 2 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo[3]. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, người dân cũng hoàn toàn được tự do lựa chọn tôn giáo, tín ngưỡng. Mặc dù chưa thể “đáp ứng” hết các nhu cầu về tôn giáo, nhất là trong bối cảnh mới, song, những con số nêu trên là minh chứng rất rõ cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tinh thần cởi mở, tôn trọng dân chủ; thừa nhận tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng của một bộ phận quần chúng nhân dân; luôn quan tâm, sẵn sàng tạo điều kiện đối với các hoạt động của những tôn giáo đã được nhà nước công nhận.

Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của tín đồ tôn giáo, chỉ trong năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản với tổng số 2,4 triệu bản in, đặc biệt, có nhiều ấn phẩm, kinh sách bằng tiếng dân tộc và tiếng nước ngoài đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt tôn giao đúng đắn, phù hợp với quy định của pháp luật trong các tôn giáo, tín đồ tôn giáo. Cùng với đó, vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo luôn được Nhà nước quan tâm giải quyết thấu đáo theo quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo sửa chữa, cải tạo, xây dựng mới cơ sở thờ tự theo nhu cầu sinh hoạt. Đến cuối năm 2023, trên cả nước, số lượng cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt hơn 70%. Nhà nước cũng áp dụng các quy định về giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự hoặc trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Tất cả những nội dung trên đã thể hiện mối quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất trong khuôn khổ lợi ích chung của xã hội để các cơ cở tổ chức hoạt động.

Một thực tế không thể phủ nhận, từ những quan điểm tiến bộ của Đảng, chính sách, pháp luật phù hợp của Nhà nước, nhiều tổ chức và cá nhân các tôn giáo được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện quyền tự do tôn giáo theo quy định; ứng xử bình đẳng giữa các tôn giáo và tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người. Các tổ chức và cá nhân tôn giáo hoạt động tôn giáo thuần túy, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật; tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo: Giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, trẻ em tàn tật, hỗ trợ các bếp ăn từ thiện đặt tại các bệnh viện trong các địa phương trên cả nước; phối hợp xây dựng một số nhà đại đoàn kết, đào giếng nước, làm công trình giao thông tại các địa phương. Các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương thu hút đông đảo đồng bào có đạo, chức sắc, chức việc các tôn giáo tích cực hưởng ứng tham gia. Qua đó, các tôn giáo đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Nhìn vào thống kê kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để thấy các tôn giáo ở Việt Nam được tự do về chính trị: tại Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhiều chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng nhân dân tin tưởng, bầu chọn vào các cơ quan quyền lực nhà nước các cấp: có 5 chức sắc trúng cử đại biểu Quốc hội; cùng với đó 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026[4].

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cùng với những điều kiện thuận lợi, tích cực là không ít khó khăn, phức tạp liên quan đến công tác tôn giáo ở nước ta. Các tôn giáo, hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện hoặc “du nhập” trái phép từ nước ngoài vào nước ta kéo theo sự “trỗi dậy”, trở lại của các tổ chức mê tín, phản động, lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Điều này đặt ra những vấn đề phức tạp, đòi hỏi Nhà nước cần xử lý đúng đắn, phù hợp cũng như nhận thức đúng đắn của các tầng lớp nhân dân trong công tác này. Đồng thời, đặt ra yêu cầu các tổ chức tôn giáo phải chủ động và không ngừng tăng cường các giải pháp phù hợp tình hình mới, nhằm góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân bản, nhân văn; giảm thiểu, triệt tiêu những vấn đề tiêu cực, mê tín dị đoan, loại bỏ các hiện tượng lợi dụng tự do tôn giáo gây kích động thù hằn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tôn giáo luôn là “vùng đất màu mỡ” trong âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, Việt Nam là nhóm 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực châu Á Thái Bình Dương có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao. Do đó, những lực lượng chống đối luôn tìm cách lợi dụng tự do tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động chống đối, nhằm làm mất ổn định chính trị - xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của nước ta diễn ra với tần suất ngày càng dày, âm mưu ngày càng thâm hiểm. Chúng luôn bóp méo, xuyên tạc, vu cáo chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam là bóp nghẹt tự do tôn giáo, đòi tôn giáo phải độc lập và không chịu sự quản lý của Nhà nước. Đây là những yêu cầu, đòi hỏi phi lý, nhằm tạo ra những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo. Các tôn giáo ở Việt Nam dù nội sinh hay ngoại nhập, cần phải phát triển hòa đồng với văn hóa dân tộc và dưới sự quản lý của Nhà nước. Đây là yêu cầu khách quan, bởi vì không có một tôn giáo nào đứng ngoài quốc gia, dân tộc và đứng trên lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiếm có quốc gia nào trên thế giới, mà lãnh đạo của hơn 40 tổ chức tôn giáo, với những khác biệt về giáo lý, giáo luật, nghi thức tôn giáo,…lại có thể ngồi lại cùng nhau để chia sẻ đóng góp, sáng kiến, tâm tư, nguyện vọng trong xây dựng và phát triển đất nước như ở Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt, biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc diễn ra vào ngày 30 tháng 8 năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Không nhiều quốc gia trên thế giới, vào các dịp lễ trọng đại của mỗi tôn giáo luôn nhận được sự quan tâm, hưởng ứng, chúc mừng của đồng bào không theo tôn giáo, của các cơ quan nhà nước, như những ngày lễ: Phật đản, Vu lan của Phật giáo, Giáng sinh của Công giáo, Hội Yến Diêu Trì Cung của đạo Cao Đài, lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm Bà-la-môn… không chỉ tín đồ mà người dân cũng hưởng ứng thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, tìm về các cơ sở thờ tự để hòa mình vào không khí đón, rước lễ hội, hòa cùng niềm vui với đồng bào tôn giáo. Các lễ hội tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, trang trọng, phản ánh chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước đã và đang được hiện thực hóa trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân nói chung và người theo tôn giáo nói riêng. Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tôn giáo đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội tôn giáo tầm cỡ khu vực và quốc tế tại Việt Nam, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế, như: Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”[5]… chính là hiện thực sinh động của tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. .

Thực tế đã chứng minh, các tôn giáo ở Việt Nam không có sự xung đột gay gắt mà ngược lại, giao thoa lẫn nhau và gắn kết cùng cộng đồng dân cư xung quanh trong sinh hoạt tôn giáo đó chính vì, Đảng và Nhà nước ta đã có hệ thống quan điểm, chính sách tự do tôn giáo hài hòa, bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật. Có được điều này bởi Nhà nước ta vừa thực hiện nhiệm vụ kiến tạo xây dựng hệ thống pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo để tạo môi trường pháp lý ổn định, tiến bộ cho các tôn giáo hoạt động đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh, tinh thần của Nhân dân. Nhưng đồng thời, Nhà nước cũng sử dụng pháp luật để điều chỉnh hoạt động của các tôn giáo, hành vi của của tín đồ, chức sắc phù hợp với lợi ích chung của xã hội. Mọi hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc, dân tộc, gây phương hại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đều phải bị lên án, đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm. Cùng với đó, công tác đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc bản chất của các vụ việc liên quan đến tôn giáo nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc là vấn đề cấp thiết hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cùng toàn thể Nhân dân phải nâng cao nhận thức, luôn trau dồi bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đấu tranh, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Với mục tiêu bảo vệ sự vững mạnh của khối đoàn kết toàn dân, đồng thời, là cơ hội để gìn giữ, thắt chặt mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam.

 

 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, t.I, tr.171.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.45.

[3] Theo Ban Tôn giáo Chính phủ

[4] Theo Báo Điện tử Chính Phủ ( tại: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chinh-phu-bieu-duong-cac-to-chuc-ton-giao-co-dong-gop-trong-cac-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-102220830083253788.htm).

[5] Theo Ban Tôn giáo Chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tập I , II.

2. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

3. Luật số 02/2016/QH14 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;

4. Pháp lệnh số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Về tín ngưỡng tôn giáo năm 2004;

5. Trang thông tin điện tử Ban Tôn giáo Chính phủ - http://btgcp.gov.vn/plus.aspx/vi/1.

 

Tác giả: Võ Thị Kim Loan - Giảng viên, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận




Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 349
  • Trong tuần: 559
  • Tất cả: 140 588
Đăng nhập