Tiếp tục bảo vệ quan điểm tiến lên Chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan của Chủ nghĩa Mác-Lênin qua bài viết của tổng bí thư “một số lý luận và thực tiễn về cnxh và con đường đi lên cnxh ở Việt Nam hiện nay”

Tiến lên Chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan của Chủ nghĩa Mác-Lênin, thông qua bài viết của Tổng Bí thư một lần nữa tiếp tục khẳng định chân lý này. Hiện nay các thế lực thù địch, phản động đang cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Bằng những thành tựu của gần 40 năm đổi mới đất nước đã cho chúng ta thế và lực để khẳng định con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Thực tiễn đó đã chứng minh những di sản tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự vận dụng vào Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Nghiên cứu toàn bộ chủ nghĩa Mác-Lênin cho thấy, các nhà kinh điển đã kế thừa toàn bộ tinh hoa của lịch sử tư tưởng nhân loại. Xuất phát từ thực tiễn phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trên toàn thế giới cùng với nhân sinh quan khoa học của mình, chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra rằng, lịch sử phát triển của xã hội loài người là lịch sử phát triển và thay thế nhau của các hình thái kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên bằng những thủ đoạn, chiêu trò thâm độc, phương thức đa dạng, các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “chủ nghĩa xã hội là quái thai của lịch sử”, là “ý muốn ngông cuồng” của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin; chúng tiếp tục xuyên tạc sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu là tất yếu khách quan, qua đó chúng trực tiếp phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chúng tự cho rằng và hô hào: công nhân ở các nước t­ư bản không còn bị bóc lột, địa vị của họ đã thay đổi căn bản, cho nên giai cấp công nhân không còn sứ mệnh lịch sử nữa, loài người quay lại chủ nghĩa tư bản là hợp quy luật. Từ đây, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào, khủng hoảng thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt.

Các thế lực cơ hội chính trị, phản động thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Thậm chí trong hàng ngũ cách mạng cũng có người lo sợ, tư tưởng dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, họ cho rằng nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo họ cho rằng, nhân dân Việt Nam đã chọn sai con đường, cần phải lựa chọn con đường khác. Cũng có người còn phụ hoạ với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Trước tình thế như vậy, rất cần những kết quả được chứng minh qua thực tiễn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, để một lần nữa khẳng định tiến lên CNXH là tất yếu khách quan của Chủ nghĩa Mác-Lênin qua mô hình xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Trong bài viết của Tổng Bí thư tiếp tục luận giải, chứng minh chủ nghĩa xã hội thường được hiểu với ba tư cách: chủ nghĩa xã hội là một học thuyết; chủ nghĩa xã hội là một phong trào; chủ nghĩa xã hội là một chế độ. Theo đó, dưới góc độ của bài viết Chủ nghĩa xã hội đề cập ở đây là chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên học thuyết Mác-Lênin trong thời đại ngày nay và sự vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Thật vậy, lịch sử thế giới đã chứng minh tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Từ cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công đã mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Liên Xô trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (sau Mĩ), đi đầu trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng, nhân dân trong nước được hưởng đầy đủ các quyền chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội bảo vệ sức khoẻ, chữa bệnh, quyền nhà ở, quyền được học hành, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tín ngưỡng, tôn giáo… Đó chính là những giá trị xã hội chủ nghĩa ưu việt do Liên Xô tạo nên, chứng minh loài người hoàn toàn có đủ khả năng đi lên CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng của giai cấp công nhân.

Năm 1991 chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô đã sụp đổ, sau 70 năm tồn tại, từ đó các thế lực thù địch tìm mọi cách để chống phá các nước XHCN còn lại. Nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ đó do sự vận dụng một cách máy móc, giáo điều của chủ nghĩa Mác-Lênin, mô hình kinh tế - xã hội tập trung, quan liêu, bao cấp được duy trì trong một thời gian dài và do sai lầm của những người lãnh đạo đứng đầu của Đảng Cộng sản, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và trong công tác cán bộ; đặc biệt là sự phản bội của một số kẻ cơ hội bên trong kết hợp với sự chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài. Đảng Cộng sản Liên Xô đã quan liêu, xa rời thực tiễn, để mất quan hệ máu thịt giữa Đảng Cộng sản với nhân dân Liên Xô. Sự sụp đổ hệ thống XHCN hoàn toàn không phải là sự sụp đổ của lý tưởng cộng sản, càng không phải là sự phá sản học thuyết Mác-Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, càng không phải là sự diệt vong tất yếu của CNXH hiện thực mà là sự đổ vỡ của một mô hình CNXH còn nhiều khuyết tật, không tôn trọng quy luật khách quan, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, chưa thấy và xây dựng được tình đoàn kết giữa Đảng với Nhân dân.

Một số mô hình xây dựng CNXH ở các nước như: Trung Quốc, Lào, Cuba bước đầu cũng cho những kết quả khả quan trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, đã đưa các nước này vượt qua được giai đoạn khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, tạo được những bước đột phá phát triển, là những bằng chứng rõ ràng về sự phục hồi của CNXH, góp phần thúc đẩy vào sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi thế giới và các nước đang xây dựng. Từ thực tiễn và những thành tựu của CNXH đã chứng tỏ quy luật tồn tại, phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin là đúng đắn.

Bài viết của Tổng Bí thư tiếp tục cho thấy đã đánh giá khách quan, trung thực, khái quát cao về chủ nghĩa tư bản, thấy được ưu điểm của chủ nghĩa tư bản, đó là chúng ta thừa nhận về chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Nhưng cũng thấy được nhiều nhược điểm, hạn chế của chủ nghĩa tư bản, bởi lẽ theo nhiều nhà khoa học phân tích, các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa và chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ có ý định từ bỏ và ngừng theo đuổi giá trị thặng dư. Đầu năm 2011 tại Mỹ diễn ra phong trào "99 chống lại 1" và nhanh chóng lan rộng ở nhiều nước tư bản, chính phong trào này là minh chứng rõ nét nhất cho sự rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền đó đã dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất, chỉ phục vụ cho một bộ phận rất nhỏ, 1% dân số nhưng lại chiếm giữ phần lớn tư liệu sản xuất, khoa học kỹ thuật hiện đại và từ đó chi phối tới đời sống xã hội của nhân loại. Thực tế ngày nay tiếp tục chứng minh trong đời sống chính trị, khi quyền lực của đồng tiền chi phối thì quyền lực của nhân dân sẽ bị lấn át, do đó tại các nước tư bản phát triển, diễn ra nhiều cuộc bầu cử được gọi là "tự do", "dân chủ", vì con người nhưng thực tế thì không phải vậy, dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; hệ thống quyền lực đó vẫn chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn.

Vậy chủ nghĩa xã hội là gì và đi lên chủ nghĩa xã hội bằng cách nào? Trong khi chủ nghĩa tư bản đã phát triển rực rỡ, nhiều thành tựu khoa học quan trọng nhưng chưa mang lại sự tự do, bình đẳng, hạnh phúc thực sự cho Nhân dân? Đó cũng là câu hỏi lớn qua bài viết của Tổng Bí thư.

Thực tế cho thấy chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, ở đó như Mác-Ănghen khẳng định “thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[1]…, chứ không phải vì lợi nhuận mà bất chấp bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, mọi người có cơ hội làm việc, tiếp cận khoa học công nghệ như nhau vì đây là sản phẩm của nhân loại chứ không của riêng một bộ phận nào hay của chế độ nào. Xây dựng CNXH là xây dựng một xã hội vì con người, một xã hội đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn để phục vụ cho con người, vì con người.

Qua bài viết của Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định đi lên CNXH là tất yếu khách quan của Chủ nghĩa Mác-Lênin và sự vận dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam ở những điểm sau:

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”  bởi lẽ hơn ai hết Nhân dân Việt Nam đã trải qua một quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, khó khăn, đầy gian khổ hy sinh để chống lại ách đô hộ và sự xâm lược của thực dân, đế quốc để bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

Thứ hai, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc cho Nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản và Nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, xã hội mà Việt Nam đang xây dựng là một xã hội ưu việt, một xã hội đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Trong đặc trưng thứ bảy về xây dựng CNXH ở Việt Nam là xây dựng Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong bài viết của Tổng Bí thư đã làm rõ điều này: Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hoà với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm, vì vậy cần xây dựng cơ chế, chính sách, phương thức lãnh đạo công bằng, bình đẳng góp phần hiện thực hóa các quan điểm, đặc trưng trên.

Thứ tư, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Trải qua 94 năm xây dựng và trưởng thành, tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục “là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới"[2].

Từ năm 1986 cho đến nay, công cuộc đổi mới, đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử, thay đổi đời sống mọi mặt của người dân: kinh tế tăng trưởng ở mức tương đối cao, trung bình khoảng 7% mỗi năm, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Tổng kết 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã nhận định, sự nghiệp đổi mới đã giành được "những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử"[3]. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội: “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay"[4].

Từ những luận cứ trên đã chứng minh: “…Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”[5] và Việt Nam tất yếu sẽ tiến lên CNXH, văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng ta đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[6].

Và điều hết sức quan trọng góp phần vào thành công chung là mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và sự vận dụng ở Việt Nam về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán, xây dựng có tính đoàn kết nhằm đi đến thống nhất chung trong hành động và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, đặc biệt là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, là một xã hội vì con người.

Bảo vệ quan niệm đi lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan của chủ nghĩa Mác-Lênin thông qua bài viết của Tổng Bí thư là trách nhiệm của tất cả mọi người, các cấp, các ngành. Qua bài viết không chỉ củng cố thêm niềm tin sắc son, mãnh liệt vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà giúp chúng ta như được trang bị thêm cho mình “liều thuốc kháng sinh hữu hiệu” để “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc, xảo trá, thâm độc của các thế lực thù địch trong tình hình mới. Bước sang thế kỷ XXI, so với thời kỳ của C.Mác, Ph.Ăngghen, thế giới ngày nay có nhiều sự vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Tuy nhiên, sự biến đổi này, không nằm ngoài sự tiên liệu và đoán định của các ông. Đồng thời, các thế lực thù địch càng điên cuồng tiến công hòng phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, càng chứng tỏ giá trị và sức sống của học thuyết về chủ nghĩa xã hội.

Từ các luận điểm khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam trong bài viết của Tổng Bí thư, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” và “làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

 


[1] C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 628. 

[2] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, trang 25 - 26

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006

[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội, 2021, tr16

[5] Đảng Cộng sản Việt nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.69.

[6] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 24

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-----

1. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập (1995), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.3.

2. C. Mác và Ph.Ănghen: Toàn tập (1993), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 13.

3. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập (1995)Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 19.

4. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập (1995), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 21.

5. C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập (1993), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.23.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

7. Đảng Cộng sản Việt nam (2011): Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

9. Nguyễn Phú Trọng, (2023), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

10. V.I.Lênin: Toàn tập (2006), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập 35.

 

Tác giả: Lê Thị Thu Hiền - Trưởng khoa LLCS, Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận




Thống kê truy cập
  • Đang online: 22
  • Hôm nay: 339
  • Trong tuần: 549
  • Tất cả: 140 578
Đăng nhập