Bảo vệ nền văn hóa dân tộc trên môi trường mạng xã hội

Văn hóa là hồn cốt của mỗi dân tộc. Trong tình hình mới, mạng xã hội có tác động rất lớn đến sự bền vững và sự lan tỏa của các giá trị văn hóa. Bài viết phân tích các ảnh hưởng của mạng xã hội đến các giá trị văn hóa, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể để bảo vệ nền văn hóa dân tộc trên môi trường mạng xã hội theo đúng tinh thần của Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ở mỗi quốc gia, nền tảng văn hóa cấu thành nên các yếu tố và giá trị dân tộc, được định hình ở cấp độ gia đình, xã hội hoặc tổ chức. Nền tảng văn hóa bao gồm các yếu tố quan trọng như đạo đức, chính trị, trình độ học vấn, cách ứng xử giao tiếp giữa con người với con người và với môi trường xung quanh…

Ở Việt Nam, những đặc điểm nổi bật, thuộc tính riêng của nền văn hóa 54 dân tộc anh em tạo dựng nên nền tảng văn hoá trong mọi thời đại. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”[1]. Như vậy, yếu tố con người gắn với những giá trị văn hoá trường tồn mãi là nền tảng văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đã xác định, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, nền tảng văn hóa và con người ngày càng đóng vai trò rường cột đối với sự tồn tại, phát triển bền vững của dân tộc.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số… vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa”[2]. Điều này cho thấy, khi Đảng, Nhà nước ta đang nỗ lực xây dựng chính phủ số để hội nhập với thời đại kỷ nguyên số, vấn đề xây dựng và bảo vệ nền văn hóa tiên tiến, mang đậmbản sắc dân tộc đang đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đang phải đối mặt với không ít những khó khăn, thách thức. Hiện nay, cùng với rất nhiều lĩnh vực khác, công tác bảo vệ nền tảng văn hóa dân tộc Việt Nam đang được biểu hiện ở nhiều hình thức, trong đó Mạng xã hội (mạng xã hội) là phương tiện dễ dàng tiếp cận và lan toả nhanh nhất tới nhiều người trong xã hội.

Mạng xã hội có thể hiểu theo nhiều góc độ. Ở góc độ được ủng hộ rộng rãi nhất, có thể hiểu là “một trang web hoặc ứng dụng truyền thông xã hội thông qua đó người dùng có thể giao tiếp với nhau bằng cách thêm thông tin, tin nhắn, hình ảnh”[3], từ đó giúp mọi người dễ dàng kết nối từ bất cứ đâu. Mạng xã hội có thể truy cập dễ dàng từ nhiều phương tiện, thiết bị như máy tính, điện thoại... Mạng xã hội tuy tồn tại dưới nhiều mô hình khác nhau nhưng nhìn chung, mạng xã hội là một ứng dụng được sử dụng trên nền tảng Internet; tất cả nội dung trên mạng xã hội đều do người dùng tự tạo ra, tự chia sẻ; mỗi người dùng trên mạng xã hội đều phải tạo tài khoản, hồ sơ riêng. Mạng xã hội kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân, tổ chức khác thông qua các tài khoản ảo do người dùng tạo ra. Mục tiêu của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống cho phép người dùng có thể kết nối, giao lưu, chia sẻ những thông hữu ích trên nền tảng Internet. Hiện nay mạng xã hội đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam là: Facebook, Zalo, YouTube, Instagram, Twitter…

Có thể dễ dàng nhận ra, hiện nay tốc độ lan toả văn hoá đến với nhiều tầng lớp nhân dân rất nhanh thông qua mạng xã hội. Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, theo Báo cáo của Digital 2022, số lượng người dùng mạng xã hội tại Việt Nam tăng vọt vào tháng 1/2021 tương đương 73.7% tổng dân số. Theo thống kê từ Statista, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Mạng xã hội xuyên quốc gia như Facebook, Youtube đã tạo ra những cơ hội, khả năng tiếp xúc, giao lưu văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới.

Thông qua mạng xã hội, thế giới biết Việt Nam là một đất nước có nền chính trị ổn định với các giá trị văn hóa phong phú, đầy bản sắc và đang ngày một phát triển. Hình ảnh đất nước Việt Nam với những phong cảnh đặc sắc, người dân bản địa với những phong tục văn hoá đặc sắc được thế giới biết đến nhanh chóng hơn nhờ mạng xã hội.

Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng tồn tại không ít những yếu tố tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường văn hoá, đạo đức con người, theo đó báo động sự an toàn của một nền văn hoá có truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại, được Đảng ta dày công bảo vệ. Có thể thấy, hiện nay một bộ phận người dùng đã sử dụng mạng xã hội vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của Đảng; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội để bóp méo nền văn hoá, lai căng đạo đức, du nhập lối sống ngoại lai…

Hàng ngày, có thể dễ dàng bắt gặp trên môi trường mạng những bài viết, bình luận với những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kích động người dùng mạng xã hội, nhất là giới trẻ hiểu sai, áp dụng lối sống phóng khoáng, nhố nhăng, thiếu thuần phong, mỹ tục. Hiện tượng “nói tục - chửi thề”, ăn mặc phản cảm diễn ra hàng ngày trên mạng xã hội, kéo theo trào lưu giới trẻ, sẽ dẫn tới hệ luỵ khôn lường cho cả một dân tộc. Những thông tin giả, những video xấu đang tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng, thậm chí làm băng hoại tinh thần yêu nước, tiếp tay cho những thế lực thù địch để chống phá đất nước[4].

Những livestream nói xấu, lệch chuẩn đạo đức trên mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận, hình thành tâm lý đám đông, áp lực dư luận, có thể tạo ra các giá trị lệch lạc hay khuynh hướng phức tạp trong văn hóa ứng xử. Nguy hiểm hơn, thông qua mạng xã hội, những tác phẩm với những nội dung xấu, độc như mưa dầm thấm lâu, hàng ngày, hàng giờ tác động vào các tầng lớp xã hội; đặc biệt là lớp trẻ - thanh niên, học sinh, sinh viên, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang... gây tâm lý bi quan, bất mãn, quay lưng lại quá khứ, truyền thống, phủ định lớp người đi trước, phủ định những thành quả của cách mạng, của công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, mất lòng tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa .

Điều dễ nhận thấy là các thông tin càng độc hại thì tốc độ lan tỏa trên mạng xã hội lại càng nhanh. Do đó, việc xác định lực lượng nòng cốt chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ, tác động xấu từ mạng xã hội đến môi trường văn hóa, đạo đức đến những người xung quanh là hết sức cần thiết. Trong các cuộc chiến tranh trường kỳ của dân tộc, người cán bộ, đảng viên là lực lượng tiên phong ra mặt trận. Ngày nay, việc đấu tranh, phản bác để bảo vệ nền tảng văn hóa dân tộc nên chăng được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng bên cạnh việc thực hiện công tác chuyên môn của mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, tổ chức.

Để có đủ bản lĩnh, kiến thức đấu tranh với những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, việc rèn luyện, tu dưỡng và nâng cao bản lĩnh chính trị, hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn có ý thức bồi đắp niềm tự hào về truyền thốngvăn hóa dân tộc phải trở thành công việc thường xuyên, thấm nhuần trong mỗi cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Trước những thủ đoạn, âm mưu phá hoại nền tảng tư tưởng văn hoá dân tộc trên môi trường mạng, người cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không được dễ dàng tin vào những thông tin xấu độc vô căn cứ, phản bác những quan điểm chính trị không phù hợp, văn hóa lai căng; cần ý thức rằng, việc chia sẻ, bình luận những tin, bài xấu độc rất vô tình sẽtrở thành những “cánh tay nối dài” tuyên truyền những tư tưởng, văn hóa độc hại, phá hoại an ninh tư tưởng - văn hóa mà Đảng và nhân dân ta dày công xây dựng.

Đồng thời, mỗi cá nhân công tác tại các cơ quan nhà nước khi đã hiểu rõ những “trá hình” trên mạng xã hội có thể làm băng hoại đạo đức của dân tộc cần chủ động giải thích, định hướng cho người dân về bản chất của những thủ đoạn của địch để tạo nên môi trường lành mạnh trên không gian mạng.

Mạng xã hội là sản phẩm trí tuệ của thế giới, thông qua đó người dùng mạng xã hội có thể sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị về đất nước và con người. Người dùng mạng xã hội cần biết chắt lọc những tinh tuý của những ứng dụng, những thành tựu của công nghệ số để sản xuất ra những sản phẩm tuyên truyền về tư tưởng, văn hóa, con người Việt Nam có thể hấp dẫn người xem, người đọc.

Mạng xã hội có sức lan toả rất nhanh, do đó, các sản phẩm văn hoá tốt được đưa lên mạng xã hội sẽ là những thông tin tích cực, tạo “sức đề kháng” trước những luận điệu, thông tin xấu độc vô căn cứ, tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng, văn hóa Việt Nam, phá hoại đại đoàn kết dân tộc. Nhiều người dân có thể tạo nên nhiều sản phẩm văn hoá tích cực, mạng xã hội sẽ trở thành công cụ sắc bén để đè bẹp những sản phẩm độc hại, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục trong gia đình và xã hội Việt Nam.

Để tuyên truyền, quảng bá trong nước và ra thế giới các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tầm phản ánh được những giá trị lịch sử dân tộc, Đảng và Nhà nước cần thực hiện các biện pháp toàn diện và đồng bộ. Cần khuyến khích và định hướng cho người dân đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghệ, sản xuất các chương trình, sản phẩm gắn với việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đây là cách để các tác phẩm văn hóa nghệ thuật phản ánh được những nét đẹp về văn hóa, con người Việt Nam.  Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển hệ thống hạ tầng của mạng xã hội. Điều này sẽ tạo điều kiện để các sản phẩm số, phim ảnh tuyên truyền về sự kiện chính trị, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc được quảng bá rộng rãi; đồng thời cần cần tăng cường phát triển nhân lực cho an ninh mạng, nhằm đảm bảo việc tuyên truyền chính trị và văn hóa trên không gian mạng được an toàn, hiệu quả. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam trong nước và quốc tế. Để tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tầm phản ánh được giá trị lịch sử dân tộc, Đảng và Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các biện pháp như khuyến khích sáng tạo, phát triển hạ tầng mạng xã hội, tăng cường an ninh mạng. Những nỗ lực này sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Trước cơ hội và thách thức của kỷ nguyên số, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân cách nhận biết, đề phòng, đấu tranh với những thông tin xấu độc và lan tỏa những điều tốt đẹp có lẽ là hữu hiệu nhất.

Định hướng, uốn nắn để đưa giới trẻ đi trên con đường đúng đắn trong môi trường mạng xã hội ngày nay cũng như giáo dục, khơi dậy nguồn suối ngọt tinh hoa văn hoá của dân tộc với truyền thống yêu thương đồng bào trong những giá trị tư tưởng, văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, theo đúng định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước tại các nhà trường là trách nhiệm của gia đình, của các lớp thế hệ đi trước và của mỗi cán bộ, đảng viên.

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, nhưng cũng rất thách thức trong kỷ nguyên số với sự bùng nổ của các mạng xã hội. Để thực hiện được mục tiêu này, cần có sự chung tay, nỗ lực của toàn thể người dân Việt Nam và cả hệ thống chính trị.

Trước hết, bảo vệ và phát huy nền văn hóa truyền thống của Việt Nam là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Từ đó, cần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, định hướng hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội. Biến những công cụ này thành vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng, góp phần hình thành và củng cố những giá trị đạo đức, lối sống lành mạnh trong xã hội. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chỉ có như vậy, mới có thể xây dựng được một nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, tự hào về bản sắc dân tộc, đồng thời hội nhập thành công với xu thế văn minh nhân loại trong kỷ nguyên số./.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb.CTQGST, H.2021, T.1, tr.115

[2] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.169

[4] Hội đồng Lý luận Trung ương, Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự Thật, H.2017, tr.487

 

Tác giả: Nguyễn Thành Lĩnh - Giảng viên, Trường Chính trị Ninh Thuận




Thống kê truy cập
  • Đang online: 20
  • Hôm nay: 437
  • Trong tuần: 647
  • Tất cả: 140 676
Đăng nhập