Luận cứ khoa học phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam

Bài viết đưa ra những luận cứ để phản bác quan điểm sai trái, thù địch nhằm xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc ở Việt Nam, kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc đường lối, chủ trương, thực hiện chính sách dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã kề vai sát cánh bên nhau, gắn bó máu thịt, luôn đoàn kết trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Phần lớn các dân tộc thiểu số cư trú ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa - nơi có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái nhưng lại tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định an ninh - chính trị. Trong quá trình phát triển, giữa các dân tộc còn có sự chênh lệch lớn về trình độ phát triển trên mọi lĩnh vực. Do đó, Đảng ta luôn xác định vị trí quan trọng của vấn đề dân tộc trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”[1]

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình chính trị - xã hội thế giới và tình hình trong nước có nhiều biến đổi lớn, vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc vẫn là vấn đề phức tạp, mang tính thời sự và vô cùng nhạy cảm ở nhiều quốc gia mà các thế lực thù địch trong và ngoài nước tìm mọi cách lợi dụng để chống phá sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, nhằm gây mất ổn định cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng. Để thực hiện mưu đồ đó, chúng ra sức lợi dụng những khó khăn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc, lợi dụng việc viện trợ, hỗ trợ kinh tế, lợi dụng những yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về dân tộc; lợi dụng các phần tử cực đoan, bất mãn, cơ hội chính trị,... để xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Mặt khác, chúng cho rằng ở Việt Nam quyền bình đẳng dân tộc không được thực thi. Trong xã hội Việt Nam luôn có sự bất đồng và mâu thuẫn giữa cộng đồng người, các dân tộc với nhau, đặc biệt là mâu thuẫn giữa người Kinh và các dân tộc thiểu số… Trước những luận điệu này nhằm đấu tranh, phản bác lại những quan điểm sai trái, bảo vệ chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước chúng ta xuất phát từ các căn cứ khoa học sau:

Thứ nhất, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định quyền bình đẳng dân tộc, quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới.

Trong tác phẩm “Về quyền dân tộc tự quyết”, lần đầu tiên V.I.Lênin trình bày đầy đủ, toàn diện nội dung Cương lĩnh dân tộc: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết; liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại. Đó là cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác, kinh nghiệm toàn thế giới và kinh nghiệm của nước Nga dạy cho công nhân”.

Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng. Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc trong mối quan hệ giữa các dân tộc. Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng có nghĩa là: tất cả các dân tộc lớn hay nhỏ, dù đông hay ít người, có trình độ phát triển cao hay thấp đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau, không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hoá và đi áp bức bóc lột dân tộc khác.

Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được pháp luật bảo vệ và phải được thực hiện trong thực tế.

Trong quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc gắn với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa Sôvanh nước lớn, chống sự áp bức bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển về kinh tế.

Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc.

 V.I.Lênin đã nêu rõ về quyền tự quyết dân tộc. Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định chế độ chính trị - xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình. Quyền tự quyết bao gồm quyền tự do độc lập về chính trị tách ra thành một quốc gia dân tộc độc lập vì lợi ích của các dân tộc và cũng bao gồm quyền tự nguyện liên hiệp lại với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi để có sức mạnh chống nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, giữ vững độc lập chủ quyền và có thêm những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quốc gia - dân tộc.

Khi giải quyết quyền tự quyết của các dân tộc cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, ủng hộ các phong trào tiến bộ phù hợp với lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Kiên quyết đấu tranh chống những âm mưu thủ đoạn của các thế lực đế quốc, lợi dụng chiêu bài "dân tộc tự quyết" để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các thế lực thù địch đã đánh tráo khái niệm và cho rằng, V.I.Lênin đã nói đến quyền tự quyết dân tộc, quyền tự do phân lập để thành lập nhà nước riêng, thông qua đó kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nước ta đòi thành lập nhà nước riêng như: “Nhà nước Tin lành Đềga” ở Tây Nguyên; “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam bộ… nhằm gây mất ổn định chính trị, gây chia rẽ khối đạo đoàn kết toàn dân tộc.

Tóm lại, Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác-Lênin có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới nói chung và đối với cách mạng Việt Nam nói riêng. Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở lý luận cho việc đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay về quyền bình đẳng dân tộc và quyền tự quyết dân tộc.

Thứ hai, trên cơ sở kế thừa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. 

 Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, trên cơ sở tiếp thu quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc; coi đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng.

Các nguyên tắc cơ bản của chính sách dân tộc đã được hình thành từ khi Đảng ta mới ra đời, và ngày càng hoàn thiện.  Nếu như trong các văn kiện Đại hội Đảng từ lần thứ II đến lần thứ V nêu rõ nguyên tắc: đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc, thì từ Đại hội VI nguyên tắc thực hiện chính sách dân tộc có những bổ sung mới, đặc biệt trong văn kiện Đại hội X, XI, XII, XIII Đảng ta bổ sung thêm nguyên tắc “tôn trọng” thể hiện sự phát triển trong tư duy của Đảng ta.

Gần đây nhất, trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ: một trong những đặc trưng về dân tộc của xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển”.

Trên cơ sở quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đã cụ thể hóa và ban hành nhiều chính sách, chương trình như Chương trình 135/CT-CP (1999) của Chính phủ Về phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Quyết định 134/QĐ-TTg (2004) của Thủ tướng Về hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn; Nghị định 05/NĐ-CP (2011) của Chính phủ Về công tác dân tộc… Đặc biệt, Quốc hội khóa XIV đã phê duyệt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Thứ ba, thành tựu về thực hiện chính sách dân tộc của Việt Nam là không thể phủ nhận

Thành tựu lớn nhất là tất cả mọi công dân, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giới,… đều bình đẳng về chính trị, bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống và bình đẳng trước pháp luật. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp tăng lên qua các năm. Nếu Quốc hội khóa I (1946), chỉ có 34 đại biểu người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 10,2% thì Quốc hội Khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026, đã có 89/499 đại biểu là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,84%.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Các dân tộc thực hiện tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, cùng nhau xây đựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhà nước quan tân và có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các vùng dân tộc thiểu số như điện, đường, trường học... Giai đoạn 2021 - 2025, lần đầu tiên, Việt Nam có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt, là quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo sự bình đẳng trong phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Sản xuất ở hầu hết các địa bàn dân tộc thiểu số đều phát triển, tư duy kinh tế của bà con đã thay đổi theo hướng sản xuất hang hóa, dịch vụ, thương mại, nhất là lĩnh vực nông nghiệp đã hình thành một số vùng đã chuyên canh, sản xuất hàng hóa với các sản phẩn chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chè, cao su,…

Việc làm và thu nhập tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rõ rệt. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 33%. Toàn quốc có 7,9 triệu lao động dân tộc thiểu số có việc làm, chiếm 82,1% tổng số người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên.

Công tác giáo dục, đào tạo nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho các dân tộc thiểu số đạt được nhiều kết quả. Đến nay, cơ bản xóa được tình trạng mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi.

Mạng lưới y tế vùng dân tộc thiểu số phát triển, nhiều xã đạt chuẩn về y tế. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu được nâng lên, tiêm chủng mở rộng được thực hiện đều khắp, nhiều bệnh nguy hiểm được kiểm soát và đẩy lùi, đồng thời từng bước kiểm soát được tỷ lệ sinh đẻ tăng tự nhiên.

Các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số tiếp tục được bảo tồn và phát huy như ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật... Một số di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được UNESCO công nhận, nhiều di sản được công nhận là di sản quốc gia.

Hệ thống chính trị vùng dân tộc thiểu số không ngừng được xây dựng, củng cố, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng.

Như vậy, những thành tựu trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta là minh chứng thuyết phục phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc về chính sách dân tộc ở Việt Nam hiện nay./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2003) - Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 khoá IX, Nxb. Chính trị quốc gia, tr. 34-35.

 

Tác giả: Trần Thị Lệ Thủy - Giảng viên, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận




Thống kê truy cập
  • Đang online: 26
  • Hôm nay: 126
  • Trong tuần: 336
  • Tất cả: 140 365
Đăng nhập